Thứ Ba, 27/02/2024, 10:49 (GMT+7)
.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: 'Mỗi thầy thuốc cần luôn giữ lửa với nghề'

Theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, những đóng góp to lớn của ngành Y tế đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý, được nhân dân trân trọng và tin yêu, được đồng nghiệp, người dân trong nước, khu vực và quốc tế đánh giá cao.

Tối 26-2, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Y tế phối hợp tổ chức Chương trình Tôn vinh Thầy thuốc Việt Nam và trao giải cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần VI nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 – 27-2-2024).

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi tới các thế hệ thầy thuốc, các lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế qua các thời kỳ lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Theo Chủ tịch nước, trong suốt 69 năm qua, ngành Y tế đã nỗ lực phấn đấu, không quản gian khổ, hi sinh, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, ngày càng trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt. Những đóng góp to lớn của ngành Y tế đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý, được nhân dân trân trọng và tin yêu, được đồng nghiệp, người dân trong nước, khu vực và quốc tế đánh giá cao.

"Đảng, Nhà nước ta luôn đặt con người ở trung tâm của quá trình phát triển, coi “sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của xã hội”, “dân cường thì nước thịnh”, “mỗi người dân khỏe mạnh là cả nước khỏe mạnh”. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

a
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị phấn đấu đưa ngành Y tế Việt Nam nằm trong nhóm đầu các nước trong khu vực và vươn tầm ra thế giới. Ảnh: TTXVN

Đề cập đến những khó khăn mà ngành Y tế phải đối mặt, theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, hiện dân số Việt Nam đã vượt mốc 100 triệu và là quốc gia có quy mô dân số đông, đặc điểm dân số trẻ nhưng có tốc độ già hoá nhanh. Kéo theo đó, mô hình bệnh tật thay đổi và diễn biến phức tạp.

"Nhiều vấn đề còn đang là rào cản, điểm nghẽn như chính sách, chế độ cho đội ngũ y, bác sĩ chưa phù hợp, đời sống cho cán bộ y tế còn khó khăn. Các quy định của pháp luật còn chưa theo kịp với thực tiễn; trình độ quản lý y tế, tài chính y tế, tự chủ tài chính còn nhiều vướng mắc. Môi trường hành nghề có nơi, có lúc thiếu an toàn, quá tải ở những bệnh viện tuyến trên…”, Chủ tịch nước nói.

Những vấn đề nêu trên, theo Chủ tịch nước, chính là những trở ngại trong công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khoẻ nhân dân mà người thầy thuốc cần phải giải quyết trong ngắn và dài hạn.

Chủ tịch nước cho rằng, trước mắt, phải nhanh chóng hoàn thiện chính sách pháp luật phù hợp, thiết lập môi trường làm việc chuyên nghiệp, an toàn, thuận lợi để y, bác sĩ, nhân viên y tế hành nghề. Đồng thời, bảo vệ, hỗ trợ, khuyến khích tinh thần, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm, thực hiện thành công các nhiệm vụ của ngành Y tế trong ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, phát triển y tế cơ sở, tăng cường y tế dự phòng, kết hợp y học cổ truyền và hiện đại…

“Mỗi người thầy thuốc cần luôn giữ lửa với nghề, có tinh thần tìm tòi, nghiên cứu tiếp nhận cái mới, làm chủ khoa học, kỹ thuật cao, chuyên sâu, hiện đại, đào tạo đội ngũ trẻ kế cận. Phấn đấu đưa ngành Y tế Việt Nam nằm trong nhóm đầu các nước trong khu vực và vươn tầm ra thế giới, góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu về sức khoẻ, mang lại hiệu quả xã hội và ý nghĩa, nhân văn, sâu sắc”, Chủ tịch nước đề nghị.   

Xúc động khi chia sẻ tại chương trình, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho hay, vào thời khắc này, khi chúng ta ngồi đây, hàng trăm nghìn y, bác sĩ, nhân viên y tế vẫn đang túc trực bên giường bệnh, trong phòng cấp cứu, hay đến tận nhà dân ở các vùng biên giới, hải đảo xa xôi.

"Có những nhà khoa học đang miệt mài trong phòng thí nghiệm. Có những cán bộ y tế dự phòng, cán bộ dân số đi từng căn ngõ nhỏ để bảo vệ sức khỏe nhân dân", Tư lệnh ngành Y tế chia sẻ.

Người đứng đầu Bộ Y tế cũng bày tỏ sự cảm phục và tự hào về các thầy thuốc, người lao động toàn ngành. "Xin cảm ơn các đồng chí đã luôn kiên cường, vượt khó, sáng tạo, dám nghĩ dám làm để đạt được những kết quả đáng tự hào. Xin cảm ơn các đồng chí đã ngày đêm thầm lặng hy sinh để phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan bày tỏ.

Tại chương trình, ngoài phần tôn vinh thầy thuốc Việt Nam, Ban Tổ chức đã trao giải cho 15 tác phẩm lọt vào chung kết cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần VI, gồm: 1 giải Đặc biệt; 1 giải Nhất; 2 giải Nhì; 5 giải Ba và 6 giải Khuyến khích.  

Giải Đặc biệt trị giá 80 triệu đồng đã thuộc về tác phẩm “Bàn tay tài hoa của bác sĩ dám làm việc khó, hồi sinh những mảnh đời bất hạnh” của tác giả Ngô Anh Văn (báo Sức khỏe và Đời sống). Giải Nhất là phóng sự “Hành trình nghiên cứu vaccine” của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương.

Tất cả tác phẩm lọt vào vòng chung khảo, bao gồm các tác phẩm đạt giải, được in thành sách với tựa đề “Sự hy sinh thầm lặng lần VI”.

Theo vietnamnet.vn


 

.
.
.