Xây dựng đội ngũ trí thức - Xứng đáng là người cán bộ 'vừa hồng vừa chuyên'
Đội ngũ trí thức có một vị trí quan trọng không thể thiếu trong sư nghiệp phát triển của quốc gia dân tộc. Thời gian qua, nhất là sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW trí thức Việt Nam đã có nhiều đóng góp và có thành tựu nổi bật ở nhiều lĩnh vực khác nhau, ở cả phạm vi trong nước và quốc tế.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về vai trò của đội ngũ trí thức trong thời đại của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, PGS.TS. Nguyễn Thị Song Hà (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhấn mạnh, đội ngũ trí thức có nhiều đóng góp vào sự phát triển của công nghiệp, công nghệ và sáng tạo để tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới và giải pháp cho các vấn đề kinh tế - xã hội…
PGS.TS. Nguyễn Thị Song Hà |
Khẳng định vị trí quan trọng của đội ngũ trí thức trong sự phát triển đất nước
Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06/8/2008 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, theo bà đội ngũ trí thức Việt Nam đã có bước phát triển như thế nào?
PGS.TS. Nguyễn Thị Song Hà: Trí thức là lực lượng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng góp phần vào sự phát triển, thành công của cách mạng Việt Nam qua các thời kì. Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, cha ông ta đã rất coi trọng và tôn vinh hiền tài, coi "hiền tài là nguyên khí quốc gia". Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm, trọng dụng và bồi dưỡng nhân tài. Người khẳng định: "Kiến quốc cần có nhân tài", "Cách mạng cũng cần có lực lượng của trí thức"; "Trong sự nghiệp cách mạng, trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa, lao động trí óc có một vai trò quan trọng và vẻ vang".
Phát huy truyền thống quý báu của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: "Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng", "Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư cho xây dựng đội ngũ tri thức là đầu tư cho phát triển bền vững". Xuất phát từ những nhận thức đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách nhằm động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để đội ngũ tri thức Việt Nam phát triển, phát huy vai trò trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ tri thức, nhất là trong thời kì đẩy mạnh CNH - HĐH, có thể nói đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu, kết quả đáng ghi nhận. Kết quả của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cho rằng, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27 cho thấy, nhận thức chung trong Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vai trò, vị trí của trí thức ngày càng đầy đủ và toàn diện hơn. Nhà nước đã thể chế hóa và ban hành cơ chế, chính sách đầu tư, bố trí nguồn lực để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, thu hút, tập hợp, tôn vinh, đãi ngộ đối với trí thức.
Đội ngũ trí thức Việt Nam đã phát triển nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng, chủ động, tích cực tham gia nghiên cứu, ứng dụng sáng tạo khoa học, là lực lượng đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần tư và hội nhập quốc tế. Đội ngũ trí thức có nhiều đóng góp vào sự phát triển của công nghiệp, công nghệ và sáng tạo để tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới và giải pháp cho các vấn đề kinh tế - xã hội.
Ở một số lĩnh vực trọng yếu, nhiều trí thức có năng lực, trình độ khoa học tiệm cận với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, tạo động lực phát triển, nâng cao năng suất, có khả năng giúp quốc gia cạnh tranh mạnh hơn trên thị trường quốc tế, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng, nâng cao vị thế quốc gia. Tổ chức bộ máy, cán bộ các hội trí thức được củng cố, kiện toàn, nội dung, phương thức hoạt động có nhiều đổi mới, sáng tạo, thiết thực, làm tốt vai trò cầu nối giữa đội ngũ trí thức với Đảng, Nhà nước. Môi trường, điều kiện làm việc, nguồn lực, cơ sở vật chất hoạt động của trí thức được cải thiện.
