Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức thật sự vững mạnh, có tâm, có tầm, có bản lĩnh, có chuyên môn sâu (*)
Sáng 12-1, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Tiền Giang tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Báo Ấp Bắc trân trọng đăng toàn văn phát biểu của đồng chí:
Qua ý kiến phát biểu của các đồng chí đã phân tích rất rõ, rất cụ thể về kết quả đạt được; những khó khăn, hạn chế còn tồn tại trong triển khai thực hiện nhiệm vụ tổ chức xây dựng Đảng ở đảng bộ, địa phương mình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực vượt bậc và tính chủ động của ngành Tổ chức xây dựng Đảng.
Quang cảnh Hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. |
Năm qua, các đồng chí đã tham mưu các cấp ủy triển khai, quán triệt, cụ thể hóa kịp thời, hiệu quả các văn bản của Trung ương, nhất là các văn bản mới ban hành, gắn với tổng kết các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Tôi xin nói lại một số việc nổi bật:
Một là, đã triển khai thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm theo Kế hoạch 43 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kế hoạch 03 của Bộ Chính trị và Kết luận 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Kết luận 50 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 18 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Hai là, thực hiện đồng bộ, chặt chẽ việc phê duyệt bổ sung quy hoạch cấp ủy và các chức danh lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 - 2026; quy hoạch cấp ủy và các chức danh lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031.
Kiện toàn, sắp xếp, bố trí các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đối với các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Đặc biệt, qua Đoàn Kiểm tra của Bộ Chính trị năm 2023 về kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác cán bộ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ, đã đánh giá rất cao về việc lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh đối với công tác cán bộ.
Ba là, thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị theo Quy định 96 của Bộ Chính trị. Điều đáng mừng, qua tổ chức lấy phiếu tín nhiệm ở các đảng bộ, cơ quan, đơn vị, địa phương đều thực hiện đúng quy định, đảm bảo thời gian theo kế hoạch của Tỉnh ủy; chưa ghi nhận trường hợp khiếu nại hay phản ánh về kết quả lấy phiếu và không có trường hợp có số phiếu tín nhiệm thấp từ 50% trở lên (Qua tổng hợp kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí có số phiếu tín nhiệm thấp, có tỷ lệ cao nhất là 8%; đối với cấp ủy huyện, thành, thị, đồng chí có số phiếu tín nhiệm thấp, có tỷ lệ cao nhất là 28,5%).
Ban Tổ chức Tỉnh ủy trao Giấy khen cho Ban Tổ chức cấp ủy cơ sở có thành tích trong năm 2023. |
Thứ tư là, thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức Đảng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đồng bộ với tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, bảo đảm đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương gắn với rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng (Trong năm, đã kết nạp 1.621 đảng viên mới, đạt 108,06% so với Nghị quyết; đã rà soát, sàng lọc đưa ra xem xét 308 đảng viên có vi phạm, trong đó có 22 đảng viên bị đưa ngay ra khỏi Đảng và 286 đảng viên cần được chi bộ giáo dục, giúp đỡ trước khi xem xét quyết định đưa ra khỏi Đảng).
