Thứ Ba, 07/11/2023, 07:39 (GMT+7)
.

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang: Nâng cao hiệu quả công tác thực hành quyền công tố

Trong nửa nhiệm kỳ qua, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Tiền Giang luôn nâng cao hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và các chỉ tiêu, yêu cầu theo nghị quyết của ngành kiểm sát và Quốc hội. Đồng thời, thực hiện các kiến nghị qua thẩm tra, giám sát của HĐND tỉnh trong điều kiện phải tinh giản biên chế nên gặp nhiều khó khăn. Song, với sự nỗ lực vượt khó của toàn ngành, VKSND tỉnh đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

VƯỢT KHÓ

Viện trưởng VKSND tỉnh Nguyễn Văn Hòa phát biểu đánh giá hoạt động của ngành Kiểm sát tỉnh trong thời gian qua tại Kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh.
Viện trưởng VKSND tỉnh Nguyễn Văn Hòa phát biểu đánh giá hoạt động của ngành Kiểm sát tỉnh trong thời gian qua tại Kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh.

Viện trưởng VKSND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Hòa cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, VKSND hai cấp của tỉnh đã kiểm sát việc khởi tố mới 1.956 vụ án/3.525 bị can; kiểm sát việc thụ lý mới 17.796 vụ việc tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.

Các vụ án, vụ việc tuy có tăng, giảm theo từng thời kỳ nhưng về tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, phức tạp. Trong khi VKSND hai cấp của tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là về biên chế, tình trạng kiểm sát viên trẻ nghỉ việc chuyển sang hành nghề Luật sư diễn ra liên tục trong 3 - 4 năm gần đây (từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã cho thôi việc theo nguyện vọng 13 trường hợp, nghỉ hưu theo chế độ 9 trường hợp), cùng với đó là khó tuyển thêm biên chế đã gây áp lực nặng nề lên Ban lãnh đạo, cán bộ, kiểm sát viên của ngành Kiểm sát tỉnh. Tính đến cuối tháng 9-2023, ngành Kiểm sát tỉnh Tiền Giang được giao 241 biên chế nhưng hiện còn thiếu 43 biên chế (gần 18%).

Tuy số lượng chưa đến 200 biên chế, nhưng VKSND hai cấp của tỉnh đã phát huy tinh thần trách nhiệm, kiểm sát việc thụ lý, giải quyết hơn 5.400 nguồn tin tội phạm, hơn 3.700 vụ án hình sự và hơn 4.500 bị can, truy tố gần 2.000 vụ án/gần 3.600 bị can.

Có thể nói, tất cả các trường hợp truy tố đều đảm bảo đúng pháp luật, kịp thời hạn, không xảy ra oan sai, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao, Nghị quyết 96 của Quốc hội và các nghị quyết liên quan đến công tác nội chính. Đồng thời, đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử 2.351 phiên tòa hình sự.

Thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong lĩnh vực hình sự, VKSND hai cấp của tỉnh đã trực tiếp kiểm sát 85 cuộc, kịp thời phát hiện và ban hành 30 kháng nghị phúc thẩm, 226 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm, 90 kiến nghị yêu cầu triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa vi phạm, tội phạm.

Đặc biệt, trong 2 năm vừa qua, VKSND tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với cơ quan điều tra triệt phá, khởi tố, điều tra, truy tố nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm, có ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị tại địa phương.

Điển hình như: Chuyên án “Cưỡng đoạt tài sản” tại Công ty Luật TNHH Pháp Việt, có hành vi phạm tội diễn ra trên nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trên 2 triệu bị hại, số tiền giao dịch giữa công ty này với các ngân hàng bước đầu làm rõ gần 457 tỷ đồng, thu lợi bất chính gần 169 tỷ đồng (đây là vụ án Công ty Luật TNHH Pháp Việt đã cho người chở bình gas, uy hiếp cho nổ một trường tiểu học trên địa bàn TX. Cai Lậy mà báo chí đã đưa tin).

VKSND tỉnh đã phê chuẩn khởi tố 111 bị can và đang tiếp tục mở rộng điều tra. Ngoài ra, còn một số vụ án khác như: Vụ án mua bán người xảy ra tại huyện Cái Bè, vụ vi phạm quy định về đấu thầu xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang, vụ bắn súng trước cổng Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang, cùng nhiều vụ án mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy với khối lượng lớn…

Song song đó, trong công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, VKSND hai cấp của tỉnh đã kiểm sát việc giải quyết 21.765 vụ việc dân sự, 1.231 vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật.

Kiểm sát viên đã kiểm sát xét xử hơn 5.300 phiên tòa, 1.000 phiên họp, qua đó ban hành 79 kháng nghị phúc thẩm, 255 yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ; 118 kiến nghị đến tòa án và các cơ quan hữu quan yêu cầu khắc phục và phòng ngừa vi phạm; đồng thời, ban hành 8 đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm.

