Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến - Bản hùng ca bảo vệ Tổ quốc
Cách đây 77 năm, để bảo vệ nền độc lập, tự do cho đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Đó là lời hịch non sông, kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết, đứng lên chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược.
MỐC SON CHÓI LỌI GIỮA THỦ ĐÔ
Chiến thắng Giồng Dứa (huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho) vào ngày 25-4-1947. |
Do vị trí đặc biệt, nên Thủ đô Hà Nội được thực dân Pháp coi là mục tiêu chiến lược. Vì vậy, chúng đã tập trung lực lượng lớn nhất tại đây và dùng nhiều thủ đoạn hòng nhanh chóng đánh úp, lật đổ chính quyền cách mạng Việt Nam còn non trẻ.
Ngày 18 và 19-12-1946, Hội nghị mở rộng Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp khẩn cấp ở Vạn Phúc, Hà Đông quyết định phát động cả nước kháng chiến và chỉ ra đường lối kháng chiến lâu dài. Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Người chỉ rõ: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ...”.
Đáp lời kêu gọi cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo đường lối kháng chiến đúng đắn do Đảng vạch ra, thanh niên cả nước cùng toàn dân nhất tề đứng lên giết giặc cứu nước. 20 giờ ngày 19-12, đèn điện ở Hà Nội phụt tắt, súng nổ ầm trời. Cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược đã bắt đầu trên toàn quốc.
Với sự kiện ngày 19-12-1946, ngày mở đầu cho cuộc kháng chiến 30 năm chống thực dân, đế quốc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận định: “Nổ súng phát động toàn quốc kháng chiến ngày 19-12 giữa thủ đô là một trường hợp hiếm thấy trong lịch sử, thể hiện một nghệ thuật khởi đầu cuộc chiến tranh cách mạng đúng đắn, quả cảm và sáng tạo. Quyết định này bám sát tình hình thực tiễn, nắm vững thời cơ, chọn đúng mặt trận chính, tính toán thời điểm nổ súng chính xác, biến bị động thành chủ động, tạo nên thế trận mới cho mặt trận Hà Nội có điều kiện giam chân quân địch 2 tháng, để cả nước chuyển vào kháng chiến trường kỳ”. |
Với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, cả Hà Nội hình thành thế trận, mỗi nhà là một pháo đài, mỗi phố là một chiến tuyến, giành giật với địch từng ngôi nhà, từng góc phố. Trong những ngày ác liệt đó, đồng bào và chiến sĩ thủ đô đã sáng tạo nhiều cách đánh độc đáo, đạt hiệu quả cao. Nhân dân đem tủ, cửa, bàn, ghế, bao cát… ra đường làm vật cản.
Công nhân hỏa xa, xe điện đẩy các toa tàu chặn các ngã tư, ngã năm. Chiến lũy mọc lên khắp đường phố, những nơi quân địch có thể đánh ra. Quân và dân ta đã đục tường, thông từ nhà này sang nhà khác tạo thành hào giao thông đặc biệt, tạo điều kiện vận động, lập những ổ phục kích, những tổ bắn tỉa ở bất kỳ nơi nào trên đường tiến công địch, nhiều trận đánh quyết liệt diễn ra ở khắp thành phố, 5 cửa ô không lúc nào im tiếng súng.
Trải qua 60 ngày đêm chiến đấu, quân và dân Hà Nội đã đánh gần 200 trận, tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực địch, giam chân chúng trong thành phố vượt thời gian dự kiến, góp phần bảo vệ các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ, Mặt trận di chuyển về căn cứ an toàn. Đúng như lời khen của Bác Hồ: “Giam chân địch ở Hà Nội được 1 tháng là thắng lợi, nay giữ được Hà Nội 2 tháng là đại thắng lợi”.
TIỀN GIANG VỚI NGÀY TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, tại Mỹ Tho, nhiều trận chiến đấu của ta đã liên tiếp diễn ra khắp nơi. Nổi bật nhất là trận Cổ Cò (Cái Bè) diễn ra vào lúc 10 giờ 30 phút sáng ngày 22-1-1947, chặn đánh đoàn xe công voa 14 chiếc (trong đó có 8 chiếc xe bọc thép) trên lộ 4.
Ta đã tiêu diệt 170 tên, bắt sống 16 tên, thu hơn 100 súng, trong đó có 8 đại liên, 15 trung liên, 12 súng ngắn, đốt cháy toàn bộ 14 xe. Tiếp theo là trận Giồng Dứa (Châu Thành) vào ngày 25-4-1947, chận đánh đoàn xe công voa của địch gồm 39 chiếc, trong đó có 12 xe quân sự do tên đại tá Trocard chỉ huy.
Chỉ trong vòng 30 phút chiến đấu, ta đã tiêu diệt 43 tên (trong đó có tên đại tá chỉ huy), bắt sống 7 tên, phá hủy 16 xe, thu nhiều quân trang, quân dụng và vũ khí. Ngày 7-8-1947, ta lại dùng mưu tập kích đồn Long Định giữa ban ngày, đây là trận đánh đồn cấp đại đội địch đầu tiên của ta. Sau 20 phút chiến đấu, ta đã làm chủ trận địa, bắt sống toàn bộ 1 đại đội địch trong đồn, thu 48 súng trường, 500 lựu đạn và hàng tấn quân trang, quân dụng.
Tại Gò Công, giữa tháng 1-1947, trung đội Quốc vệ đội đã phục kích tiêu diệt gọn 1 trung đội địch tại Tân Thành, diệt 37 tên, thu toàn bộ vũ khí. Ngày 10-3-1947, tại Long Thạnh, trung đội 9 chặn đánh 1 tiểu đoàn lính Âu Phi và lính ngụy có xe bọc thép và pháo binh yểm trợ.
Trận đánh diễn ra trong một ngày, ta đã tiêu diệt và làm bị thương gần 100 tên địch, thu nhiều vũ khí. Chiến thắng Long Thạnh đã làm cho quân Pháp hoang mang, lo sợ; làm nức lòng quân và dân ta.
NHƯ NGỌC
(tổng hợp)