Đội ngũ trí thức có một vị trí quan trọng không thể thiếu trong sư nghiệp phát triển của quốc gia dân tộc. |
Có thể đưa ra một vài ví dụ để khẳng định những thành tựu, kết quả mà đội ngũ trí thức đem lại trong thời gian qua. Chẳng hạn như, đội ngũ trí thức đã tham gia có hiệu quả vào việc cung cấp những luận cứ khoa học để góp phần vào hoàn thiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hoạt động tư vấn, phản biện xã hội... với một tinh thần yêu nước, trách nhiệm công dân đã đóng góp sức lực, trí tuệ vào nhiệm vụ chung để phát triển của quốc gia, dân tộc. Trong đó phải kể đến vai trò của trí thức trong hoạch định, thực thi chính sách phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin, đưa thông tin - truyền thông trở thành một trong những ngành "tiên phong, mở đường" cho quá trình đổi mới.
Năm 1993, công nghệ thông tin lần đầu tiên được chính thức ưu tiên phát triển ở Việt Nam và đến nay nó đã khẳng định vai trò, ảnh hưởng đến tất cả mọi lĩnh lực của đời sống xã hội. Theo như chúng tôi được biết, Việt Nam là một trong số các quốc gia tiếp cận sớm với Internet nhờ có tầm nhìn dài hạn của một số ít nhà khoa học, nhà quản lý hiểu biết về lĩnh vực này như GS. Đặng Hữu, GS. Phan Đình Diệu, TS. Mai Liêm Trực, kỹ sư Trần Bá Thái, GS. Bạch Hưng Khang… Việc lựa chọn một số ngành trọng điểm, then chốt để ưu tiên, đột phá như phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin, intrernet trong tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội giúp chúng ta tận dụng được sức mạnh của công nghệ để tham gia sâu rộng vào mạng lưới toàn cầu để tạo ra sự nhảy vọt mạnh mẽ trong phát triển.
Với sự tìm tòi, sáng tạo, trong những năm gần đây đội ngũ trí thức đã đưa và đẩy mạnh chuyển đổi số ở nhiều lĩnh vực phát triển ở Việt Nam. Chính phủ số bằng cách áp dụng công nghệ mới gồm: Dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… đã góp phần thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa quản lý tại các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương.
Hay như, đội ngũ trí thức Việt Nam đã đóng góp tích cực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Thời gian qua, quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, nông nghiệp phát triển toàn diện hơn theo hướng khai thác lợi thế của một nền nông nghiệp nhiệt đới, ứng dụng khoa học và công nghệ, mức độ cơ giới hóa được nâng lên, xây dựng nông thôn mới có nhiều tiến bộ... bởi có một sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ trí thức trong việc nâng cao quá trình sản xuất, tăng năng suất lao động, tìm và phát minh ra nhiều công thức rút ngắn thời gian lưu thông hàng hóa, tìm ra nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai và trình độ dân cư của từng vùng... từ đó nâng cao đời sống cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội nhất là với người dân ở vùng dân tộc, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của đất nước.
Có thể kể đến một số nhà khoa học như TS. Nguyễn Khánh Quắc - Trường Nông Lâm Thái Nguyên đã có nhiều nghiên cứu có giá trị ứng dụng thực tiễn về lợn lai kinh tế, chăn nuôi gà thả vườn, dự án xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội ở khu vực nông thôn, miền núi... Vì thế năm 2020, Ông đã vinh dự nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ. GS.TS. Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam. Ông và các đồng nghiệp đã nghiên cứu, hoàn thiện và chuyển giao rộng rãi vào sản xuất quy trình tiến bộ nhân giống chuối, mía, các cây lâm nghiệp nuôi cấy mô; Quy trình tạo mô sẹo phôi hóa ở cây sắn phục vụ cho chuyển gen ở cây sắn, là đồng tác giả của 19 giống cây trồng mới gồm lúa, mía, nho, dứa, cam, dừa...
PGS.TS. Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch có nhiều công trình mang tính ứng dụng, trong đó có công nghệ sấy cói nguyên liệu và bảo quản lạnh sản phẩm cói đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản... Cả hai nhà khoa học này được Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tôn vinh trong "Nhà khoa học của Nhà nông" năm 2022.
