Thứ Hai, 15/01/2024, 20:49 (GMT+7)
.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang tham dự Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV

(ABO) Ngày 15-1, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể Kỳ họp bất thường lần thứ 5.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Kỳ họp
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Kỳ họp.

Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố tham dự kỳ họp.

Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang tham dự kỳ họp bất thường.
Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang tham dự Kỳ họp.

Tại Kỳ họp, Quốc hội xem xét, thông qua các nội dung, gồm: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (theo trình tự, thủ tục rút gọn).

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận.

Cũng tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định một số nội dung quan trọng, cấp thiết về tài chính, ngân sách, bao gồm: Việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công; bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm an ninh - quốc phòng, chủ quyền biển đảo quốc gia, đáp ứng sự mong mỏi của cử tri, nhân dân huyện đảo và cả nước.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, căn cứ quy định của Hiến pháp và pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV để xem xét, quyết định những nội dung quan trọng. Kỳ họp diễn ra trong những ngày đầu năm mới 2024 - năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và hướng tới Đại hội XIV của Đảng. Những nội dung được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp này có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 và cả nhiệm kỳ, mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài…

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Ngay sau phiên khai mạc, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). ĐBQH thảo luận ở hội trường về một số nội dung mới hoặc còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan trình phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.

Chiều cùng ngày, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Các ĐBQH thảo luận ở hội trường về một số nội dung mới hoặc còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan trình phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.

Lãnh đạo Quốc hội tại phiên họp
Lãnh đạo Quốc hội tại phiên họp.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong phiên thảo luận đã có 14 đại biểu phát biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đã phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung các ĐBQH quan tâm.

Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao quyết tâm, tinh thần làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ, cầu thị, lắng nghe lẫn nhau của các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo, thống nhất được nhiều nội dung lớn, chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội.

Các đại biểu cũng đánh giá cao nội dung của dự thảo luật, thống nhất với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý; đồng thời, tham gia nhiều ý kiến đối với các quy định về chuyển tiếp, điều khoản thi hành, tổ chức, quản trị, điều hành của các tổ chức tín dụng, dự phòng rủi ro, lãi dự thu, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, xử lý trường hợp các tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt, vay và cho vay đặc biệt, các quy định để minh bạch thông tin, ngăn chặn sở hữu chéo, thao túng các tổ chức tín dụng, đảm bảo an ninh hệ thống, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.

Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến xác đáng, cụ thể vào các chương, điều, khoản trong luật, các ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo luật cả về nội dung và kỹ thuật. Ý kiến của các đại biểu đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, sẽ được sớm tổng hợp để phục vụ quá trình tiếp thu, giải trình.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan liên quan tập trung nghiên cứu, khẩn trương tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, thông qua.

THU HOÀI

.
.
.