Thứ Hai, 05/02/2024, 09:35 (GMT+7)
.

Không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn

Trong năm 2023, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp trong tỉnh Tiền Giang quan tâm, chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát (KTGS), thi hành kỷ luật Đảng một cách toàn diện, đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt, bảo đảm nguyên tắc, quy trình, quy định; chất lượng các cuộc KTGS được nâng lên. Qua KTGS đã kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót, hạn chế của tổ chức Đảng và đảng viên, góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng.

KHÔNG CÓ VÙNG CẤM

Đồng chí Võ Văn Bình chỉ đạo những nhiệm vụ trọng tâm công tác KTGS của Đảng trong năm 2024.
Đồng chí Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo những nhiệm vụ trọng tâm công tác KTGS của Đảng trong năm 2024.

Công tác KTGS luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; sự phối hợp tích cực của các tổ chức và cơ quan có liên quan, vì vậy trong năm 2023 cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp trong tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện chương trình KTGS đảm bảo theo kế hoạch.

Trong xây dựng chương trình KTGS, cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp quan tâm KTGS đối với tổ chức Đảng và đảng viên trong việc chấp hành Điều lệ Đảng, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trong đó, tăng cường KTGS việc thực hiện Quy chế làm việc sau Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị; thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương; công tác dân vận trong tình hình mới...; đây là những vấn đề được nhân dân quan tâm, những nhiệm vụ cấp bách, lâu dài đối với sự phát triển của địa phương.

Thực hiện nhiệm vụ KTGS theo quy định của Điều lệ Đảng, trong năm 2023, cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra đối với gần 1.500 đảng viên và hơn 1.000 tổ chức Đảng được KTGS. Việc kiểm tra đã kịp thời phát hiện những đảng viên, tổ chức Đảng chưa thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ để uốn nắn, xử lý kịp thời.

Việc KTGS và thi hành kỷ luật đối với đảng viên, tổ chức cơ sở đảng được thực hiện công khai, minh bạch, không có vùng cấm. Kết quả trong năm qua, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 55 đảng viên và 2 tổ chức Đảng; Ủy ban Kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật 82 đảng viên và 2 tổ chức Đảng. 

Nhìn chung, chất lượng, hiệu quả các cuộc KTGS trong năm 2023 có chuyển biển nâng lên, đã kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; công tác giải quyết tố cáo, khiếu nại được tập trung đúng mức; nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài, dư luận quan tâm được xem xét, kết luận, xử lý đúng quy định, mang lại kết quả thiết thực, tạo hiệu ứng tích cực trong việc đôn đốc, nhắc nhở các tổ chức Đảng, đảng viên thực hiện nhiệm vụ được giao.

8 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2024

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác KTGS của Đảng năm 2023, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Văn Bình cho rằng: “Bước vào giai đoạn phát triển mới, đất nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, 4 nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra từ nhiệm kỳ Đại hội VII vẫn hiện hữu, có mặt còn gay gắt hơn.

Năm 2024, tình hình trong nước và quốc tế dự kiến có nhiều diễn biến, thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường, tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, những hạn chế, khuyết điểm, vi phạm của tổ chức Đảng và đảng viên có nguy cơ gia tăng về số lượng, phức tạp, nghiêm trọng hơn về mức độ, tính chất, quy mô và tinh vi hơn trong cách vi phạm”.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác KTGS trong năm 2024 và các năm tiếp theo, đồng chí Võ Văn Bình yêu cầu cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp cần nghiên cứu, cụ thể hóa các nhiệm vụ trong báo cáo và Chương trình KTGS năm 2024 của Tỉnh ủy. Trong đó, đồng chí lưu ý 8 nhiệm vụ cơ bản cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm. Đó là:

Thứ nhất là, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác KTGS của Đảng; tăng cường tuyên truyền, phổ biến công tác KTGS của Đảng đến các tổ chức Đảng và đảng viên của cấp mình, để mỗi cán bộ, đảng viên thật sự thông suốt các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ của công tác KTGS; tạo sự chuyển biến sâu về nhận thức, về ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, của Ủy ban Kiểm tra các cấp trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình KTGS và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao nhất với phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, không chịu sự tác động không đúng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Trầm, Ủy viên Ban Thường  vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy trao Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho các tập thể thực hiện
Đồng chí Nguyễn Ngọc Trầm, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Tiền Giang trao Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho các tập thể thực hiện tốt công tác KTGS năm 2023.

