Thứ Năm, 21/12/2023, 14:54 (GMT+7)
.

Phiên họp toàn thể về ngoại giao kinh tế tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32

(ABO) Sáng 21-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp toàn thể về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; các đồng chí thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Dự tại điểm cầu Tiền Giang có đồng chí Nguyễn Thành Diệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh. 

Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang
Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang.

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 có chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, quán triệt sâu sắc chủ trương Đại hội XIII của Đảng đã đề ra về "xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ", dưới sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp và thường xuyên là Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ, công tác ngoại giao kinh tế đã có những bước phát triển mới theo hướng toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn. 

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc (ảnh chụp qua màn hình).

Phiên họp toàn thể tập trung thảo luận các vấn đề: Thứ nhất, đánh giá và dự báo tình hình kinh tế quốc tế, nhất là làm rõ những chuyển động mang tính bước ngoặt, các xu hướng lớn của kinh tế thế giới và khu vực. Thứ hai, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả, thành tựu công tác ngoại giao kinh tế đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, nhất là từ sau khi ban hành Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ về ngoại giao kinh tế, trong đó làm rõ và sâu sắc hơn kết quả, rút ra các bài học kinh nghiệm. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị (ảnh chụp qua màn hình).

Riêng đối với tỉnh Tiền Giang, hằng năm tỉnh đã tuyên truyền các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đến các sở, ban, ngành, địa phương, các hiệp hội, các doanh nghiệp; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh như: Hội thảo về thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản vào thị trường Trung Quốc; tập huấn về Quy tắc xuất xứ hàng hóa và thủ tục chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… Nhìn chung, công tác triển khai hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh nước ta tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới của tỉnh thời gian qua luôn được Tỉnh ủy và UBND tỉnh chú trọng, quan tâm chỉ đạo sâu sát, thống nhất, kịp thời. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai thực hiện đúng định hướng.

Kim ngạch xuất khẩu tỉnh Tiền Giang trong năm 2022 và ước tính năm 2023 đạt 8,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 4,7 tỷ USD. Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu đến trên 140 nước và vùng lãnh thổ. Về tình hình lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong năm 2022 và năm 2023 có 917 lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài…

SONG AN 

.
.
.