Xã Vĩnh Kim: Tự hào quá khứ, vững bước tương lai
Vào năm 2003, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin đã công nhận di tích Địa điểm Vụ thảm sát Chợ Giữa (nay thuộc xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) là Di tích quốc gia. Để giữ gìn và tiếp nối truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành luôn chung sức, chung lòng vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu và giành được nhiều thành tựu quan trọng.
Tượng đài Căm thù tại Chợ Giữa, xã Vĩnh Kim - nơi thực dân Pháp đã bỏ bom thảm sát người dân vô tội năm 1940. |
Vào tháng 11-1940, trong lúc hào khí cách mạng của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ của quân và dân ta làm rung chuyển hệ thống chính quyền thống trị của thực dân Pháp và bọn tay sai, làm tan rã bộ máy cai trị của địch ở vùng nông thôn, thị trấn và thành lập chính quyền tự quản.
Lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng năm cánh - biểu tượng của tinh thần yêu nước tung bay trên ngọn cây bàng tại Đình Long Hưng (huyện Châu Thành), thể hiện tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường, sức mạnh quật khởi của nhân dân tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, thực dân Pháp tiến hành càn quét, khủng bố lực lượng khởi nghĩa và nhân dân ta rất dã man khắp nơi trong tỉnh. Sự kiện thảm khốc vào ngày 5-12-1940, tại khu vực Chợ Giữa (Vĩnh Kim) vào giờ chợ họp đông đúc, quân đội Pháp đã cho máy bay ném bom vào khu vực giữa chợ. Chỉ trong 1 ngày, hơn 200 người bị thương, trong đó có hơn 40 người dân vô tội đã ra đi vĩnh viễn.
Khi nhắc đến Chợ Giữa, chúng ta không khỏi ngậm ngùi xót xa trước những mất mát, đau thương của người dân vô tội, đây còn là nơi ghi dấu chất đầy tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) nói riêng.
Vào năm 2005, tượng đài căm thù tại Chợ Giữa được xây dựng ngay sát trung tâm chợ, cách nơi giặc Pháp đã bỏ bom thảm sát người dân 30 m. Tượng được đúc bằng đồng, nặng 8 tấn, do nhà điêu khắc Lương Văn Thạnh sáng tác. Đồng thời, để tưởng nhớ những người dân vô tội đã bị thảm sát, cứ đến ngày 5-12 hằng năm, Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Vĩnh Kim đều tổ chức lễ giỗ.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim Trần Thanh Hải cho biết: “Trong những năm qua, với sự quyết tâm phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, xã Vĩnh Kim đã đạt danh hiệu xã nông thôn mới (NTM) vào năm 2018 và danh hiệu xã NTM nâng cao vào năm 2020. Mới đây, xã Vĩnh Kim đã được HĐND huyện Châu Thành phê duyệt tổng thể lên Đô thị loại V vào năm 2023 và đang tiến hành làm hồ sơ trình HĐND tỉnh phê duyệt vào cuối năm 2023, đầu năm 2024. Trên cơ sở phát huy những thế mạnh, tiềm năng sẵn có ở địa phương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã tập trung đẩy mạnh, phát triển hơn nữa các hoạt động dịch vụ - thương mại. Đây cũng là một bước ngoặt quan trọng, phấn đấu đưa Vĩnh Kim trở thành một phân nhánh trung tâm thương mại - dịch vụ của huyện Châu Thành và TP. Mỹ Tho trong thời gian tới. |
Về Vĩnh Kim hôm nay, chứng kiến những đổi thay trên mảnh đất đã chịu bao đau thương năm nào, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, huyện, cùng sự vào cuộc của Đảng bộ, chính quyền địa phương đã đồng hành với nhân dân bắt tay vào công cuộc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Khắp nơi trên địa bàn xã đều có sự thay đổi lớn. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng hiện đại và khang trang; những con đường nhựa, đường bê tông đã tạo thuận tiện cho việc giao thương, sản xuất; giáo dục được quan tâm; trường học khang trang, học sinh được cắp sách đến trường...
Đặc biệt, trong năm 2023, bức tranh kinh tế - xã hội của xã Vĩnh Kim có sự chuyển biến tích cực. Thu nhập bình quân đầu người được cải thiện, đạt 71,7 triệu đồng/người/năm. Về kinh tế, chính sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, từ sản xuất nông nghiệp chuyển sang tập trung sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ ngày càng phát triển.
Trên địa bàn xã, hiện có 816 cơ sở kinh doanh cá thể hoạt động lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho 1.034 lao động; các hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động, hàng hóa phong phú, đa dạng đáp ứng yêu cầu của người dân. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, công tác an sinh xã hội được các ngành, các cấp tập trung thực hiện.
Bà Bùi Thị Phượng, ngụ ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Kim, một tiểu thương buôn bán nhỏ tại Chợ Giữa cho biết: “Đa số người dân tại đây đều tập trung buôn bán, kinh doanh mang lại thu nhập khá, ổn định cuộc sống. Sắp tới đây, Vĩnh Kim sẽ lên Đô thị loại V, mọi người ai nấy đều rất phấn khởi.
LÊ NGUYÊN