Tiền Giang: Phát huy lợi thế, để giàu mạnh lên từ biển
Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 36, ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình 39 ngày 30-1-2019 của Tỉnh ủy Tiền Giang về thực hiện Nghị quyết 36 của Ban Chấp hành Trung ương, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp được nâng lên và có sự tăng cường lãnh đạo trong tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, giải pháp về phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
ĐA DẠNG HÓA NỘI DUNG, HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN
Nội dung, hình thức được đa dạng hóa để tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam trong toàn hệ thống chính trị, trong nhân dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cùng lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát đê biển Gò Công. Ảnh: MINH THÀNH |
Qua đó khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là duy trì môi trường hòa bình, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế trên biển, kiên quyết giữ vững biên giới quốc gia trên biển trong mọi tình huống. Đồng thời, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giám sát, phản biện xã hội việc thực hiện.
Tiền Giang cũng chú trọng thực hiện công tác giáo dục, nâng cao nhận thức, kiến thức, hiểu biết về biển, đại dương, kỹ năng sinh tồn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, tránh thiên tai cho học sinh, sinh viên ở các bậc học, cấp học trong tỉnh; tổ chức tuyển sinh đào tạo các ngành/nghề phục vụ kinh tế biển, triển khai công tác đào tạo, dạy nghề, hỗ trợ chuyển đổi việc làm cho người dân ven biển.
Bên cạnh đó, trong lập Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 840, ngày 16-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ, Tiền Giang có tích hợp các nội dung liên quan Quy hoạch tỉnh như: Phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội và hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Gò Công Đông giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội và hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Tân Phú Đông giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; ưu tiên đầu tư cho công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực biển; đánh giá tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, hệ sinh thái và các ngành, lĩnh vực kinh tế biển như hàng hải, khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản…
Cùng với đó là hoàn thiện tổ chức các lực lượng bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật trên biển; xây dựng lực lượng Công an khu vực ven biển, các khu đô thị, khu, cụm công nghiệp ven biển vững mạnh, làm nòng cốt bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng biển. Nâng cao năng lực hoạt động của các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, cứu nạn, cứu hộ, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng khu vực biển. Bảo đảm an ninh, an toàn cho dân cư, người lao động và các hoạt động kinh tế khu vực biển; xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vùng biển.
KẾT HỢP PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VỚI QUỐC PHÒNG
Tiền Giang triển khai thực hiện tốt Nghị định 164/2018, ngày 21-12-2018 của Chính phủ về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng; nâng cao chất lượng, hiệu quả, vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quân sự, quốc phòng địa phương xây dựng khu vực phòng thủ, nâng cao chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Lực lượng vũ trang, chủ động nắm, dự báo chính xác tình hình, kịp thời xử lý các tình huống.
Tiền Giang xây dựng Lực lượng vũ trang vững mạnh, nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, chủ động ngăn ngừa, đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh.
Tỉnh cũng tập trung lãnh đạo thực hiện tốt 3 khâu đột phá: “Nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo”, “Tăng cường xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật” và “Nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ”; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, ứng phó kịp thời, hiệu quả các sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng biên giới biển của tỉnh, gắn với kiểm tra, đăng ký, đăng kiểm, tổ chức kiểm soát, kiểm chứng các loại phương tiện, người, hàng hóa, quan sát tàu nước ngoài, tàu vận tải trong nước ra vào tuyến biển của tỉnh, giữ vững ổn định an ninh trên tuyến biên giới biển của tỉnh.
Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát kịp thời ngăn chặn, xử lý hiệu quả các vụ việc xảy ra, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới biển của tỉnh; phát triển kinh tế khu vực biên giới biển về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng.
Các cấp ủy đã tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế và khu vực để phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng vùng biển, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào các ngành kinh tế biển, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Song song đó, tỉnh đẩy mạnh thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Trong đó, tỉnh quan tâm chủ động thu hút các nhà đầu tư lớn, có công nghệ nguồn, trình độ quản lý tiên tiến từ các nước phát triển; hướng tới hình thành các doanh nghiệp quy mô lớn, các tập đoàn kinh tế trong phát triển kinh tế biển trên địa bản tỉnh; ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước cho phát triển các xã vùng bãi ngang ven biển; xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng biển, các khu, cụm công nghiệp ven biển.
Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm thực hiện tốt các chính sách, tạo điều kiện để ngư dân tiếp cận nguồn vốn vay theo chính sách của ngành Ngân hàng, góp phần phát huy thế mạnh kinh tế biển của địa phương. Ngư dân mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu cá, trang bị máy có công suất lớn để tham gia khai thác xa bờ vừa góp phần giảm áp lực khai thác ven bờ góp phần bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản, nâng cao thu nhập vừa góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền biển, đảo nước ta.
TẤN QUÂN