Kỳ họp thứ 11 - HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X: Trình dự thảo nghị quyết không tăng học phí, hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách
Cập nhật: 21:21, 06/12/2023 (GMT+7)
(ABO) Tại Kỳ họp thứ 11 - HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X, UBND tỉnh Tiền Giang có 30 tờ trình kèm theo dự thảo nghị quyết về các vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội cần xem xét, thông qua tại kỳ họp lần này. Trong đó, có nhiều tờ trình dự thảo nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị, địa phương hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch; động viên cán bộ, người lao động yên tâm công tác.
DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT HỌC PHÍ NĂM HỌC 2023 - 2024
Năm học 2023 - 2024 đã bắt đầu hơn 3 tháng. Bên cạnh các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, nhiều phụ huynh còn quan tâm đến tình hình thu học phí của năm học này sẽ ra sao?
Theo Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu sửa đổi thì mức trần học phí sẽ được áp dụng từ năm học 2022 - 2023, dao động từ 50 đến 650 ngàn đồng/học sinh/tháng.
Năm học 2023 - 2024, tỉnh Tiền Giang dự kiến không tăng học phí, mức thu học phí bằng với năm học 2021 - 2022. |
Nếu với mức khung này, mức thu học phí trên địa bàn tỉnh Tiền Giang dự kiến sẽ tăng so với những năm học trước đây. Cụ thể, đối với cấp học mầm non trên địa bàn phường, thị trấn là 300.000 đồng/học sinh/tháng, trên địa bàn xã là 100.000 đồng/học sinh/tháng.
Đối với bậc trung học cơ sở trên địa bàn phường, thị trấn là 300.000 đồng/học sinh/tháng, trên địa bàn xã 100.000 đồng/học sinh/tháng. Đối với bậc trung học phổ thông trên địa bàn phường, thị trấn là 300.000 đồng/học sinh/tháng, trên địa bàn xã 200.000 đồng/học sinh/tháng.
Tuy nhiên, cuối năm 2022 vừa qua, vấn đề tăng học phí theo Nghị định 81 đã dừng lại theo yêu cầu của Chính phủ nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên. Mặt khác, căn cứ vào tình hình ngân sách địa phương, tỉnh Tiền Giang sẽ có chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh. Cụ thể, với bậc học mầm non trên địa bàn phường, thị trấn, mức hỗ trợ là 167.000 ngàn đồng/học sinh/tháng; địa bàn xã hỗ trợ 34 ngàn đồng/học sinh/tháng. Bậc THCS trên địa bàn phường, thị trấn, mức hỗ trợ là 234.000 ngàn đồng/học sinh/tháng; địa bàn xã hỗ trợ 56 ngàn đồng/học sinh/tháng. Còn bậc THPT trên địa bàn phường, thị trấn, mức hỗ trợ là 201.000 ngàn đồng/học sinh/tháng; địa bàn xã hỗ trợ 134 ngàn đồng/học sinh/tháng.
Chính vì những phân tích trên, việc ban hành nghị quyết về học phí lần này nhằm tạo cơ sở pháp lý để các cơ sở giáo dục công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh thực hiện thu học phí năm học 2023 - 2024. Bên cạnh đó, việc không tăng học phí sẽ góp phần tạo điều kiện cho học sinh được đến trường, giảm áp lực về tài chính, chia sẻ gánh nặng cùng phụ huynh học sinh trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, đảm bảo an sinh xã hội, hạn chế các trường hợp vì hoàn cảnh khó khăn phải bỏ học.
Theo nội dung ở dự thảo Nghị quyết quy định về mức thu học phí, chính sách hỗ trợ học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên công lập và cơ sở đào tạo công lập khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm học 2023 - 2024 thì mức thu năm nay sẽ giữ nguyên so với năm học 2021 - 2022.
Cụ thể, đối với cấp học mầm non trên địa bàn phường, thị trấn là 133.000 đồng/học sinh/tháng, trên địa bàn xã là 66.000 đồng/học sinh/tháng. Đối với bậc THCS trên địa bàn phường, thị trấn là 66.000 đồng/học sinh/tháng, trên địa bàn xã 44.000 đồng/học sinh/tháng. Đối với bậc THPT trên địa bàn phường, thị trấn là 99.000 đồng/học sinh/tháng, trên địa bàn xã 66.000 đồng/học sinh/tháng.
