Thứ Tư, 08/11/2023, 10:23 (GMT+7)
.
Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 9-11:

Đưa các quy định của pháp luật vào cuộc sống

I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA “NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM”

Ngày 4-10-2010, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) của Chính phủ ban hành Công văn 3535 hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị từ Trung ương đến địa phương về việc áp dụng chính thức việc thực hiện Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngày Pháp luật Việt Nam) trong phạm vi cả nước.

Trước đó, mô hình này được triển khai thực hiện ở 10 địa phương (trong đó có tỉnh Tiền Giang), cho thấy: Thực tiễn tổ chức triển khai mô hình này phù hợp với điều kiện hoạt động của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần đa dạng hóa các hình thức PBGDPL, hình thành thói quen học tập, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

Tập huấn tuyên truyền kỹ năng PBGDPL. Ảnh: SỬU MINH
Tập huấn tuyên truyền kỹ năng PBGDPL. Ảnh: SỬU MINH

Việc tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam định kỳ nhằm bố trí một ngày trong tháng với lượng thời gian cần thiết để cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân tham gia học tập, tìm hiểu pháp luật.

Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bởi vì Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đặt ra yêu cầu: Pháp luật phải được tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh, do đó mọi công dân, mà trước hết là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải hiểu biết và tuân thủ pháp luật.

Chính vì thế, tại Điều 8 Luật PBGDPL năm 2012 đã khẳng định và chọn Ngày 9-11 hằng năm là Ngày Pháp luật Việt Nam. Ngày Pháp luật Việt Nam thực sự có ý nghĩa pháp lý sâu rộng, nâng cao và phát huy ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong thực hành “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”:

Ngày 25-10, huyện Chợ Gạo tuần hành hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9-11.          Ảnh: P. MAI
Ngày 25-10, huyện Chợ Gạo tuần hành hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9-11. Ảnh: P. MAI

“Điều 8. Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Ngày 9 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.

Ngày 4-4-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 28/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PBGDPL; trong đó, có quy định về nội dung, hình thức tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.

Năm 2013 là năm đầu tiên tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam trong phạm vi toàn quốc, là năm ghi nhận một sự kiện rất quan trọng trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước ta.

Năm 2023 là năm thứ 11 tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam” (ngày 9-11) trên cả nước nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng kể từ khi thực hiện Luật PBGDPL năm 2012.

Mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp Luật Việt Nam là:

1. Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật:

Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp, pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Với ý nghĩa đó, để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ liên quan đến công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật; đồng thời, mọi tổ chức, cá nhân nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, góp phần đưa các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống.

2. Xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử phù hợp với pháp luật:

Qua việc tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp với quy định của pháp luật, nâng cao ý thức bảo vệ pháp luật của toàn dân.

Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật, tự giác chấp hành Hiến pháp, pháp luật, tích cực tham gia bảo vệ pháp luật; động viên toàn xã hội thi hành pháp luật nghiêm minh.

3. Hướng tới xây dựng văn hóa pháp lý trong toàn xã hội:

Văn hóa pháp lý được thể hiện hằng ngày ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của Nhà nước, cá nhân và xã hội. Để hình thành văn hóa pháp lý cần phải xây dựng lối sống theo pháp luật. Ngày Pháp luật Việt Nam góp phần xây dựng lối sống theo pháp luật, tạo lập thói quen tự giác thực hiện, ứng xử theo pháp luật và nâng cao nhận thức pháp luật của mỗi người.

II. VIỆC THỰC HIỆN NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM TẠI TIỀN GIANG:

Năm 2008, Sở Tư pháp (Thường trực Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh) đã tham mưu Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh ban hành Kế hoạch 122 ngày 6-10-2008 về việc thực hiện “Ngày Phổ biến văn bản pháp luật” trên địa bàn tỉnh, theo đó, tất cả các cơ quan, đơn vị ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đều tổ chức thực hiện.

Đến cuối năm 2009, Ngày Phổ biến văn bản pháp luật đã được thực hiện thống nhất đến các chi, tổ, hội, chi đoàn, Ban công tác mặt trận ấp, các công ty, doanh nghiệp. Từ đó, Ngày Phổ biến văn bản pháp luật được duy trì và trở nên phổ biến trên địa bàn tỉnh.

Năm 2010, Hội đồng Phối hợp PBGDPL Chính phủ có Công văn 3535 ngày 4-10-2010 về việc thống nhất triển khai thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam trên phạm vi cả nước. Do đó, Sở Tư pháp đã hướng dẫn các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, cấp huyện và cấp xã thống nhất đổi tên gọi từ Ngày Phổ biến văn bản pháp luật thành Ngày Pháp luật và tiếp tục tăng cường duy trì hoạt động bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

- Đối tượng tham gia thực hiện: Ngày Pháp luật Việt Nam được thực hiện cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức tại các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, các phòng, ban cấp huyện và UBND các xã, phường, thị trấn; tất cả nhân dân của ấp, khu phố trên địa bàn. Đến nay, có 100% các cơ quan, đơn vị ở cấp tỉnh tổ chức thực hiện. Ở cấp huyện, cấp xã, các cơ quan, đơn vị đều duy trì thực hiện.

Riêng Hội đồng phối hợp Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh có chỉ đạo Công an cơ sở, các đơn vị vũ trang trực thuộc tổ chức thực hiện đến tận các tổ nhân dân tự quản. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động, Tỉnh đoàn, Hội Luật gia, Hội Cựu chiến binh thực hiện trong cơ quan, đơn vị, đoàn viên, hội viên từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở.

- Hình thức triển khai thực hiện: Thực hiện thông qua hoạt động tuyên truyền miệng của báo cáo viên, tuyên truyền viên; một số cơ quan, đơn vị còn tổ chức các hình thức sinh động như mít tinh, diễu hành, treo băng rôn, khẩu hiệu... hoặc lồng ghép tổ chức nghiên cứu trao đổi, tọa đàm, phóng sự có liên quan... nhằm thu hút, nâng cao hiệu quả thực hiện và ngày càng trở nên sâu rộng, phổ biến.

Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023:

Thực hiện Công văn 1855 ngày 11-5-2023 của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2023 (Ngày Pháp luật Việt Nam): Ngày 7-9-2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 402 thực hiện các hoạt động hưởng ứng “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2023”, một số hoạt động cơ bản như sau:

- Thời gian tổ chức Ngày Pháp luật thực hiện tập trung vào 2 tháng (tháng 10 và tháng 11-2023), cao điểm từ ngày 1-11-2023 đến ngày 9-11-2023.

- Tại cơ quan làm việc, cổng chào của các ấp, khu phố và tại các tuyến đường chính tại xã, huyện, tỉnh, trường học có treo cờ, băng rôn, khẩu hiệu để hưởng ứng Ngày Pháp luật.

- Mỗi cơ quan, đơn vị đều tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam từ ấp đến xã, cơ quan cấp huyện, tỉnh và các đơn vị đóng trên địa bàn (tỉnh, huyện) thông qua các hình thức phù hợp như: Tọa đàm, mít tinh, hội thảo, tuyên truyền pháp luật lưu động, hội thi tìm hiểu pháp luật, hội nghị triển khai, chào mừng; buổi sinh hoạt Ngày Pháp luật Việt Nam.

PHẠM CÔNG HÙNG
Giám đốc Sở Tư pháp

.
.
.