Thứ Hai, 01/01/2024, 10:25 (GMT+7)
.

Chiến thắng Ấp Bắc - Biểu tượng rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh

Chiến thắng Ấp Bắc (nay thuộc xã Tân phú, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) ngày 2-1-1963 do Lực lượng vũ trang Quân khu 8, quân và dân tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) quyết tâm chiến đấu quả cảm, mưu trí, sáng tạo đã làm nên, báo hiệu về sự thất bại chiến lược Chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ.

KIÊN QUYẾT BÁM TRỤ ĐÁNH ĐỊCH

Theo nhận định của Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn: “Kể từ trận Ấp Bắc, Mỹ thấy không thể thắng được” đến trận Bình Giã thì Mỹ thấy sẽ thua ta trong “Chiến tranh đặc biệt”” đã làm rõ được tầm vóc, quy mô và ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Ấp Bắc của lực lượng quân giải phóng và du kích địa phương đã đánh bại lực lượng địch với vũ khí tối tân, hiện đại, mở đường cho phong trào cách mạng miền Nam đánh thắng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ ngay từ những năm đầu triển khai thực hiện.

Lùi về dòng chảy lịch sử, sự bùng nổ các phong trào cách mạng của nhân dân miền Nam, nhất là từ thắng lợi phong trào Đồng Khởi năm 1960 đã đánh sập bộ máy cai trị của quân đội Mỹ - ngụy tại nhiều vùng nông thôn. Do đó trong kế hoạch, Mỹ - ngụy sẽ tiến hành bước tiếp theo coi việc bình định, gom dân, lập ấp chiến lược là một giải pháp chiến lược có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của các kế hoạch xâm lược, thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961 - 1965), nhằm nhanh chóng dập tắt phong trào cách mạng miền Nam, quyết tâm bình định miền Nam Việt Nam.

Các chiến sĩ Tiểu đoàn Mỹ Tho trong trận đánh Ấp Bắc được mang tên Tiểu đoàn Ấp Bắc.                                                                                                                   Ảnh: tư liệu
Các chiến sĩ Tiểu đoàn Mỹ Tho trong trận đánh Ấp Bắc được mang tên Tiểu đoàn Ấp Bắc. Ảnh: TƯ LIÊU

Để thực hiện chiến lược này, đế quốc Mỹ đưa phương tiện chiến tranh hiện đại để mở các cuộc hành quân bằng chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” do cố vấn Mỹ chỉ huy, tấn công từ nhiều mũi, bằng đường bộ, đường thủy, đường không, quân địch tổ chức triển khai càn quét tại Ấp Bắc. Ngày 2-1-1963, Quân đội Mỹ - ngụy đã huy động lực lượng tấn công vào Ấp Bắc với niềm tin đè bẹp được sự chống cự của lực lượng Quân đội ta.

Bằng phương châm “Dân bám đất; cán bộ, đảng viên bám dân; du kích, bộ đội bám giặc” và thế trận chiến tranh nhân dân, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh Quân khu 8 và Thường vụ Tỉnh ủy Mỹ Tho, bộ đội chủ lực cùng với quân và dân tỉnh Mỹ Tho, du kích địa phương kiên quyết bám trụ đánh địch, từ phòng ngự kết hợp với phản công, tiến công, phát huy lợi thế của các hệ thống công sự, trận địa, vũ khí đã chuẩn bị sẵn... lần lượt đánh bại các đợt tiến công của quân đội Mỹ và ngụy, buộc địch phải chấm dứt cuộc hành quân càn quét cùng những tổn thất nặng nề. Trong trận chiến này, quân và dân ta đã tiêu diệt 450 tên địch (trong đó có 11 cố vấn và nhân viên kỹ thuật Mỹ), bắn rơi 5 máy bay trực thăng; phá hủy 3 xe bọc thép M-113, đánh chìm 1 tàu chiến.

Tờ báo The New York Times ngày 5-1-1963 đã nhận định rằng, sự thất bại của đế quốc Mỹ tại trận Ấp Bắc “là một điều đau đớn nhưng cần thiết để giảm bớt tư tưởng lạc quan do những lời tuyên bố chính thức quá lạc quan của Washington gây ra. Trước đây, người ta đã đánh giá quá cao máy bay lên thẳng, đánh giá quá thấp những nhược điểm của nó và có xu hướng quên rằng con người chứ không phải máy móc là yếu tố mang lại chiến thắng”.