Về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, đội ngũ tri thức Việt Nam cũng đã phát huy được vai trò của mình trong công tác tham mưu, tư vấn, thực hiện chính sách và phản biện xã hội để từng bước đưa chính sách đi vào thực tiễn của đời sống, tiếp nối và phát huy tốt những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Chính họ là những người đem khoa học, công nghệ, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật đến với đông đảo nhân dân khắp mọi miền tổ quốc, góp phần mở mang trí thức, giao lưu văn hóa, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, làm cho đời sống tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú, từ đó có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Chẳng hạn như ở lĩnh vực văn hóa, dân tộc học/nhân học... đã hình thành một đội ngũ các nhà khoa học, có trình độ chuyên môn sâu, đủ kinh nghiệm và uy tín khoa học để thực hiện tốt việc kết hợp giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu dự báo các cấp độ khác nhau trên cơ sở tiếp cận chuyên ngành, liên ngành về những vấn đề lí luận và thực tiễn, những vấn đề cơ bản và cấp bách trong phát triển bền vững về văn hóa, dân tộc, tôn giáo. Với việc trực tiếp chủ trì và phối hợp thực hiện thành công các đề tài nghiên cứu khoa học, họ đã có những đóng góp thiết thực cho những kết qủa của chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa bền vững ở các vùng, các địa phương trong cả nước.
Đã có nhiều nghiên cứu đã góp phần luận giải sâu sắc cơ sở lí luận và thực tiễn về phát triển văn hóa, những bất cập và hạn chế trong chính sách phát triển văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh đương đại, trong đó có vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, từng bước khẳng định giá trị, vai trò của văn hóa đối với phát triển, văn hóa được coi là nguồn lực để đảm bảo sinh kế, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân. Hay cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu đã xác định rõ mối quan hệ dân tộc ở nước ta, những vấn đề cơ bản, cấp bách trong phát triển bền vững các vùng biên giới trên đất liền, vùng biên cương và hải đảo... từ đó góp phần quan trọng trong việc quản lí hiệu quả và chủ động, kịp thời giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn...
Nhiều nhà khoa học đã tích cực, trách nhiệm trong công tác tham mưu, tư vấn, phản biện để từ đó có những điều chỉnh, thay đổi, bổ sung chính sách dân tộc, chính sách văn hóa, trong đó có chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam phù hơp hơn với xu thế chung của thời đại, góp phần vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước của Đảng và Nhà nước ta.
Không chỉ dừng lại ở phạm vi trong nước mà đội ngũ trí thức Việt Nam thời gian qua cũng đã góp phần tạo uy tín, danh dự cho Việt Nam với bạn bè quốc tế ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Năm 2022 đã có 35 nhà khoa học Việt Nam được bầu chọn trong danh sách 100 nhà khoa học có ảnh hưởng lớn nhất thế giới, trong đó phải kể đến PGS.TS. Lê Hoàng Sơn, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội), PGS.TS. Trần Quang Trung (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), TS. Chu Đình Tới (Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội)... PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân nhận giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới năm 2022 do Quỹ L'Oréan và UNESCO khởi xướng để vinh danh các nhà khoa học nữ trong các lĩnh vực khoa học sự sống, môi trường, vật lí, toán học và khoa học máy tính. PGS.TS. Hoàng Chí Thiêm là người Việt đầu tiên được Hội Thiên văn Hàn Quốc trao giải thưởng cho nhà khoa học có thành tựu nghiên cứu xuất sắc trong 10 năm qua...
Như vậy, có thể khẳng định đội ngũ trí thức có một vị trí quan trọng không thể thiếu trong sư nghiệp phát triển của quốc gia dân tộc. Thời gian qua, nhất là Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW trí thức Việt Nam đã có nhiều đóng góp và có thành tựu nổi bật ở nhiều lĩnh vực khác nhau, ở cả phạm vi trong nước và quốc tế.
