Chủ Nhật, 05/11/2023, 23:31 (GMT+7)
.

Tác phẩm báo chí phòng, chống tiêu cực tác động xã hội rất lớn

Tối 5-11, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023. Báo SGGP đoạt Giải B và Khuyến khích trong cuộc xét chọn này.

Dự lễ có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cùng các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Đây là một trong những sự kiện ý nghĩa nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam (18-11-1930 - 18-11-2023).

a
Chương trình văn nghệ chào mừng. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Sau 2 năm tổ chức, tính đến hết ngày 31-8, ban tổ chức đã nhận 1.078 tác phẩm hợp lệ đối với 4 thể loại: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình của 121 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Các thành viên Hội đồng Chung khảo đã xét chọn kỹ lưỡng, thống nhất tuyển chọn 54 tác phẩm xuất sắc để trao 4 Giải A; 10 giải B; 12 giải C; 28 giải Khuyến khích.

Báo SGGP đoạt Giải B với loạt bài “Loại bỏ việc thi đua hình thức, “chạy chọt” khen thưởng” của nhóm tác giả Lâm Nguyên - Đỗ Trung và Giải Khuyến khích loạt 4 bài về “Kiểm soát quyền lực, công tác cán bộ và cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” của nhóm tác giả Trần Lưu - Hoài Nam - Văn Minh - Quốc Khánh.

a
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo tại lễ trao giải. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Theo ban tổ chức, nhìn chung, các tác phẩm tham dự năm nay đã bám sát chủ đề và tiêu chí, thể lệ giải. Nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, tính phát hiện cao, thể hiện sự dấn thân, đeo bám tới cùng vụ việc tham nhũng, tiêu cực, tạo hiệu ứng tác động xã hội rất lớn, đem lại hiệu quả tích cực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Điểm mới của giải lần này là đã có thêm nhiều tác phẩm viết về phòng, chống tiêu cực được ban chỉ đạo, ban tổ chức giải đánh giá cao; đồng thời có nhiều hơn các tác phẩm về đề tài biểu dương, cổ vũ gương dũng cảm trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, có tác động lan tỏa trong xã hội.

54 tác phẩm được Hội đồng Chung khảo xét chọn đoạt giải là những tác phẩm được điều tra công phu, nhiều tuyến bài thực hiện trong nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí cả năm để đi đến tận cùng sự thật.

a
Phóng viên Phan Thảo (bút danh Lâm Nguyên) Báo Sài Gòn Giải Phóng nhận giải B. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Phát biểu tại lễ trao giải, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị phải tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước để báo chí cách mạng Việt Nam hoạt động đúng định hướng, tham gia tích cực, có hiệu quả vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đồng thời, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, người dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong đảng viên và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phản ánh và phê phán mạnh mẽ tình trạng đùn đẩy, thoái thác, sợ trách nhiệm, không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

a
Các tác giả đoạt giải B. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp, đồng hành giữa MTTQ Việt Nam với các cấp, ngành, cơ quan báo chí, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thông tin, tạo thống nhất cao về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; từng bước xây dựng văn hóa tiết kiệm, văn hóa liêm chính, không tham nhũng, lãng phí.

Trước hết, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, chú trọng tăng cường sự đồng thuận xã hội, tạo sự gắn bó khăng khít giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cùng với đó, phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm xã hội của đội ngũ người làm báo trong đấu tranh tham nhũng, tiêu cực; chú trọng tuyên truyền gương người tốt, việc tốt; đề cao báo chí giải pháp, báo chí kiến tạo để kịp thời đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục vướng mắc, kẽ hở của chính sách pháp luật, xử lý căn cơ, tận gốc, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đề nghị các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo phát huy vai trò, trách nhiệm trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà báo, hội viên trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức về trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Song song, có cơ chế khen thưởng, khích lệ, động viên, tôn vinh kịp thời, xứng đáng với cơ quan báo chí, những người làm báo có tinh thần dấn thân, đóng góp tích cực, hiệu quả trong thông tin, tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục đổi mới công tác tổ chức trao giải báo chí phòng, chống tiêu cực, để các nhà báo có điều kiện tham gia tích cực hơn, với nhiều tác phẩm chất lượng, tạo hiệu ứng xã hội, góp sức mạnh trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo sggp.org.vn



 

.
.
.