.

Tiền Giang xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc

Cập nhật: 13:27, 11/11/2023 (GMT+7)

Qua gần 5 năm triển khai thực hiện Nghị định 21 ngày 22-2-2019 của Chính phủ về khu vực phòng thủ (KVPT), Ban Chỉ đạo KVPT tỉnh Tiền Giang đã cụ thể hóa các văn bản của cấp trên thành nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động cụ thể sát với tình hình thực tế địa phương, xây dựng các tiềm lực trong KVPT đạt nhiều kết quả nổi bật.

XÂY DỰNG KVPT TỈNH LIÊN HOÀN, VỮNG CHẮC

Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng phát biểu chỉ đạo tại buổi kiểm tra về kết quả thực hiện Nghị định 21 của Chính phủ về KVPT tại tỉnh Tiền Giang. 
Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng phát biểu chỉ đạo tại buổi kiểm tra về kết quả thực hiện Nghị định 21 của Chính phủ về KVPT tại tỉnh Tiền Giang. 

Những năm qua, Ban Chỉ đạo KVPT tỉnh Tiền Giang đã quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các ban, bộ, ngành Trung ương về xây dựng KVPT; nhất là Nghị quyết 28 ngày 22-9-2008, Kết luận 64 ngày 30-10-2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành KVPT vững chắc trong tình hình mới; tiềm lực quân sự, an ninh, đối ngoại được củng cố, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững chắc, nhất là những địa bàn trọng điểm về quốc phòng - an ninh (QP-AN); thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới biển, giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, xây dựng KVPT tỉnh liên hoàn, vững chắc.

Trong những năm qua, từ nguồn ngân sách quốc phòng, ngân sách địa phương và nguồn hoán đổi đất, tỉnh đã đầu tư gần 628 tỷ đồng để phục vụ cho công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng, nâng cấp, sửa chữa Sở Chỉ huy thường xuyên, doanh trại, nhà kho vũ khí, trường bắn kỹ thuật; xây dựng trụ sở làm việc và nhà ở cho lực lượng dân quân, đến nay đã hoàn chỉnh 119/172 trụ sở mới.

Thời gian qua, Tiền Giang thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,04% /năm, GDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 63,2 triệu đồng; phát triển các khu công nghiệp theo hướng hiện đại, lưỡng dụng, đa ngành vừa phục vụ dân sinh, vừa phục vụ nhiệm vụ QP-AN.

Các dự án phát triển KT-XH đều gắn với quy hoạch xây dựng thế trận quân sự trong KVPT của tỉnh; các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH được thẩm định chặt chẽ về QP-AN theo đúng quy định pháp luật.

Trong đó, việc xây dựng tiềm lực kinh tế, khoa học và công nghệ gắn với củng cố QP-AN được tỉnh đặc biệt chú trọng thực hiện. Tiền Giang đã tập trung phát triển các khu công nghiệp theo hướng hiện đại, lưỡng dụng, vừa phục vụ dân sinh, vừa phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, nhất là lĩnh vực công nghiệp gắn với nhu cầu QP-AN.

Các dự án phát triển KT-XH trong từng thời kỳ, từng giai đoạn đều gắn với quy hoạch xây dựng thế trận KVPT của tỉnh. Từ đó tạo môi trường thuận lợi để phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Để xây dựng KVPT trên địa bàn ngày càng vững mạnh, ngoài nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh còn tích cực tham gia phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới; giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai; tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định pháp luật.

Công tác quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng thế trận, tiềm lực quân sự, an ninh được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, toàn diện, đạt kết quả tốt, ngày càng vững chắc từ tỉnh đến cơ sở.

Hoạt động của KVPT tỉnh, nhất là vận hành cơ chế “Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, cơ quan Quân sự, Công an và các ban, ngành, đoàn thể làm tham mưu” ngày càng nhuần nhuyễn trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, qua đó củng cố thêm vị trí, vai trò của các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ.

Chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của LLVT tỉnh không ngừng được nâng lên, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, chính quyền và nhân dân giao phó.

KHÔNG ĐỂ BỊ ĐỘNG, BẤT NGỜ

Ảnh 5: Thành viên Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng kiểm tra công tác hậu cần về thực hiện Nghị định 21 của Chính phủ tại tỉnh Tiền Giang.
Thành viên Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng kiểm tra công tác hậu cần về thực hiện Nghị định 21 của Chính phủ tại tỉnh Tiền Giang.

Từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã tổ chức 1 cuộc diễn tập cấp tỉnh, 8 cuộc diễn tập cấp huyện và 139 cuộc diễn tập cấp xã. Nhìn chung, các cuộc diễn tập đều đạt mục đích, yêu cầu đề ra và đảm bảo tuyệt đối an toàn. Việc diễn tập góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền, khả năng làm tham mưu của LLVT và các ban, ngành, đoàn thể địa phương trong tổ chức hiệp đồng, không để bị động, bất ngờ khi có tình huống xảy ra.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo KVPT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, trong thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh thường xuyên đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng, xác định rõ vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng chiến lược xây dựng KVPT.

Đặc biệt là thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo KVPT, Hội đồng Cung cấp KVPT, kịp thời ban hành quy chế, chương trình, kế hoạch hoạt động thống nhất, đồng bộ, hiệu quả; định kỳ có báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoạt động KVPT trong tổng kết công tác quân sự, quốc phòng địa phương hằng năm. 

Ảnh 6: Thành viên Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng kiểm tra công tác kỹ thuật về thực hiện Nghị định 21 của Chính phủ tại tỉnh Tiền Giang.
Thành viên Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng kiểm tra công tác kỹ thuật về thực hiện Nghị định 21 của Chính phủ tại tỉnh Tiền Giang.

Tại buổi kiểm tra về kết quả thực hiện Nghị định 21 của Chính phủ về KVPT tại tỉnh Tiền Giang vừa qua, Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Ban Chỉ đạo KVPT tỉnh Tiền Giang đã đạt được trong thời gian qua.

Đồng thời, Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng đề nghị Ban Chỉ đạo KVPT tỉnh Tiền Giang tiếp tục nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ, giải pháp xây dựng khu vực phòng thủ sát với từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong đó, tỉnh cần xác định rõ 3 thành tố “Xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần, văn hóa, xã hội là then chốt; tiềm lực kinh tế là trung tâm; tiềm lực quốc phòng, an ninh là trọng yếu”.

Đồng thời, thể hiện tốt chức năng “đội quân công tác”, tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giúp dân xóa khó, giảm nghèo và phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.

Qua gần 5 năm triển khai thực hiện Nghị định 21 của Chính phủ, Ban Chỉ đạo KVPT tỉnh Tiền Giang đã quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành Trung ương về xây dựng KVPT.

Tiềm lực chính trị, tinh thần, văn hóa, xã hội được tăng cường; tiềm lực quân sự, an ninh, đối ngoại được củng cố, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc.

THANH LÂM - HÀ NAM

.
.
.