Thứ Hai, 11/12/2023, 10:34 (GMT+7)
.
KỲ HỌP THỨ 11 - HĐND TỈNH TIỀN GIANG KHÓA X:

Hoàn thành nội dung, chương trình đề ra

Sau 3 ngày làm việc, Kỳ họp thứ 11 - HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra và bế mạc vào chiều 8-12.

Tại kỳ họp lần này, các đại biểu HĐND tỉnh đã thẳng thắn thảo luận, trao đổi, chất vấn và trả lời chất vấn nhiều vấn đề “nóng”. Trong đó, tình hình làm, sử dụng giấy tờ giả và việc chi trả bồi thường thiệt hại cho người dân trong quá trình thi công cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được nhiều đại biểu quan tâm.

NGĂN CHẶN TỘI LÀM, SỬ DỤNG GIẤY TỜ GIẢ

Đại biểu phát biểu tại hội trường.
Đại biểu phát biểu tại hội trường.

Theo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang, những năm gần đây, loại tội “Làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức và tội sử dụng con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức” quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự diễn biến phức tạp. Tuy chiếm tỷ lệ khá nhỏ so với các loại tội phạm khác, thế nhưng loại tội phạm này có chiều hướng gia tăng về nguồn tin, gây bức xúc dư luận.

Cụ thể, trong năm 2022, số nguồn tin thụ lý là 12 thì sang năm 2023 là 16, tăng 9 nguồn tin, tỷ lệ tăng 56%. Cơ quan tố tụng đã giải quyết 26, gồm khởi tố 12, không khởi tố 7, tạm đình chỉ 7, đang tiếp tục giải quyết 1. Số vụ án mới khởi tố năm 2022 là 35 vụ/10 bị can, năm 2023 là 22 vụ/22 bị can, giảm 13 vụ, tỷ lệ giảm 37,14%.

Thực tiễn cho thấy, việc đấu tranh với loại tội này còn nhiều khó khăn. Công tác quản lý nhà nước hiện nay cũng bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn, như nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội để lôi kéo, rao bán các loại giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, như giấy phép lái xe, các loại bằng cấp, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Tất cả đều trao đổi, giao dịch qua mạng xã hội, nên rất khó xác định đối tượng cụ thể, từ đó rất khó khăn trong điều tra, khám phá tội phạm. Thực tiễn nhiều vụ án, người phạm tội chỉ khai giao dịch qua mạng xã hội nên không có cơ sở truy xét.

Bên cạnh đó, việc áp dụng quy định pháp luật về xử lý hành vi làm, sử dụng tài liệu giả hiện còn chưa thống nhất dẫn đến khó khăn trong xử lý. Ngoài ra, hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao chưa có Nghị quyết hướng dẫn Điều 341 Bộ luật Hình sự; từng ngành Kiểm sát, Tòa án có văn bản hướng dẫn riêng, nên dẫn đến việc nhận thức, áp dụng pháp luật khác nhau…

Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Hòa, để ngăn chặn loại tội làm, sử dụng giấy tờ giả, trong thời gian tới ngành sẽ đề xuất liên ngành tố tụng Trung ương có sự chỉ đạo chung để thống nhất trong xử lý hành vi làm, sử dụng giấy tờ giả, tạo thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng, góp phần đấu tranh, phòng, chống tội phạm.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông cần quản lý chặt chẽ hơn nữa đối với các nền tảng trực tuyến, không để lợi dụng các nền tảng này vào việc trao đổi, giao dịch bất hợp pháp các loại giấy tờ, tài liệu giả; tăng cường kiểm tra, quản lý các loại hình kinh doanh có điều kiện như in, scan màu…

Song song đó, lực lượng phòng, chống tội phạm, đặc biệt là lực lượng trinh sát, điều tra phải quan tâm, tiếp nhận các thông tin trên nền tảng trực tuyến để có kế hoạch, lập chuyên án đấu tranh, khám phá có hiệu quả vụ việc trao đổi, giao dịch bất hợp pháp và có giải pháp phòng ngừa…

SỚM GIẢI QUYẾT BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI CHO NGƯỜI DÂN

Tại Kỳ họp thứ 11 - HĐND tỉnh khóa X, UBND tỉnh đã có văn bản giải trình về việc thực hiện chi trả cho người dân bị ảnh hưởng trong quá trình thi công cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Đồng chí Võ Văn Bình tặng hoa đồng chí Nguyễn Đức Đảm vừa được miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026; và đồng chí Nguyễn Thị Uyên Trang  vừa được bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026. 
Đồng chí Võ Văn Bình tặng hoa đồng chí Nguyễn Đức Đảm vừa được miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 và đồng chí Nguyễn Thị Uyên Trang vừa được bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026. 

