Thứ Năm, 14/12/2023, 20:47 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Tập trung cho công tác chuẩn bị Tết Nguyên đán 2024

(ABO) Chiều 14-12, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai nghị quyết HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2024. Tham dự hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Thanh Nguyên; lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Tại hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh đã báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2023; kế hoạch đầu tư công năm 2024; tình hình thu, chi ngân sách năm 2023, dự toán ngân sách năm 2024.

Theo đó, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và nhân dân, tình hình KT-XH của tỉnh tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực trong năm 2023. Hầu hết chỉ tiêu, kế hoạch đề ra đầu năm đều đạt, vượt mục tiêu kế hoạch.

Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 5,72% so năm 2022. Cơ cấu kinh tế khu vực nông, lâm, ngư nghiệp giảm từ 37,2% năm 2022 xuống còn 37,1% năm 2023; khu vực công nghiệp, xây dựng giảm từ 28% năm 2022 xuống còn 27,4% năm 2023; khu vực dịch vụ tăng từ 34,9% năm 2022 lên 35,4% năm 2023.

GRDP bình quân đầu người ước đạt 69,3 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 46.060 tỷ đồng, đạt 100,5% kế hoạch, tăng 10,1% so năm 2022.

Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu kết luận hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu kết luận hội nghị.

Số DN thành lập mới 11 tháng đạt 820 DN với tổng vốn đăng ký là 5.035,2 tỷ đồng, đạt 98,8% kế hoạch. Ước thực hiện cả năm 2023 đạt 870 DN thành lập mới, đạt 104,8% kế hoạch.

Thu hút đầu tư 11 tháng được 16 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 7.798 tỷ đồng, bằng về số dự án, vốn đăng ký tăng 75,3% so với cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện cả năm 2023 là 10.182 tỷ đồng, đạt 98,97% so với dự toán, giảm 6,52% so với thực hiện năm 2022; trong đó thu nội địa là 9.888 tỷ đồng, đạt 100% so với dự toán. Hoạt động sản xuất công nghiệp ổn định.

Năm 2023, ước chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,5% so với cùng kỳ. Lĩnh vực dịch vụ phát triển tốt, gia tăng giá trị.

Lãnh đạo các sở, ngành phát biểu ý kiến.
Lãnh đạo các sở, ngành phát biểu ý kiến.

Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước thực hiện 82.000 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 10,7% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 4,615 tỷ USD, vượt 18,3% kế hoạch, tăng 12,9%; khách du lịch ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng 58% so cùng kỳ.

Trên cơ sở Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025, tỉnh đã đưa ra dự kiến các chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2024. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế đạt 7 - 7,5%.

Cơ cấu kinh tế khu vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 35,1%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 29,6%,;khu vực dịch vụ chiếm 35,3%. GRDP bình quân đầu người đạt 75,8 - 76,2 triệu đồng.

Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 5,0 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 50.400 - 50.650 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 8.801 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương đạt 14.456 tỷ đồng. Số DN đăng ký thành lập mới đạt 890 DN.

Giải quyết việc làm cho 18.000 lao động; trong đó, đưa 400 lao động làm việc ở nước ngoài; giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 55,5%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,1 điểm % so với năm 2023.

Tỉnh phấn đấu có 90% số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) đảm bảo đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM các cấp giai đoạn 2022-2025; 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 2 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM và 2 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.

Lãnh đạo UBND TP. Mỹ Tho phát biểu ý kiến.
Lãnh đạo UBND TP. Mỹ Tho phát biểu ý kiến.

Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 94%. Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; trong đó, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 96,75%...

Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành và địa phương đã tập trung nêu các giải pháp để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của ngành và địa phương…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh yêu cầu các sở, ngành và địa phương phải quyết tâm cao để đạt và vượt các chỉ tiêu KT-HX năm 2023, nhất là chỉ tiêu về thu ngân sách nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công, nông thôn mới.

Về thu ngân sách nhà nước, các địa phương đã đạt dự toán tiếp tục tăng cường để đạt và vượt cao hơn nhằm góp phần hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách của tỉnh.

Các địa phương, sở, ngành, chủ đầu tư tập trung giải ngân vốn đầu tư công, nhất là nguồn vốn ngân sách địa phương và vốn Chương trình mục tiêu Giảm nghèo bền vững.

Về chỉ tiêu xây dựng NTM, các địa phương phải tập trung ra mắt các xã NTM trong kế hoạch năm còn lại. Các sở, ngành liên quan và địa phương tập trung cho công tác chuẩn bị Tết Nguyên đán 2024, tinh thần là tổ chức tết chu đáo, vui tươi, hạnh phúc, an toàn.

Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, 2024 là năm quan trọng, mang tính đột phá để tạo đà cho năm 2025 và cả nhiệm kỳ.

Do đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH năm 2024; xây dựng danh mục các công trình, dự án thực hiện trong năm 2024, trong đó đề ra lộ trình, giải pháp cụ thể.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu hội nghị công bố quy hoạch tỉnh kết hợp hội nghị xúc tiến đầu tư. Đồng thời, phối hợp ngành Ngân hàng tháo gỡ khó khăn cho DN.

Với tinh thần chung, các ngành, địa phương phải đề ra giải pháp quyết liệt để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Cục Thống kê tỉnh tổ chức tập huấn cho cán bộ các sở, ngành về công tác thu thập số liệu và cách tính.

Ngành Nông nghiệp và các địa phương chủ động công tác phòng, chống hạn, mặn; phòng, chống dịch bệnh dịch tả heo châu Phi.

Đồng thời, tham mưu tổ chức Lễ hội trái cây năm 2024. Ngành Y tế chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19. Sở Công thương và các địa phương đảm bảo công tác chuẩn bị hàng hóa tết, giá cả thị trường, an toàn thực phẩm.

Về công tác đầu tư công, các chủ đầu tư và địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, xử lý sạt lở…

M. THÀNH

 

.
.
.