Bởi lẽ, cùng với Chiến thắng Ấp Bắc, các cao trào khởi nghĩa lần lượt diễn ra mạnh mẽ, các phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” tiến công quân đội Mỹ - ngụy liên tiếp và dồn dập khắp các địa phương, làm phá sản hoàn toàn chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận”, phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Đây là một trong những thắng lợi mở đầu của cách mạng miền Nam, đồng thời là cơ sở để Đảng ta lãnh đạo đánh bại hoàn toàn các chiến lược chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.

Có thể thấy, một thực tế từng làm cả thế giới lúc bấy giờ lo ngại rằng, cách mạng miền Nam phải đối đầu với đế quốc Mỹ - kẻ thù lớn và mạnh hơn gấp nhiều lần về tiềm lực và sức mạnh kinh tế, quân sự. Rõ ràng, đây là một thử thách lớn, mang ý nghĩa sống còn đối với vận mệnh đất nước đặt ra cho cách mạng miền Nam Việt Nam.

Trước những phương tiện chiến tranh hiện đại trong chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” mà đế quốc Mỹ rắp tâm thực hiện, với tinh thần gang thép, nhân dân ta đã đứng lên, sát cánh cùng lực Lực lượng vũ trang nhân dân trực tiếp chiến đấu chống lại sự xâm lược của đế quốc Mỹ làm nên trận địa chiến tranh nhân dân, thực hiện mong muốn thiết tha của Bác Hồ “miền Nam là của Việt Nam”, vì độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc.

KẾ THỪA VÀ PHÁT HUY   

Chiến thắng Ấp Bắc vẫn mãi là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang và cả dân tộc Việt Nam, cần được kế thừa và phát huy, nhất là đối với công cuộc xây dựng và kiến thiết quê hương, đất nước.

Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, Tiền Giang đã và đang vươn lên mạnh mẽ. Qua các kỳ Đại hội của Đảng bộ tỉnh Tiền Giang, Đảng bộ và chính quyền tỉnh đã cụ thể hóa những chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh một cách thống nhất, sát hợp tình hình cụ thể của địa phương và đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng.
Trong 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, với cách làm mới, tư duy mới, kinh tế - xã hội của tỉnh chuyển biến rõ nét.

Cụ thể, năm 2023, Tiền Giang có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP theo giá so sánh 2010) tăng 5,72%; tổng kim ngạch xuất khẩu 4,6 tỷ USD, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra 3,9 tỷ USD. Trong lĩnh vực kinh tế, số doanh nghiệp thành lập mới là 870, tạo nhiều cơ hội việc làm cho người dân và phát triển kinh tế trên địa bàn.

Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển theo chiều sâu, phù hợp với điều kiện sản xuất của từng địa phương. Đồng thời, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, từng bước kết nối với chuỗi cung ứng trong nông sản đang phát huy hiệu quả.

Các tiềm năng, thế mạnh từng bước được chú trọng khai thác một cách hợp lý. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng đầu tư; mạng lưới giao thông được đầu tư đồng bộ, từng bước hoàn chỉnh; các đô thị ngày càng khang trang; diện mạo khu vực nông thôn khởi sắc, đời sống người dân được cải thiện và nâng cao.

Điển hình trong năm 2023, khu Đô thị An Hữu, huyện Cái Bè được công nhận đô thị loại V, nâng đến nay toàn tỉnh có 12 đô thị (1 đô thị loại I, 2 đô thị loại III, 9 đô thị loại V) và TX. Gò Công đã đáp ứng được 5/5 tiêu chí để thành lập thành phố theo quy định. Trong đó, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 31,25%.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên; các vấn đề xã hội bức xúc được quan tâm giải quyết. An ninh chính trị được giữ vững; quốc phòng - an ninh được đảm bảo; hoạt động đối ngoại tiếp tục được tăng cường. Năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố vững chắc…

Với khát vọng mới, niềm tin mới, tin rằng trong những chặng đường tiếp theo, Đảng bộ, chính quyền trên tinh thần “nhìn rộng, nghĩ sâu”, bền gan vững chí, cùng với nhân dân tỉnh nhà vượt qua những khó khăn, thách thức, phát huy tốt hơn nữa những tiềm năng, lợi thế của tỉnh, góp phần đưa kinh tế - xã hội toàn tỉnh phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.  

LÊ NGUYÊN

.
.
.