Có những bài báo mang sức mạnh của một quân đoàn
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” vừa diễn ra ngày 20-12, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Trưởng ban chỉ đạo 35 Trung ương đánh giá rất cao vai trò của các cơ quan báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng một cách kiên trì, bền bỉ, thậm chí từ trước khi có Nghị quyết 35. Đặc biệt, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Có những bài báo mang sức mạnh của một quân đoàn!
“Bài báo mang sức mạnh của một quân đoàn” đã được đề cập không chỉ ở nước ta mà cả trên thế giới, không phải bây giờ mà đã từ hàng trăm năm trước, bởi báo chí có vai trò cung cấp thông tin cho toàn xã hội, nhất là bình luận, phân tích sâu, định hướng dư luận trước những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, phức tạp, nhạy cảm, những thời điểm mà xã hội hoang mang, dao động...
Thực tiễn trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, những bài báo, bản tin của báo chí cách mạng Việt Nam đã cung cấp thông tin chính thống, giúp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân giữ vững niềm tin vào đường lối kháng chiến và tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”, khích lệ, động viên toàn dân tộc đoàn kết, dũng cảm chiến đấu, tạo thành sức mạnh vô địch chiến thắng mọi kẻ thù.
Ngược lại, trong sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Đông Âu và Liên Xô những năm gần cuối thế kỷ 20 có nguyên nhân vô cùng quan trọng: Buông lỏng quản lý, không phát huy vai trò của “binh chủng đặc biệt-báo chí" trong việc cung cấp thông tin, tuyên truyền định hướng dư luận; thậm chí để báo chí của các thế lực phản cách mạng thao túng, làm cho công chúng hoang mang, dẫn đến chế độ XHCN tan rã nhanh chóng.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: qdnd.vn |
Nhưng chính trong thời điểm đó, báo chí cách mạng Việt Nam đã phát huy rất tốt vai trò cung cấp thông tin, kịp thời phân tích, định hướng dư luận, góp phần đặc biệt quan trọng giữ vững trận địa tư tưởng, giữ vững niềm tin của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vào con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; kiên trì đường lối đổi mới, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Ngày nay, trong bối cảnh internet và mạng xã hội bùng phát, thông tin nhiễu loạn, luận điệu chống phá cách mạng tác động tới mọi người ở mọi lúc, mọi nơi, thì những bài viết, phóng sự, bản tin chân thực của báo chí chính thống càng vô cùng quan trọng. Nếu báo chí không kịp thời cung cấp thông tin chân thực, định hướng dư luận một cách thuyết phục thì xã hội rất dễ hoang mang, dao động, bị thế lực phản động, thù địch kích động, lôi kéo, mắc mưu chiến lược "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ; cán bộ, đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, xa rời mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng. Đây là nguy cơ hàng đầu, trực tiếp đe dọa sự sống còn của chế độ, sự phát triển của đất nước, đã được Đảng chỉ rõ và yêu cầu phải thường xuyên cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi.
Để có những “bài báo mang sức mạnh của một quân đoàn”, trước hết cần quan tâm, coi trọng, phát huy vai trò của cơ quan báo chí như “binh chủng đặc biệt”, vô cùng cần thiết để thực hiện đúng phương châm dựa vào dân, dân là gốc, giữ “trong ấm, ngoài êm”, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, yên dân là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - như Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã xác định.
Bên cạnh đầu tư thỏa đáng cho các cơ quan báo chí chủ lực, thực hiện nhiệm vụ chính trị định hướng dư luận, cần quan tâm nâng tầm cả về trình độ và vị thế của đội ngũ nhà báo cách mạng; tránh tư tưởng đứng trên, coi cơ quan báo chí và nhà báo chỉ là "mấy cái anh báo chí lắm mồm", “bộ phận phục vụ", "lực lượng thứ yếu”, "ngày xưa khác, bây giờ khác, báo chí chỉ thế thôi"...; thậm chí, có nhiều người hiểu rất sai ý nghĩa của khái niệm "công cụ" khi nói về các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo.
Cùng với đó, các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương phải thường xuyên và chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, tích cực hỗ trợ báo chí thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách, phân tích, định hướng dư luận; không để các thế lực thù địch lợi dụng những “khoảng trống thông tin" để thực hiện mưu đồ chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước, nhân dân.
Người đứng đầu Nhà nước ta đã tiếp nối tư tưởng của Đảng và của Bác Hồ, có cái nhìn rất khách quan về vị trí, vai trò của báo chí. Hy vọng cách nhìn nhận ấy tiếp tục lan tỏa, thấm sâu trong đời sống xã hội ta.
(Theo www.qdnd.vn)