.

Chiến tranh biên giới Tây Nam: Cuộc đấu tranh chính nghĩa của Quân đội nhân dân Việt Nam

Cập nhật: 15:32, 07/01/2024 (GMT+7)
(ABO) Cách đây 45 năm, trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và giúp nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng (7-1-1979 - 7-1-2024), thực hiện quyền tự vệ chính đáng và thực hiện nghĩa vụ quốc tế của Quân đội nhân dân Việt Nam đã quyết tâm đánh bại những âm mưu phá hoại, những cuộc tập kích xâm phậm lãnh thổ của Tập đoàn Pol Pol - Ieng Sary (còn gọi là Khmer Đỏ).
 
ÂM MƯU XÂM LƯỢC CỦA TẬP ĐOÀN POL POL - IENG SARY
 
Lùi lại nhiều thập kỷ xa xưa, Việt Nam và Campuchia là hai dân tộc anh em, có chung đường biên giới, sông liền sông, biển liền biển và có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa. Trải qua nhiều thập kỷ đấu tranh giành độc lập, tự do, hai dân tộc Việt Nam - Campuchia kề vai sát cánh, đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung là thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ. 
 
Thế nhưng, vào năm 1975 - thời điểm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Đông Dương, trong khi nhân dân Campuchia cùng sát cánh với nhân dân Việt Nam, Lào chống quân xâm lược thì tập đoàn cầm quyền Pol Pol - Ieng Sary thực hiện chính sách hai mặt phản động. Một mặt, tập đoàn cầm quyền Pol Pol - Ieng Sary tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân Việt Nam để chống đế quốc Mỹ, mặt khác lại ngấm ngầm tìm cách chống lại Việt Nam. 
 
Sau khi giành được thắng lợi từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, tập đoàn Pol Pol - Ieng Sary tước đoạt thành quả cách mạng của nhân dân Campuchia, lên nắm chính quyền, thiết lập chế độ độc tài - nhà nước Campuchia Dân chủ. Không những thi hành chính sách hết sức tàn bạo đối với chính dân tộc và nhân dân Campuchia, đẩy đất nước Campuchia vào vực thẳm của họa diệt chủng, mà tập đoàn Pol Pol - Ieng Sary còn theo đuổi sách sách thù hằn dân tộc, phủ nhận trắng trợn lịch sử và truyền thống đoàn kết, hữu nghị của nhân dân Việt Nam và dựng lên cái gọi là “vấn đề biên giới lịch sử” để tiến hành chiến tranh xâm lấn biên giới Việt Nam.
 
KHẲNG ĐỊNH TINH THẦN QUỐC TẾ VÔ SẢN
 
Trong giai đoạn từ năm 1975 - 1979, mặc dù liên tục bị phía chính quyền Campuchia Dân chủ khiêu khích, tấn công nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhân nhượng, vẫn trung thành với chính sách ngoại giao là tìm kiếm con đường giải quyết xung đột bằng hòa bình, mong muốn duy trì, giữ vững tình hữu nghị, gắn bó keo sơn của hai dân tộc anh em. 
 
Bất chấp những cuộc đàm phán thể hiện rõ lập trường, quan điểm của Việt Nam, tập đoàn Pol Pol - Ieng Sary ngày càng đẩy mạnh tần suất, quy mô và cường độ các cuộc xâm lấn biên giới bằng việc ráo riết xây dựng lực lượng quân sự mạnh và liên tục đưa quân xâm phạm sâu vào lãnh thổ nước ta. 
 
Pháo binh của quân đội ta trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam tháng 9-1977. Ảnh: Tư liệu.
Pháo binh của quân đội ta trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam tháng 9-1977. Ảnh: Tư liệu.
 
Ngay khi miền Nam Việt Nam vừa được giải phóng thì vài ngày sau đó, tháng 5-1975, tập đoàn Pol Pol - Ieng Sary bắt đầu cho lực lượng gây hấn các tỉnh biên giới Tây Nam bộ, từ Hà Tiên đến Tây Ninh là những điểm đầu biên giới, trở thành mục tiêu chống phá. Đến tháng 4-1977, lực lượng Pol Pol - Ieng Sary đồng loạt nổ súng tấn công biên giới Tây Nam của Việt Nam. Hành động này không còn mang tính chất là những vụ xung đột quân sự ở phạm vi biên giới, quy mô nhỏ lẻ, mà đã phát triển thành cuộc chiến tranh xâm lược.
 
Sự kiện thương tâm nhất và có thể xem đây là tội ác dã man nhất mà tập đoàn Pol Pol - Ieng Sary đã gây ra cho nhân dân Việt Nam nói chung và đối với tỉnh An Giang nói riêng, đó là đợt thảm sát vào tháng 4-1978, tại xã Ba Chúc (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), cách đường biên giới Việt Nam - Campuchia khoảng 7 km. Cùng với giết người, lực lượng này còn thực hiện khẩu hiệu “cướp sạch, đốt sạch, phá sạch”, dồn người dân vô tội để bắn, tiến hành giết người tập thể bằng những hành động vô cùng man rợ, phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em; trong đó có hơn 100 gia đình bị giết cả nhà, toàn xã Ba Chúc không còn một căn nhà nào nguyên vẹn. Xuyên suốt 12 ngày chiếm đóng từ ngày ngày 18 đến 30-4-1978, có 3.157 dân thường đã bị giết. 
 
