.
NGUYÊN LÃNH ĐẠO TỈNH TIỀN GIANG VÀ HUYỆN CAI LẬY:

Cảm nhận về sự phát triển của TX. Cai Lậy

Cập nhật: 16:44, 25/12/2023 (GMT+7)

Sau 10 năm chia tách địa giới hành chính, TX. Cai Lậy đã không ngừng nâng cao vị thế và phát huy vai trò là đô thị trung tâm vùng phía Tây của tỉnh Tiền Giang. Nguyên lãnh đạo tỉnh Tiền Giang và huyện Cai Lậy đã có những đánh giá, góc nhìn và cảm nhận xoay quanh về tình hình kinh tế - xã hội của TX. Cai Lậy trong 10 năm qua.

* ĐỒNG CHÍ TRẦN THẾ NGỌC, NGUYÊN ỦY VIÊN BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, NGUYÊN BÍ THƯ TỈNH ỦY TIỀN GIANG:

Khởi sắc sau 10 năm thành lập

Việc chia tách huyện Cai Lậy để thành lập TX. Cai Lậy và huyện Cai Lậy là chủ trương lớn của tỉnh Tiền Giang, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ IX đã đề ra và cũng là đáp ứng sự mong đợi của Đảng bộ và nhân dân huyện Cai Lậy lúc bấy giờ.

Năm 2014, khi bộ máy chính quyền các cấp của TX. Cai Lậy chính thức đi vào hoạt động, trước mắt Thị ủy và UBND TX. Cai Lậy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng bộ máy chính quyền đảm bảo đủ số lượng, chất lượng cán bộ, công chức để hoạt động ổn định, phục vụ công tác quản lý nhà nước và nhu cầu của nhân dân thị xã.

10 năm qua, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, bộ mặt thị xã ngày càng phát triển; diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt, chất lượng cuộc sống của nhân dân được nâng cao, nhận thức về nông thôn mới được tăng cường. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng không ngừng được đầu tư xây dựng, phục vụ thiết thực cho sản xuất và cuộc sống của người dân; văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng lên; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. TX. Cai Lậy từng bước trở thành đô thị thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Tây của tỉnh Tiền Giang.

Trong những năm gần đây, kinh tế - xã hội của TX. Cai Lậy có bước phát triển khá, tốc độ đô thị hóa tương đối nhanh; các ngành, nghề thương mại, dịch vụ phát triển đa dạng, thể hiện rõ chức năng là trung tâm giao lưu, phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Những kết quả đó là nền tảng vững chắc để thị xã tiếp tục phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Sau 10 năm thành lập, một chặng đường không dài nhưng đủ để TX. Cai Lậy hình thành chiến lược phát triển lâu dài trong tương lai. Trong hoạch định chiến lược phát triển, TX. Cai Lậy cần nhận diện tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là lợi thế về đô thị trung gian giữa TP. Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long và TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) để có chiến lược tạo quỹ đất, xây dựng hạ tầng giao thông, cơ chế, chính sách ưu đãi… nhằm thu hút đầu tư, từng bước xây dựng thị xã xứng tầm là đô thị trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Tây của tỉnh Tiền Giang.

Tin rằng, trong thời gian không xa, sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, cùng với những tiềm năng, lợi thế và cơ hội hiện có sẽ tạo đà cho TX. Cai Lậy “cất cánh” phát triển thành một đô thị công nghiệp và du lịch.

* ĐỒNG CHÍ LÊ VĂN HƯỞNG, NGUYÊN PHÓ BÍ THƯ TỈNH ỦY, NGUYÊN CHỦ TỊCH UBND TỈNH TIỀN GIANG:

Quyết định đầu tư là quyết định phát triển

Nhìn lại chặng đường sau 10 năm hình thành và phát triển của TX. Cai Lậy, chúng ta đã thấy được thành quả lao động đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đó là sự tích lũy, kế thừa của trí tuệ lãnh đạo, quyết tâm đổi mới của cả hệ thống chính trị, là sự miệt mài lao động của từng người dân và sự vượt khó, bứt phá, vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp.

Nhìn xa hơn, rộng hơn và sâu sắc hơn, chúng ta sẽ thấy được sự tạo dựng, vun bồi, kiến tạo, dìu dắt, sẻ chia của nhiều thế hệ lãnh đạo đi trước đã trải qua biết bao hy sinh, gian khổ để TX. Cai Lậy có được như hôm nay.

Thế hệ hôm nay và mai sau cần phải làm gì để TX. Cai Lậy phát triển nhanh, mạnh và bền vững hơn nữa trong điều kiện khoa học - kỹ thuật trên thế giới phát triển nhanh chưa từng có trong lịch sử. Dưới nhiều góc nhìn khác nhau có thể có những điều hài lòng và chưa hài lòng về những gì đã làm được và chưa làm được trong quá trình phát triển TX. Cai Lậy.