Năm là, thực hiện đúng quy định, đúng hướng dẫn việc tổ chức kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng đối với tổ chức Đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý năm 2023. Kịp thời phát hiện và xử lý tốt những vấn đề phức tạp liên quan đến công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nhất là trong việc thẩm định về tiêu chuẩn chính trị hiện nay đối với công tác cán bộ, công tác đảng viên.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng ta vẫn còn một số khó khăn, hạn chế cần phải nghiêm túc nhìn nhận và có giải pháp khắc phục sớm nhất trong thời gian tới, đó là: Một số tổ chức Đảng thực hiện việc triển khai, cụ thể hóa, sơ kết, tổng kết các Nghị quyết, Quy định của Đảng về công tác tổ chức xây dựng Đảng còn chậm; đó là, công tác phối hợp quản lý đảng viên và việc nắm tình hình về chính trị hiện nay đối với cán bộ, đảng viên ở một số nơi chưa tốt, thiếu tính chặt chẽ (Chúng ta còn nhiều việc rất nan giải trong công tác quản lý đảng viên: Đối với đảng viên miễn sinh hoạt, đảng viên đi làm ăn xa, đảng viên là bộ đội xuất ngũ về địa phương, đảng viên giữ mối quan hệ nơi cư trú... phải quản lý như thế nào, hình thức ra sao để đảm bảo sự chặt chẽ cũng đang là vấn đề khó, phải tiếp tục suy nghĩ); đó là, năng lực lãnh đạo của một số ít cấp ủy, tổ chức Đảng chưa đáp ứng kịp yêu cầu nhiệm vụ, chất lượng sinh hoạt chi bộ kém; và đó là, tình trạng cán bộ, đảng viên thiếu rèn luyện, tu dưỡng, suy thoái về đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước vẫn còn xảy ra, cá biệt có cả vi phạm pháp luật.
Nhiệm vụ của ngành Tổ chức xây dựng Đảng trong năm 2024 là rất nhiều, khối lượng công việc rất lớn và có nhiều việc đòi hỏi chúng ta không phải chỉ đảm bảo về chất lượng mà cả về tiến độ; bởi vì đây là năm áp cuối của nhiệm kỳ đại hội. Do đó, chúng ta phải xác định phương châm hành động của ngành là: “Quyết tâm chính trị phải cao. Nỗ lực phải lớn. Hành động phải quyết liệt, hiệu quả. Tổ chức thực hiện phải có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó. Những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm càng phải giữ đúng nguyên tắc, nhất quán, phát huy dân chủ, huy động sức mạnh tập thể và quyết định theo đa số”.
Trên cơ sở chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, quy định, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy và các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra trong Báo cáo, các đồng chí cần chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, công việc cụ thể để triển khai thực hiện sát với tình hình thực tế của đảng bộ, của từng loại hình tổ chức cơ sở đảng. Tôi xin lưu ý thêm một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Trước hết: Tập trung tham mưu cho các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các công việc chuẩn bị phục vụ Đại hội đảng các cấp, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Ở nhiệm vụ này, các đồng chí tập trung cho 3 việc:
Một là, rà soát bổ sung quy hoạch, bổ sung cấp ủy (những nơi còn khuyết) để chuẩn bị tốt nhất về nhân sự đại hội. Tham mưu thành lập các Tiểu ban phục vụ Đại hội. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành quyết định thành lập Tiểu ban Nhân sự, Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Tổ chức phục vụ, Tiểu ban Điều lệ Đảng; trên cơ sở đó, các đồng chí nghiên cứu tham mưu thành lập các tiểu ban tương ứng và phù hợp, như: Tiểu ban Nhân sự, Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Tổ chức phục vụ... khi có chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh ủy.
Hai là, tham mưu xây dựng Kế hoạch tổng kết Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp để chuẩn bị cho việc tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Nội dung tổng kết cần phải tập trung đánh giá đầy đủ, toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị 35 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương; cấp ủy cấp huyện (tương đương) tiến hành tổng kết và tổ chức hội nghị ban chấp hành để thảo luận, đánh giá trước hội nghị của Tỉnh ủy (Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự kiến tổ chức Hội nghị tổng kết vào cuối tháng 2-2024).
Ba là, tham mưu việc tổng kết công tác xây dựng Đảng 5 năm (2020 - 2024); tổng kết 15 năm thực hiện Điều lệ Đảng (2011 - 2025) và bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng theo Kế hoạch 124, ngày 27-12-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng phải chú ý làm rõ những ưu điểm, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng; những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong thi hành Điều lệ Đảng; chỉ rõ đâu là nguyên nhân và đâu là bài học kinh nghiệm, đồng thời đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn mới. Việc tổng kết phải được triển khai thực hiện nghiêm túc từ cơ sở đến cấp huyện và của tỉnh, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình; đánh giá đúng sự thật, khách quan; phát huy dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng và của đảng viên.