Việt Nam đang thiếu những nhà khoa học giỏi, những chuyên gia nghiên cứu khoa học đầu ngành hay thực trạng "chảy máu chất xám", thiếu các cơ chế về tài chính để đội ngũ trí thức chủ động, tích cực tham gia nghiên cứu ứng dụng vẫn là những hạn chế, bất cập trong tiến trình xây dựng và phát triển đội ngũ tri thức. |
Thiếu các cơ chế về tài chính cho đội ngũ trí thức phát triển
Bên cạnh thành tựu, ưu điểm, hoạt động của đội ngũ trí thức cũng còn một số hạn chế, bất cập, bà đánh giá như thế nào về vấn đề này?
PGS.TS. Nguyễn Thị Song Hà: Có thể khẳng định, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW, trí thực Việt Nam đã có nhiều thành tựu, ưu điểm, song vẫn còn những bất cập, hạn chế đang đặt ra. Điều đó được thể hiện ở một số điểm sau:
Thứ nhất, Việt Nam đang thiếu những nhà khoa học giỏi, những chuyên gia nghiên cứu khoa học đầu ngành, đồng thời cơ cấu, số lượng, chất lượng của đội ngũ trí thức còn bất hợp lí trong các ngành nghề, các lĩnh vực, các vùng, khu vực, thiếu hụt đội ngũ trí thức trẻ kế cận.
Thực tế hiện nay cho thấy, mặc dù số lượng đội ngũ trí thức ở Việt Nam có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, có học hàm PGS, GS khá đông, song chúng ta vẫn đang rơi vào tình trạng thiếu các nhà khoa học giỏi, các chuyên gia nghiên cứu đầu ngành và còn có sự bất cập, thiếu hụt đội ngũ trí thức ở nhiều ngành nghề, nhiều vùng và nhiều địa phương khác nhau. Đội ngũ trí thức được phân bố ở nhiều lĩnh vực, trong đó có các lĩnh vực chủ yếu như: Lĩnh vực hành chính sự nghiệp, Lĩnh vực kinh tế, Lĩnh vực văn hóa - thể thao, Lĩnh vực y tế, Lĩnh vực giáo dục - đào tạo, Lĩnh vực khoa học và công nghệ, Lĩnh vực quốc phòng - an ninh, Trí thức làm việc ở nước ngoài… Đội ngũ trí thức tập trung phần nhiều ở lĩnh vực hành chính, sự nghiệp (khoảng 60%).
Nếu như trước kia Việt Nam có nhiều đội ngũ trí thức được đào tạo bài bản, vừa có tâm, vừa có tâm, nhiệt huyết và đam mê khoa học, nhiều trí thức trưởng thành, phát triển và tạo nên uy tín từ các ngành khoa học xã hội, nhân văn thì hiện nay đội ngũ trí thức có thể đảm nhận vai trò như những chuyên gia nghiên cứu khoa học hàng đầu ở nhiều ngành đang thiếu hụt cả về số lượng lẫn chất lượng… dẫn đến việc chưa đủ bản lĩnh, khả năng, cơ sở lí luận để có thể tham gia vào tư vấn, hoạch định chính sách, phản biện xã hội trên một số lĩnh vực…
Vấn đề cơ cấu đội ngũ trí thức theo vùng, miền cũng không đồng đều, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng… và các trung tâm đô thị. Đội ngũ trí thức có trình độ sau đại học ở các vùng nông thôn, các huyện miền núi, biên giới và hải đảo rất hạn chế, đặc biệt đội ngũ trí thức ở vùng dân tộc thiểu số, là người dân tộc thiểu số thiếu trầm trọng...
Thứ hai, thực trạng "chảy máu chất xám" đã và đang là một vấn đề cấp bách, cần được quan tâm, nhất là trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta cũng đã có những chính sách, chủ trương và chương trình nhằm hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, trong đó có nhiều lưu học sinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp học bổng đi du học theo các hiệp định Chính phủ, hay cấp kinh phí để các cán bộ, giảng viên đi nước ngoài học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ… Song hiện nay chưa đủ 50% số người được cử đi học về nước cũng bởi một phần nguyên nhân là chính sách đãi ngộ nhân tài còn vênh so với các nước trong khu vực và trên thế giới, chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống và công việc. Thực trạng chảy máu chất xám ở Việt Nam, nhất là trong ngành giáo dục hiện nay là một trở ngại cho quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập đất nước.