Vào ngày 23-12-1978, đứng trước sự gây hấn đã đi quá giới hạn cho phép của tập đoàn Pol Pol - Ieng Sary kéo theo đó là những vụ thảm sát bạo tàn, đông đảo quần chúng nhân dân vùng Tây Nam bộ đã phối hợp với lực Lượng vũ trang Quân khu 7, Quân khu 9 làm nòng cốt, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến hành những trận đánh phản công, tự vệ chính đáng với quyết tâm bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc, trừng trị chúng những đòn đích đáng trước sự xâm lược của chính quyền Dân chủ Campuchia, tiêu diệt khối quân chủ lực tập trung của Pol Pol - Ieng Sary. Đồng thời, giúp nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pol - Ieng Sary, làm lại cuộc cách mạng Dân tộc Dân chủ nhân dân, thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả.
 
Đoàn công tác của Quân tình nguyện Việt Nam đến thăm, cứu trợ đồng bào Campuchia ngay sau khi đất nước thoát khỏi chế độ diệt chủng. Ảnh: Tư liệu.
Đoàn công tác của quân tình nguyện Việt Nam đến thăm, cứu trợ đồng bào Campuchia ngay sau khi đất nước thoát khỏi chế độ diệt chủng. Ảnh: Tư liệu.
 
Những thủ đoạn dã man, tàn bạo mất hết tính người của Khmer Đỏ đã vấp phải sự chống trả bằng các đòn tiến công liên tiếp của Quân đội và nhân dân ta. Chỉ trong thời gian ngắn, ngày 30-12-1978, quân ta đã tiêu diệt toàn bộ các mục tiêu, phá vỡ hoàn toàn tuyến phòng ngự cơ bản của địch trên tuyến biên giới Tây Nam. 
 
Đồng thời, phối hợp với chiến trường chung theo lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia, của nhân dân Campuchia, Quân đội và nhân dân Việt Nam đã cùng với Lực lượng vũ trang và nhân dân Campuchia đã vùng lên kiên quyết tiến công và nổi dậy rộng khắp, đập tan chính quyền Pol Pot - Ieng Sari từ cơ sở đến trung ương. Ngày 7-1-1979, lực lượng Việt Nam và lực lượng Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia đã giải phóng thủ đô Phnôm Pênh. Đó là hành động phù hợp pháp lý và đạo lý, vì nghĩa tình quốc tế cao cả, trong sáng. 
 
Có thể nói, những mất mát, hậu quả đau thương là điều hiển nhiên không thể tránh khỏi bất cứ cuộc chiến nào, nhưng trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, mức độ thiệt hại, mức độ dã man và khủng khiếp của tập đoàn Pol Pol - Ieng Sary đã mãi trở thành một vết thương sâu sắc trong tâm khảm của những người dân yêu nước Việt Nam, là nỗi ám ảnh không thể phai nhòa trong ký ức của những người dân vùng biên giới Tây Nam. Hiện nay, các đối tượng xuyên tạc lịch sử, tung ra những lý luận sai sự thật về cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam Việt Nam (1975 - 1979) để quy chụp cho rằng “Việt Nam xâm lược, xâm lấn Campuchia”.
 
Do đó, chúng ta cần nhìn đúng đắn bản chất của cuộc Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và giúp nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng là cuộc chiến tranh tự vệ, cuộc chiến vì sự nghiệp chính nghĩa, là biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết chiến đấu thủy chung, trong sáng giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia. Qua đó, đập tan những âm mưu, luận điệu xuyên tạc nhằm phá hoại Đảng, Nhà nước ta, gây chia rẽ mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia. 
 
TIẾP TỤC GIỮ VỮNG, PHÁT HUY MỐI QUAN HỆ HỮU NGHỊ VÀ HỢP TÁC
 
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử và đã có bề dày xa xưa trong truyền thống, hiện nay quan hệ Việt Nam - Campuchia đang ngày càng khăng khít, bền chặt hơn về mọi mặt, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Qua đó, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác trong khu vực và trên thế giới. Những chuyến thăm ngoại giao của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước liên tục được thiết lập và phát triển, tạo nền móng phát triển mới trong quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. 
 
Bước phát triển quan trọng trong mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước ngày càng được khẳng định rõ thể hiện trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước nói chung và giữa các tỉnh biên giới nói riêng có những chuyển biến tích cực. Theo thống kê mới đây, trong 11 tháng năm 2023, kim ngạch thương mại Việt Nam - Campuchia đã đạt gần 8 tỷ USD (dự kiến cả năm 2023 đạt 9 tỷ USD). Đặc biệt, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia (sau Trung Quốc và Mỹ) và là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong ASEAN. Đến nay, Việt Nam hiện là 1 trong 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia, có 205 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,94 tỷ USD, đứng đầu ASEAN. Và Campuchia đứng thứ 2 trong số 79 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài.
 
Thủ tướng Hun Sen nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Campuchia  ngày
Thủ tướng Hun Sen nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Campuchia vào ngày 8-11-2022. Ảnh: dangcongsan.vn.
 
Lĩnh vực an ninh, quốc phòng ngày càng được củng cố và nhất trí khẳng định “không cho phép bất kỳ một thế lực thù địch nào sử dụng lãnh thổ của mình để gây phương hại cho an ninh của nước kia” và hai nước xác định rõ phân giới cắm mốc đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia theo các điều ước được ký kết thông qua các văn kiện pháp lý, nhằm tiếp tục xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững...
 
Nhìn nhận lại lịch sử, nếu như hai nước Việt Nam và Campuchia có chung một dòng Mê Kông, chung những nỗi đau, kề vai sát cách, chia ngọt sẻ bùi, thì nền văn hóa dân tộc cũng cùng chung một dòng chảy - xuyên suốt từ trong lịch sử cho đến ngày nay. Đó là mối quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Campuchia luôn tồn tại hài hòa trong thực tế và ngày càng gắn bó, phát triển, vì lợi ích quốc gia của từng dân tộc, gắn với lợi ích chung của hai quốc gia theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.
LÊ NGUYÊN
 
.
.
.