Tổ giúp việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (Ban Tổ chức Tỉnh ủy là Thường trực) giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng dự thảo 2 báo cáo tổng kết nêu trên, đảm bảo theo yêu cầu và gửi về Trung ương đúng thời gian quy định (Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự kiến tổ chức Hội nghị tổng kết vào giữa tháng 3-2024).
Thứ hai: Tiếp tục triển khai, thực hiện Kế hoạch 43 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ.
Đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 21 về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên; Nghị quyết 28 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Chương trình của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 21, 28.
Thứ ba: Triển khai, thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận, quy định của Trung ương về công tác cán bộ, đảm bảo công tâm, khách quan, chặt chẽ, thận trọng (Hơn ai hết, các đồng chí làm công tác tổ chức cần phải nắm chắc quy trình, quy định, hướng dẫn; phải giữ vững nguyên tắc, bản lĩnh, không để bị chi phối, tác động không trong sáng trong công tác cán bộ; đừng để cán bộ tốt bị mai một và càng không để cán bộ cơ hội, kém phẩm chất, kém năng lực chui sâu, trèo cao vào các vị trí lãnh đạo, quản lý). Kịp thời miễn nhiệm, cho từ chức, thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp, mắc sai phạm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm theo Quy định 41 của Bộ Chính trị.
Củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ gắn với thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo lộ trình, đúng Quy định 137, Quy định 138 của Ban Bí thư và Hướng dẫn 26 của Ban Tổ chức Trung ương (Ở tỉnh ta, giai đoạn 2023 - 2025 có 12 đơn vị hành chính cấp xã phải sắp xếp, với 3 xã (xã Tân Lý Tây, Dưỡng Điềm, Hữu Đạo), 1 thị trấn (thị trấn Tân Hiệp) và 8 phường (phường 1, 2, 3, 7, 8 của TP. Mỹ Tho; phường 1, 2 , 3 của TX. Gò Công).
Sau khi sắp xếp, tổng số đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh còn 164 đơn vị, giảm 8 đơn vị (giảm 3 xã và 8 phường). Nhân sự sẽ dôi dư ra sau sắp xếp là khá nhiều, đòi hỏi phải có sự xem xét kỹ lưỡng, sắp xếp hợp lý, đúng quy trình, quy định, tránh để dư luận không hay, cán bộ tâm tư qua sáp nhập và bố trí cán bộ.
Thứ tư: Phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát, điều chỉnh danh mục vị trí việc làm (kèm theo bản mô tả và khung năng lực vị trí việc làm) của cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp tỉnh và ở cấp huyện; khẩn trương hoàn thành xây dựng vị trí việc làm theo quy định để đảm bảo tiến độ thực hiện chính sách cải cách tiền lương từ ngày 1-7-2024 (Chúng ta biết rằng vị trí việc làm phải được chuẩn hóa thì tiền lương mới với ngạch, bậc cụ thể được áp vào mới theo chuẩn. Nói dễ hiểu hơn là đồng lương tương xứng với vị trí việc làm, tạo động lực mới cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Không phải chỉ dựa vào thâm niên, hay học vị).
Mặt khác, phải kiểm soát cho được việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn; quyền hạn phải được ràng buộc bởi trách nhiệm; quyền hạn đến đâu thì trách nhiệm đến đó; quyền hạn càng cao thì trách nhiệm càng lớn.
Muốn kiểm soát được việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn, chúng ta cần phải thực hiện cho được 3 việc: một là, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát để đảm bảo quyền lực được vận hành công khai, minh bạch, đúng đắn, không bị “tha hóa”; hai là, phân công, phân cấp phải gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm; ba là, thực hiện nghiêm việc xử lý, điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, vi phạm Điều lệ Đảng và pháp luật Nhà nước (Phải tránh tình trạng “việc mình không làm lại đi soi việc làm người khác”).