Thứ ba, các công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên tạp chí có uy tín trên thế giới, nhất là ở các ngành khoa học xã hội – nhân văn, số sáng chế được đăng kí quốc tế còn ít so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Vấn đề này đã phản ánh sự hạn chế trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam so với các nước trên thế giới và sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến uy tín khoa học của Việt Nam.
Thứ tư, ở một số lĩnh vực, hoạt động nghiên cứu khoa học chưa xuất phát và gắn bó với thực tiễn, do vậy nhiều kết quả nghiên cứu có giá trị ứng dụng trong thực tế còn hạn chế và cũng chưa mang tính định hướng cho nghiên cứu phát triển, nhất là những vấn đề đương đại. Thậm chí có một bộ phận đội ngũ trí thức hạn chế trong việc chủ động xây dựng các luận điểm lí thuyết nghiên cứu dựa trên thực tiễn của Việt Nam, một số trường hợp sử dụng các luận điểm lí thuyết có sẵn ở nước ngoài để vận dụng, xem xét, luận giải những vấn đề nghiên cứu trong nước mà không có sự lập luận, phản bác khi không phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam. Hoặc hiện nay, chúng ta cũng chưa có những đội ngũ chuyên gia, đội ngũ trí thức nghiên cứu chuyên sâu về chính sách, các dân tộc/tộc người ở những quốc gia láng giềng.
Thứ năm, thiếu các cơ chế về tài chính để đội ngũ trí thức chủ động, tích cực tham gia nghiên cứu ứng dụng và phổ biến kiến thức khoa học công nghệ, tư vấn, phản biện, giám định xã hội. Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tính chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu đối với đội ngũ trí thức còn hạn chế. Ở một số nơi vẫn chưa thu hút, trọng dụng, tôn vinh và phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức nên dẫn đến không đạt hiệu quả trong công việc.
Với sự bùng nổ của tri thức khoa học, thời đại ngày nay đang làm tăng lên gấp bội vai trò của giới trí thức; đồng thời, cũng tạo ra cả thách thức và cơ hội đan xen cho phát triển, theo bà những thách thức và cơ hội đối với đội ngũ trí thức là gì?
PGS.TS. Nguyễn Thị Song Hà: Sự bùng nổ của tri thức khoa học, nhất là cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 tạo ra nhiều cơ hội, thời cơ phát triển cho đội ngũ trí thức toàn cầu, không riêng đối với đội ngũ trí thức ở Việt Nam, nó giúp cho trí thức Việt Nam sớm tiếp cận với trí thức nhân loại, tiếp cận với khoa học kĩ thuật tiên tiến. Chính đội ngũ trí thức là những người tiên phong nắm lấy khoa học - kỹ thuật hiện đại để truyền bá, động viên, lan tỏa đến các tầng lớp khác trong xã hội, đồng thời chính họ cũng là người sử dụng các thành tựu của khoa học công nghệ để nghiên cứu, sáng tạo… từ đó tạo ra những bước tiến nhảy vọt trong các hoạt động nhằm nâng cao năng xuất lao động, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội, phát triển cơ cấu hạ tầng hiện đại, giảm tải sức lao động phổ thông, giúp Việt Nam đẩy nhanh, đẩy mạnh quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…
Song bên cạnh những thuận lợi, cũng có không ít thách thức, đòi hỏi đội ngũ trí thức phải rèn luyện không ngừng về sức khỏe, trí tuệ để mới có thể đáp ứng được sự phát triển nhanh, mạnh của khoa học công nghệ. Trí tuệ nhân tạo phát triển, người máy dần thay thế nhiều công đoạn lao động của con người… Điều đó cũng dẫn đến tình trạng thất nghiệp ngày càng cao ở một số ngành nghề trong tương lai không xa… Nếu không có một định hướng, một chính sách phù hợp trong việc đào tạo, bồi dưỡng, phân bố hợp lí đội ngũ trí thức, nhất là đội ngũ trí thức có chất lượng cao ở các ngành, nghề, các vùng, các khu vực… thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình ổn định, phát triển đất nước.