Mức thu học phí theo hình thức dạy học trực tuyến cấp học THCS, THPT bằng 75% mức thu học phí thực thu quy định tại Điều này và được làm tròn đến đơn vị ngàn đồng. Đối với cơ sở giáo dục thường xuyên công lập: Mức thu học phí bằng với mức thu học phí của các trường phổ thông công lập cùng cấp học trên cùng địa bàn.
HỖ TRỢ NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH
Dự thảo Nghị quyết quy định chức danh, kiêm nhiệm chức danh, mức phụ cấp, hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở ấp, khu phố trên địa bà tỉnh Tiền Giang được xây dựng với mục đích tổ chức thực hiện tốt, kịp thời các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp; đồng thời, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở; khuyến khích việc kiêm nhiệm, nâng cao hiệu quả công tác, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê của UBND tỉnh, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở ấp, khu phố, toàn tỉnh hiện có 3.998 người; trong đó, có 1.991 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và 2.007 người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố.
Người hoạt động không chuyên trách cấp xã, trình độ chuyên môn: Sơ cấp 279 người, tỷ lệ 14,01%; trung cấp: 403 người, tỷ lệ 20,24%; cao đẳng: 260 người, tỷ lệ 13,06%; đại học: 824 người, tỷ lệ 41,39%; thạc sĩ: 3 người, tỷ lệ 0,15%; chưa qua đào tạo 222 người, tỷ lệ 11,15%.
Người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố, về trình độ chuyên môn: Sơ cấp 472 người, tỷ lệ 23,52%; trung cấp: 101 người, tỷ lệ 5,03%; cao đẳng: 67 người, tỷ lệ 3,34%; đại học: 80 người, tỷ lệ 3,99%; chưa qua đào tạo 1.287 người, tỷ lệ 64,13%.
Theo dự thảo Nghị quyết, mức phụ cấp hằng tháng của từng chức danh người hoạt động không chuyên trách:
Mức phụ cấp hằng tháng. |
Các xã, phường, thị trấn căn cứ số lượng người hoạt động không chuyên trách do UBND cấp huyện giao và các chức danh theo quy định tại khoản 1 Điều này để bố trí người hoạt động không chuyên trách cấp xã đảm bảo không vượt quá số lượng người hoạt động không chuyên trách được giao và các lĩnh vực đều có người phụ trách, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Mức phụ cấp hằng tháng của từng chức danh người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố quy định tại khoản 6 Điều 33 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP (Bí thư chi bộ, Trưởng ấp/khu phố, Trưởng ban công tác Mặt trận) như sau: Người có bằng tốt nghiệp đại học chuyên môn trở lên được hưởng mức phụ cấp hằng tháng bằng 2,34 lần mức lương cơ sở. Người có bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên môn được hưởng mức phụ cấp hằng tháng bằng 2,1 lần mức lương cơ sở. Người có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên môn được hưởng mức phụ hằng tháng bằng 1,86 lần mức lương cơ sở. Người chưa có bằng chuyên môn được hưởng mức phụ cấp hằng tháng bằng 1,7 lần mức lương cơ sở.
Đối với người hoạt động không chuyên trách chưa có bằng hoặc có bằng trung cấp chuyên môn thuộc ấp có từ 350 hộ gia đình trở lên, khu phố có từ 500 hộ gia đình trở lên; ở ấp, khu phố thuộc xã, phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, ấp, khu phố thuộc xã, phường, thị trấn ở khu vực biên giới thì được hưởng mức phụ cấp hằng tháng bằng 2 lần mức lương cơ sở.
Mức hỗ trợ hằng tháng người trực tiếp tham gia hoạt động ở ấp, khu phố: Bí thư Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh được hỗ trợ hằng tháng bằng 0,4 lần mức lương cơ sở. Phó Trưởng ấp, khu phố được hỗ trợ hằng tháng bằng 1,3 lần mức lương cơ sở. Kinh phí hỗ trợ hằng tháng người trực tiếp tham gia hoạt động ở ấp, khu phố do ngân sách nhà nước đảm bảo và từ các nguồn tài chính hợp pháp khác (nếu có).
Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở ấp, khu phố kiêm nhiệm không quá hai chức danh người hoạt động không chuyên trách khác (kể cả người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố kiêm nhiệm người trực tiếp tham gia hoạt động ở ấp, khu phố).
Người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố kiêm nhiệm người trực tiếp tham gia hoạt động ở ấp, khu phố thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 100% mức hỗ trợ hằng tháng của chức danh người trực tiếp tham gia hoạt động ở ấp, khu phố.
ĐỖ PHI - CAO THẮNG