Thứ năm: Phải thật sự coi trọng 6 việc: (1) kiện toàn tổ chức cơ sở đảng phù hợp với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở cấp cơ sở; (2) nâng cao chất lượng và thực hiện nghiêm quy chế làm việc của cấp ủy cơ sở; (3) nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ (chú ý các chi bộ có ít đảng viên); (4) quan tâm công tác tạo nguồn kết nạp đảng viên mới (không để xảy ra tình trạng đã có nguồn nhưng không được xem xét kết nạp vào Đảng); (5) tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên ngay tại chi bộ; (6) thực hiện tốt chương trình kiểm tra, giám sát của các cấp ủy về công tác tổ chức xây dựng Đảng, gắn với rà soát, sàng lọc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng (cần nghiên cứu nguyên nhân chủ yếu của việc đảng viên xin ra khỏi Đảng để có giải pháp khắc phục hiệu quả).
Thứ sáu: Thực hiện nghiêm, chặt chẽ, kỹ lưỡng công tác thẩm tra, xác minh vấn đề lịch sử chính trị, chính trị hiện nay của cán bộ, đảng viên và thẩm định tiêu chuẩn chính trị phục vụ công tác cán bộ, đảng viên theo quy định, nhất là thẩm định, thẩm tra nhân sự chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (Đây là vấn đề hết sức hệ trọng, liên quan đến sinh mạng chính trị của cán bộ, đảng viên, chúng ta phải đặc biệt coi trọng nhiệm vụ này).
Thứ bảy: Có kế hoạch rà soát, kiện toàn nhân sự của cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ (từ tỉnh đến cơ sở); chúng ta muốn làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy về công tác tổ chức xây dựng Đảng, thì trước hết phải có đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức thật sự vững mạnh, vừa có tâm, vừa có tầm, vừa có bản lĩnh, có chuyên môn sâu lĩnh vực công tác tổ chức - bộ máy và cán bộ.
Mặt khác, phải tăng cường nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về xây dựng Đảng; chú trọng bám sát thực tế cơ sở, kịp thời tuyên truyền, phản ánh kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở các địa phương, cơ quan, đơn vị; tạo đồng thuận trong nhân dân và nâng cao quyết tâm chính trị cho cấp ủy, cho cán bộ, đảng viên và người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.
Bác Hồ đã dạy chúng ta: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Và nếu nói xây dựng Đảng là nhiệm vụ “then chốt” thì công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”. Để làm tròn được nhiệm vụ của mình, đội ngũ cán bộ của ngành Tổ chức xây dựng Đảng phải không ngừng phấn đấu vươn lên, phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ về mọi mặt; đổi mới phương pháp và phong cách làm việc, sâu sát thực tiễn; giữ vững nguyên tắc, chịu khó lắng nghe; không chỉ có hiểu biết chuyên ngành mà phải nắm vững Điều lệ Đảng, nắm vững các nguyên tắc, quy tắc, quy định, các văn bản có liên quan và phải vận dụng nhuần nhuyễn; đặc biệt là phải công tâm, khách quan, tận tuỵ với công việc.
Đây là yếu tố, là nhân tố quyết định đến việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành. Tôi rất mong và tin tưởng rằng, mỗi đồng chí sẽ có sự nhất quán cả trong ý thức, trong nhận thức và trong tham mưu, hướng dẫn thực hiện, để đáp ứng được yêu cầu “then chốt của then chốt”.
Nhân dịp đầu năm mới - năm Giáp Thìn 2024, chúc các đồng chí và gia đình hạnh phúc, an khang, thịnh vượng. Chúc ngành Tổ chức xây dựng Đảng năm 2024 sẽ đạt được nhiều thắng lợi mới.
(*) Đầu đề do Báo Ấp Bắc đặt