Theo tôi, một trong những công việc quan trọng phải làm là nên triển khai quy hoạch của tỉnh Tiền Giang trên địa bàn TX. Cai Lậy theo dạng thức mới, ở đó cần có sự đột phá trong quá trình xây dựng quy hoạch. Vì nhiều lý do khác nhau, nếu hiện nay chưa có được những điểm mới thì mạnh dạn xin điều chỉnh, bổ sung cho xác hợp.

Khác với TX. Gò Công, TX. Cai Lậy được hình thành trên nền tảng là một thị trấn và vì lý do ngân sách có hạn nên chắc chắn khi quy hoạch sẽ bị gò bó xung quanh vấn đề chỉnh trang đô thị là chính, hay xây dựng một vài tuyến đường để mở rộng quy mô đô thị theo sự dịch chuyển tự nhiên của dân cư. Một thị xã mà đường quốc lộ làm trục chính chia đôi thì sẽ khó hình thành khu vực khu trung tâm một cách đúng nghĩa để tạo lực hút cho phát triển.

Vì vậy, TX. Cai Lậy nên xác định rõ khu vực trung tâm, từ đó mạnh dạn đầu tư và kêu gọi đầu tư hạ tầng một cách tập trung trong niên độ 10 năm tới để tạo sự đột phá mạnh mẽ, vượt bậc. Điều này không phải chọn một bên rồi bỏ một bên mà chính là chọn một bên để tạo lực hút cho bên kia cùng phát triển. Để làm được điều này, tất nhiên sẽ cần rất nhiều kinh phí, nhưng đã là đô thị muốn vươn lên tầm hiện đại thì trước sau gì cũng phải làm như thế. Quyết định đầu tư là quyết định phát triển.

Tôi luôn tin tưởng rằng, với truyền thống Ấp Bắc anh hùng gắn chặt vào tình đất, tình người của quê hương Cai Lậy cùng với tư duy “bên ngoài chiếc hộp” về quy hoạch thì 10 năm tới sẽ có thêm TP. Cai Lậy xứng tầm đô thị phía Tây của tỉnh Tiền Giang.

* ĐỒNG CHÍ PHẠM VĂN CHƯỚC, NGUYÊN TỈNH ỦY VIÊN, NGUYÊN BÍ THƯ HUYỆN ỦY CAI LẬY:

Diện mạo nông thôn không ngừng thay đổi

Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm tạo bước đột phá để thay đổi diện mạo ở nông thôn. Thực hiện chủ trương trên của Đảng và Nhà nước, trong 10 năm qua, các ngành, các cấp của TX. Cai Lậy đã tập trung mọi nguồn lực, quyết tâm hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, hướng đến NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.

Từ sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, năm 2020, TX. Cai Lậy đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và đến nay đã có 6/10 xã NTM nâng cao, xã Long Khánh đang phấn đấu ra mắt NTM kiểu mẫu trong thời gian tới.

Có thể thấy, từ khi TX. Cai Lậy bắt tay thực hiện chủ trương xây dựng NTM, diện mạo ở nông thôn không ngừng thay đổi, điện - đường - trường - trạm, các thiết chế văn hóa… đã được đầu tư xây dựng. Hạ tầng giao thông từng bước được hiện đại hóa, đồng bộ, không chỉ đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân trong đi lại, vận chuyển hàng hóa, mà còn góp phần rút ngắn khoảng cách giữa thành thị với nông thôn. Bên cạnh đó, việc xây dựng NTM làm cho môi trường được đảm bảo, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, góp phần tích cực làm cho môi trường sống ở nông thôn không ngừng được cải thiện, nâng lên.

Xây dựng NTM cũng góp phần làm cho kinh tế của TX. Cai Lậy chuyển dịch mạnh mẽ. Theo đó, việc thay đổi giống cây trồng có giá trị kinh tế thấp bằng cây trồng có giá trị kinh tế cao đã góp phần làm thay đổi cơ cấu ngành Nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn theo hướng đi vào chiều sâu, hiệu quả. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã đạt được kết quả tích cực, từng bước khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế, góp phần chuyển dịch từ phát triển sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Qua đó, thu nhập bình quân đầu người được nâng lên, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn không ngừng khởi sắc.

Có thể khẳng định, trong 10 năm qua, các ngành, các cấp của TX. Cai Lậy quyết tâm, nỗ lực xây dựng NTM không chỉ làm thay đổi diện mạo ở nông thôn, mà đã mang lại sức sống mới, ngày càng đi vào chiều sâu, làm giàu thêm bản sắc văn hóa truyền thống ở nông thôn.

HÀ NAM (lược ghi)

.
.
.