Chất lượng yêu cầu, kháng nghị, kiến nghị hằng năm của VKSND tỉnh đều vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết 96 của Quốc hội và của ngành Kiểm sát giao, được VKSND tối cao thông qua các cuộc kiểm tra chuyên đề, kiểm tra toàn diện đánh giá là một trong những đơn vị có lĩnh vực công tác dân sự, hành chính hoạt động đạt hiệu quả cao trong toàn ngành.

Công tác tiếp công dân, kiểm sát giải quyết và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp cũng được VKSND hai cấp của tỉnh quan tâm thực hiện, đã tiếp nhận và giải quyết theo đúng quy định 903 đơn, tiếp 194 lượt công dân, trong đó lãnh đạo VKSND hai cấp đã tăng cường tiếp xúc, trao đổi, giải quyết các vấn đề khó khăn, bức xúc của người dân. Qua đó, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng việc chấp hành pháp luật ở các cơ quan, đơn vị, tạo niềm tin trong nhân dân.

THỰC HIỆN TỐT CÁC KIẾN NGHỊ

Đại diện VKSND tỉnh Tiền Giang tham gia xét xử tại Tòa án nhân dân tỉnh.
Đại diện VKSND tỉnh Tiền Giang tham gia xét xử tại Tòa án nhân dân tỉnh.

Bên cạnh việc thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, VKSND tỉnh Tiền Giang còn thực hiện tốt các kiến nghị thông qua thẩm tra, giám sát của HĐND tỉnh. Tại Kỳ họp chuyên đề mới đây của HĐND tỉnh, Viện trưởng VKSND tỉnh Nguyễn Văn Hòa cho biết, trong nửa nhiệm kỳ hoạt động của HĐND tỉnh Tiền Giang, VKSND tỉnh đã được Ban Pháp chế HĐND tỉnh thẩm tra 4 lượt về kết quả công tác 6 tháng và kết quả công tác cuối năm, phục vụ các kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh.

Kiến nghị của Đoàn thẩm tra tập trung vào các công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố; công tác quản lý, giải quyết án đình chỉ, tạm đình chỉ và phục hồi điều tra; hiệu quả và chất lượng các kiến nghị đến các cơ quan; các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin...

Cụ thể, đối với công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin tội phạm và khởi tố điều tra các vụ án hình sự. Ngay sau khi nhận được các kiến nghị thông qua giám sát, VKSND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị cấp huyện phối hợp với cơ quan điều tra cùng cấp tổ chức sơ kết các thông tư liên tịch trong công tác giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, hiện có 11/11 đơn vị cấp huyện đã sơ kết các thông tư liên tịch này, VKSND tỉnh cũng đã tham mưu Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh chủ trì hội nghị cấp tỉnh, qua đó đề ra nhiều giải pháp thực hiện tốt công tác này.

Đồng thời, để thực hiện tốt các kiến nghị của Đoàn giám sát trong công tác kiểm tra, hướng dẫn Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, VKSND tỉnh đã chủ động xây dựng và tham mưu Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì ký kết Quy chế phối hợp giữa VKSND tỉnh với Công an tỉnh trong công tác này, làm căn cứ, cơ sở để các đơn vị liên ngành hai cấp thực hiện.

Đến nay, các đơn vị VKSND cấp huyện đã phối hợp cùng cơ quan điều tra cùng cấp thực hiện 89 cuộc kiểm tra, hướng dẫn Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ này. Bước đầu đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận, lực lượng Công an cấp xã cơ bản nắm vững quy định của pháp luật, các trình tự thủ tục thực hiện nhiệm vụ này.

Đối với các kiến nghị về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, VKSND tỉnh đã tích cực hưởng ứng Nghị quyết 08 ngày 6-10-2021 của Tỉnh ủy cùng các đề án, chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao và nghiêm túc tiếp thu các kiến nghị của Đoàn thẩm tra về công tác chuyển đổi số.

Theo đó, đơn vị đang từng bước đổi mới phương pháp công tác bằng cách ứng dụng mô hình sơ đồ tư duy vào các lĩnh vực công tác, sơ đồ hóa chứng cứ các vụ án, vụ việc phức tạp trong xây dựng báo cáo án, hiện đang áp dụng mạnh mẽ, quyết liệt trong các vụ án hình sự và vụ việc dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại.

Từ đầu năm 2023 đến nay, VKSND hai cấp của tỉnh đã ứng dụng công nghệ và xây dựng được 264 sơ đồ tư duy, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực trong việc nghiên cứu, giải quyết các vụ án, vụ việc.

Nhìn chung, dù thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với bản lĩnh, trách nhiệm, kỷ cương, đoàn kết, sáng tạo, ngành Kiểm sát tỉnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

HOÀI THU - TUẤN LÂM

.
.
.