Thứ Năm, 30/11/2023, 09:31 (GMT+7)
.

Nâng cao vai trò, vị thế và năng lực làm chủ của nông dân

Thực hiện Nghị quyết 19  ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Nghị quyết 19), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch 60 và Chương trình 29 về tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và thực hiện Nghị quyết 19.

NÂNG CAO ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT VÀ TINH THẦN

Theo đó, các cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao trình độ, năng lực tổ chức sản xuất của nông dân và cư dân nông thôn để đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, làm giàu từ nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Hằng năm, tỉnh tổ chức đào tạo 3.000 - 4.000 lao động, các lớp đào tạo nghề gắn với nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp, hợp tác xã, đáp ứng quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn; chú trọng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, nhất là lao động trẻ, phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, khoa học và công nghệ, quản trị kinh doanh đáp ứng nhu cầu lao động ở nông thôn, chuyến đổi nghề nghiệp và đưa lao động nông thôn đi làm việc ở nước ngoài.

Thu hoạch lúa tại xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây. Ảnh: MINH THÀNH
Thu hoạch lúa tại xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây. Ảnh: MINH THÀNH

Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho người lao động đăng ký thất nghiệp để quay lại thị trường lao động được đẩy mạnh thực hiện tốt, đã giải quyết việc làm cho gần 11,5 ngàn lao động. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được quan tâm; thực hiện tốt các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nâng cao y đức, phục vụ tốt người bệnh; tỷ lệ nông dân tham gia bảo hiếm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế được nâng cao.

Chất lượng văn hóa, thể thao ngày càng được nâng lên, thiết chế văn hóa, thể thao được xây dựng đảm bảo tiêu chí nông thôn mới, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao được tổ chức để phục vụ nhân dân, nhất là trong dịp lễ, tết và các sự kiện trọng đại của đất nước, địa phương.

Việc xây dựng nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường ở nông thôn được chú trọng; bảo tồn và phát huy đa dạng, phong phú về các giá trị văn hóa ở nông thôn, làm cơ sở để nhân rộng các mô hình du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái nông thôn. Hiệu quả các quy chế, quy định về dân chủ cơ sở, bảo đảm quyền làm chủ của nông dân và cư dân nông thôn theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được nâng lên.

Đồng thời, phát huy tốt tinh thần đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm, tương thân, tương ái; xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng dân cư vững mạnh, tham gia quản lý xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.

Cùng với đó là triển khai các giải pháp tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học và công nghệ, thực hiện liên kết sản xuất - tiêu thụ trên các sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của từng vùng.

Cụ thể là tiếp tục thực hiện Đề án Phát triển cây sầu riêng đến năm 2025; Đề án Phát triển cây thanh long đến năm 2025; Đề án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phía Bắc Quốc lộ 1; Đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phí Đông; các dự án xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sầu riêng, xoài, thanh long...

Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện hỗ trợ người dân sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật đến người dân, nhất là việc khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Đến nay, toàn tỉnh chứng nhận sản xuất theo GAP được 3.610,06 ha trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

PHÁT HUY VAI TRÒ CHỦ THỂ CỦA NÔNG DÂN

Tiền Giang có diện tích tự nhiên 255,64 ngàn ha; trong đó, đất nông nghiệp 190,1 ngàn ha, gồm đất sản xuất nông nghiệp hơn 177,8 ngàn ha, đất lâm nghiệp có rừng 2,02 ngàn ha, đất nuôi trồng thủy sản hơn 10 ngàn ha và đất nông nghiệp khác 0,89 ngàn ha.

Toàn tỉnh có 190 hợp tác xã nông nghiệp với 47.023 thành viên; phát triển đa dạng ngành nghề hoạt động, phù hợp với nhu cầu hợp tác trong sản xuất, kinh doanh của người dân địa phương. Hiệu quả hoạt động của nhiều hợp tác xã ngày càng tăng về doanh thu và lợi nhuận, mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên, tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho người lao động; trong đó, xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã nổi bật, điển hình với cách làm mới, sản xuất gắn với chuỗi giá trị.

Công tác xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả phấn khởi. Qua đó, chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn như: Giao thông, điện, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nước sạch tập trung... ngày càng được nâng cao đáp ứng yêu cầu phát triển. Công tác phát triển giáo dục, y tế, văn hóa cơ sở; tăng cường đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội ở nông thôn được đẩy mạnh thực hiện.

Về nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyến đổi số; đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn; trong năm 2023, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 7 đề án khuyến công địa phương với tổng kinh phí 1,719 tỷ đồng để đầu tư, ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại vào hoạt động sản xuất.

Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ lập dự án, tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về nâng cao năng lực quản lý đã giúp cán bộ quản lý, chủ doanh nghiệp nắm vững về các phương thức quản lý và giúp ổn định tổ chức, phát triển sản xuất.

Đồng thời, hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu tư, ứng dụng công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới, hiện đại hóa công nghệ truyền thống, công nghệ xử lý nước thải, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng những đơn hàng lớn và bảo vệ môi trường.

Công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ tiếp tục được chú trọng thực hiện. Theo đó, tỉnh tập trung nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để sản xuất giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, dịch hại thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn, mặn. Nghiên cứu, ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với một số nhóm sản phẩm, hàng hóa có thế mạnh của tỉnh; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến và giải pháp phù hợp để chế biến, bảo quản đa dạng hóa các mặt hàng nông, thủy sản chế biến, góp phần xây dựng các thương hiệu mạnh cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Nghiên cứu đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trong chế biến rau quả, thức ăn gia súc, thịt gia súc, gia cầm; đẩy mạnh và mở rộng ứng dụng các công nghệ sạch, sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.

Tỉnh đã tổ chức thẩm định nội dung 19 nhiệm vụ khoa học và công nghệ (13 cấp tỉnh, 6 cấp cơ sở); triển khai 16 nhiệm vụ khoa học và công nghệ (10 cấp tỉnh, 6 cấp cơ sở); quyết định công nhận 12 nhiệm vụ khoa học và công nghệ (4 cấp tỉnh, 8 cấp cơ sở). Trong đó triển khai mới 6 nhiệm vụ cấp tỉnh, quyết định công nhận nghiệm thu 2 nhiệm vụ cấp tỉnh và 5 nhiệm vụ cấp cơ sở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Việc triển khai Nghị quyết 19 được các cấp ủy, chính quyền, tổ chức Đảng tổ chức quán triệt, phổ biến rộng rãi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn để thống nhất nhận thức, nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, phát huy vai trò chủ thể của người dân nói chung, người dân ở nông thôn nói riêng trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết đề ra.

TẤN QUÂN

 

.
.
.