Đội ngũ trí thức cần phải xác định rõ được vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình đối với sự phát triển của quốc gia dân tộc |
Phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu
Những thách thức và cơ hội đó đặt ra trách nhiệm như thế nào cho giới trí thức nước ta trong tham gia đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước và nâng cao uy tín, vị thế của quốc gia, thưa bà?
PGS.TS. Nguyễn Thị Song Hà: Đội ngũ trí thức cần phải xác định rõ được vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình đối với sự phát triển của quốc gia dân tộc để từ đó không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, chuyên tâm nghiên cứu, sáng tạo… để tạo ra những công trình khoa học, những sản phẩm vừa có giá trị khoa học, vừa có tính ứng dụng thực tiễn cao. Tham gia tích cực và trách nhiệm vào công tác tham mưu, tư vấn và hoạch định chính sách, giám sát và phản biện xã hội. Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa, sự bùng nổ thông tin đang diễn ra mạnh mẽ, đội ngũ trí thức cần phải rèn luyện bản lĩnh chính trị, tư duy độc lập và khả năng phản biện xã hội để phản bác lại các quan điểm sai trái, đồng thời cương quyết chống lại sự "cám dỗ về vật chất", "cám dỗ về tình cảm", nhất là đội ngũ trí thức là cán bộ, đảng viên, xứng đáng là người cán bộ "vừa hồng vừa chuyên" và để trí thức luôn là đội ngũ có tính tiên phong, gương mẫu theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh.
Để phát triển đội ngũ trí trong thời đại mới, theo bà chúng ta cần tập trung vào những nội dung gì, thưa bà?
PGS.TS. Nguyễn Thị Song Hà: Theo tôi, để phát triển đội ngũ trí trong thời đại mới, chúng ta cần tập trung vào một số vấn đề sau:
Thứ nhất, cần sớm hoàn thiện, ban hành các thể chế chính sách, các chiến lược trong việc đào tạo, sử dụng, đãi ngộ, trọng dụng và tôn vinh đội ngũ trí thức…
Thứ hai, cần đầu tư xây dựng cơ sỏ vật chất, trang thiết bị, tạo môi trường thuận lợi để đội ngũ trí thức chuyên tâm nghiên cứu, sáng tạo, phát minh, sáng chế.
Thứ ba, có chính sách lương và đầu tư kinh phí nghiên cứu thích hợp đối với đội ngũ trí thức nhằm khích lệ tinh thần đam mê, tâm huyết với nghề, tạo ra các sản phẩm khoa học có giá trị lí luận và ứng dụng thực tiễn.
Thứ tư, Nhà nước cần đặt hàng các cơ sở đào tạo, nghiên cứu để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, đồng thời chú trọng đào tạo, phát triển đội ngũ trí thức nghiên cứu ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi và trí thức là người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức vừa có tâm, vừa có tầm, có bản lĩnh chính trị
Thứ năm, tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế thông qua thực hiện các chương trình, dự án, đề tài trọng điểm cấp quốc gia dưới góc độ liên ngành, đa ngành; thiết lập mạng lưới nghiên cứu, đào tạo, chuyên gia thông qua tổ chức các hội thảo, hội nghị khoa học quốc gia, hội nghị khoa học quốc tế; thiết cập cơ chế đẩy mạnh chia sẻ thông tin, trao đổi, thảo luận, tranh luận học thuật giữa đội ngũ trí thức các ngành khoa học có liên quan.
(Theo baochinhphu.vn)