Theo đó, trong quá trình tổ chức thi công Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (gọi tắt là Dự án) làm rạn, nứt nhà cửa, vật kiến trúc của một số hộ dân trong khu vực lân cận. Chủ đầu tư Dự án là Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (gọi tắt là Công ty) đã phối hợp với đơn vị Bảo hiểm, đơn vị giám định, chính quyền địa phương và các bên liên quan tiến hành khảo sát, đánh giá mức độ thiệt hại và tiến hành lập hồ sơ bồi thường cho các hộ dân có nhà cửa, vật kiến trúc bị ảnh hưởng trong quá trình thi công Dự án (tổng cộng 784 hộ). Đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức chi trả tiền bồi thường là Công ty, thực hiện chi trả là các nhà thầu thi công (nhà thầu thi công ứng kinh phí trả cho người dân sau đó đơn vị Bảo hiểm sẽ hoàn trả lại).

UBND tỉnh với vai trò là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với Dự án đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Ban Quản lý dự án) là đại diện Cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu Công ty và các nhà thầu thi công phải thực hiện trách nhiệm trong việc bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng trong quá trình thi công Dự án.

Ban Quản lý dự án đã có nhiều Văn bản nhắc nhở, đôn đốc Công ty. Công ty cũng có Văn bản yêu cầu các nhà thầu thi công thực hiện chi trả bảo hiểm bên thứ ba, nhưng do các nhà thầu thi công có một số khó khăn vướng mắc về tài chính nên việc chi trả còn chậm.

Hiện nay, Công ty đã chi trả bồi thường 209/784 hộ với số tiền 1,72/5,79 tỷ đồng và đang tiếp tục chi trả cho các hộ còn lại, dự kiến chậm nhất đến ngày 25-12-2023 sẽ hoàn tất việc chi trả.

Trong ngày làm việc thứ ba (8-12), HĐND tỉnh Tiền Giang đã biểu quyết thông qua 34 nghị quyết trên các lĩnh vực; tiến hành lấy và công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 24 người được HĐND tỉnh bầu; tiến hành miễn nhiệm Hội thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với đồng chí Ngô Văn Minh; miễn nhiệm Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với đồng chí Nguyễn Đức Đảm, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đồng thời, tiến hành bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với đồng chí Nguyễn Thị Uyên Trang, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Chiều cùng ngày, Kỳ họp thứ 11 - HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X chính thức bế mạc. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Văn Bình đề nghị, ngay sau kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh tích cực, chủ động thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu dân cử; sắp xếp tham dự kỳ họp HĐND các huyện, thành, thị.

Các Ban của HĐND tỉnh tăng cường tham mưu Thường trực HĐND tỉnh đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của HĐND; UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị khẩn trương xây dựng kế hoạch để triển khai, tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh vừa thông qua…

Để tránh dư luận không tốt làm ảnh hưởng tâm lý người dân, Ban Quản lý dự án đã tổ chức làm việc với Công ty và các nhà đầu tư. Trên cơ sở Văn bản 1530 ngày 24-11-2023 của Ban Quản lý dự án, ngày 1-12-2023, Công ty có Văn bản 434 cam kết nhà đầu tư/Công ty sẽ phối hợp với các nhà thầu để trực tiếp tổ chức chi trả cho các hộ dân theo hồ sơ giám định bảo hiểm và hoàn thành việc chi trả xong trước ngày 25-12-2023. UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện việc chi trả đúng thời gian cam kết trên.

Về ý kiến phản ảnh các đơn vị Bảo hiểm giữ lại một phần tiền khi chi trả cho người dân, việc thực hiện chi trả tiền đền bù là trách nhiệm của Công ty và các nhà thầu thi công làm ảnh hưởng nhà cửa, vật kiến trúc của người dân và do các nhà thầu trực tiếp chi trả (giá trị chi trả tổn thất được đơn vị Bảo hiểm tính toán dựa trên kết quả khảo sát mức độ thiệt hại thực tế của các bên liên quan).

Sau khi chi trả, nhà thầu gửi Biên bản thỏa thuận và xác nhận tiền cho đơn vị Bảo hiểm để thanh toán chi phí đền bù (đơn vị Bảo hiểm không trực tiếp tham gia việc chi trả).

Việc chi trả cho các hộ dân đã được nhà thầu và các bên thực hiện minh bạch, sau chi trả đều lập biên bản cho từng hộ có xác nhận của chính quyền địa phương.

Do Hợp đồng bảo hiểm giữa chủ đầu tư và đơn vị bảo hiểm có điều khoản quy định “Trừ miễn thường 5% tổn thất thực tế, tối đa 50 triệu đồng/mỗi vụ và mọi vụ tổn thất cho 1 gói thầu xây lắp”, không có sự việc đơn vị Bảo hiểm giữ lại một phần tiền khi chi trả cho người dân như phản ảnh.

Tuy nhiên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án làm việc với chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu chi trả đủ 100% giá trị bị thiệt hại cho người dân, hiện các nhà thầu đang thực hiện.

 ĐỖ PHI - CAO THẮNG

.
.
.