Thứ hai là, trong tổ chức thực hiện công tác KTGS và thi hành kỷ luật của Đảng phải có sự nhất quán, đúng với Điều lệ Đảng, đúng với các hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy; phải có sự phối hợp tốt hơn giữa Ủy ban Kiểm tra với các tổ chức Đảng và các ban, ngành có liên quan, giữa cấp trên và cấp dưới, thực hiện đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với kỷ luật về mặt chính quyền.

Việc đánh giá, nhìn nhận về các sai phạm cũng cần phải đặt trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể để có quan điểm xử lý khách quan, phù hợp, phải đúng người, đúng việc, phải minh bạch; phải làm cho mọi người thấy rõ việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên sai phạm không làm “chậm lại sự phát triển, mà ngược lại, càng làm trong sạch bộ máy, tạo sức mạnh thật sự, tạo sự thống nhất cao và hành động của cán bộ, đảng viên và của nhân dân.

Thứ ba là, phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho từng cán bộ, đảng viên về vai trò của công tác KTGS, kỷ luật của Đảng và xem đây là giải pháp quan trọng có ý nghĩa hàng đầu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác KTGS, kỷ luật của Đảng. Lựa chọn đúng đối tượng, đúng nội dung KTGS và phải tập trung vào những vấn đề trọng điểm, dễ phát sinh sai phạm; kiên quyết xử lý những tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên cố tình vi phạm, vi phạm nhiều lần hoặc không thành khẩn nhận khuyết điểm khi sai phạm.

Thứ tư là, công tác KTGS phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ; trong đó, lấy cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn là chính. Phải giữ vững các nguyên tắc của Đảng, trong xử lý coi trọng chứng cứ, không suy diễn, không áp đặt, không thành kiến, thực hiện đúng phương châm “chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả”. Kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống; xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài; chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.

Thứ năm là, tăng cường việc quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là giám sát chuyên đề để kịp thời phát hiện, phòng ngừa từ sớm, từ xa, chấn chỉnh những vi phạm với phương châm “không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn”, chống tư tưởng quyền anh, quyền tôi như đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ ra. Phải chủ động nắm bắt thông tin để tiến hành kiểm tra ngay khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức Đảng và đảng viên. Sau mỗi cuộc KTGS, yêu cầu cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp cần chú trọng thực hiện công tác phúc tra các thông báo kết luận kiểm tra, kết quả giảm sát theo quy định.

Thứ sáu là, triển khai thực hiện Quy định 137 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương. Tập trung hơn nữa đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, nâng cao năng lực và phẩm chất của cán bộ Ủy ban Kiểm tra các cấp, đảm bảo đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, gương mẫu, liêm chính, năng lực chuyên môn, phương pháp làm việc chặc chẽ, phân tích đánh giá sự việc toàn diện để thực hiện tốt nhiệm vụ theo Điều lệ Đảng.

Thứ bảy là, tiếp tục phát huy vai trò thành viên của Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo Quy định 67 ngày 2-6-2022 của Bộ Chính trị, vai trò của bộ phận giúp việc về công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của cấp huyện, theo nhiệm vụ được phân công.

Thứ tám là, tăng cường KTGS, kiểm soát để đảm bảo quyền lực được vận hành công khai, minh bạch, đúng đắn, không bị “tha hóa”; phân công, phân cấp thì phải gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm; thực hiện nghiêm việc xử lý, điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền để trục lợi, vi phạm Điều lệ Đảng và pháp luật Nhà nước…

THỦY HÀ

.
.
.