Những thông điệp đầu năm khẳng định tâm thế tăng trưởng kinh tế mới
Nhiều thông điệp quan trọng về định hướng phát triển và điều hành kinh tế đã được khẳng định ngay dịp đầu năm mới, báo hiệu một tâm thế mới cho năm 2024.
Trong lời chúc Tết Giáp Thìn 2024, những định hướng phát triển quan trọng về kinh tế xã hội đã được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh. Theo đó, ông đặc biệt lưu ý cần “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và những giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam, đề cao phẩm giá, trí tuệ và khai mở sức sáng tạo trong mỗi cá nhân, giải phóng các tiềm năng, khơi thông các nguồn lực, sẽ tạo nên sức mạnh nội sinh to lớn, để dân tộc ta vững bước tiến lên đạt được nhiều thành tựu cao hơn nữa”.
Những thông điệp nêu trên của Chủ tịch nước tuy ngắn gọn song rất sâu sắc. Đặc biệt, người đứng đầu Nhà nước đã nhấn mạnh yêu cầu khai mở sức sáng tạo trong mỗi cá nhân, giải phóng các tiềm năng, khơi thông các nguồn lực, để từ đó khơi dậy các nội lực để tăng trưởng và phát triển.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chúc Tết Giáp Thìn 2024. Ảnh: TTXVN |
Trong vai trò người đứng đầu Chính phủ, với tư tưởng chỉ đạo của năm 2024 là "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh thông điệp “Chỉ bàn làm, không bàn lùi”, nhất là với các công trình trọng điểm của đất nước trong năm 2024 như Dự án đường dây 500kV mạch 3, dự án sân bay Long Thành.
Mới nhất là tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/2/2024, Thủ tướng đặt ra yêu cầu tập trung ngay vào xử lý công việc, không để chậm trễ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động kinh tế - xã hội, nhất là đối với các công việc bị tồn đọng do nghỉ Tết. Đồng thời có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, giải quyết tháo gỡ dứt điểm gắn với tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhất là đối với những nội dung, vấn đề còn vướng mắc, phức tạp, tồn đọng kéo dài, những vấn đề phát sinh...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP |
Lan toả tinh thần từ những thông điệp của lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước, một nét mới năm nay là ngay từ dịp đầu năm, nhiều vị Bộ trưởng, tư lệnh ngành đã nhấn mạnh rõ các định hướng trọng tâm trong quản lý điều hành cùng các công việc cụ thể, đồng thời từ các thông điệp được đưa ra khẳng định trách nhiệm trước cử tri, nhân dân cả nước để cùng tạo sự chung tay, chia sẻ và đồng thuận.
Điểm chung của các thông điệp từ các thành viên của Chính phủ là đều nhấn mạnh đặt yêu cầu rất cao cho công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc ngành mình, lĩnh vực mình quản lý, khắc phục căn bệnh nợ đọng, chồng chéo cũng như văn bản điều hành đi chậm hơn cuộc sống. Đồng thời đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Với ngành Nội vụ, theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, ưu tiên toàn diện và tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực Nội vụ, trọng tâm vào đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả về tổ chức bộ máy, biên chế; công vụ, công chức; xây dựng chính quyền địa phương, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chính quyền cấp xã và đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, cơ bản hoàn thiện mô hình chế độ công vụ theo vị trí việc làm là hai trong số các công việc trọng tâm hàng đầu của ngành để từ đó đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng phải xác định đầu tư công là ưu tiên hàng đầu trong năm 2024 để nhất quán trong công tác điều hành. “Tiếp đến, giải pháp mang tính chất căn cơ cần thực hiện là rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động các dự án đầu tư công. Trước hết là sửa ngay các bất cập đã phát hiện trong thời gian qua nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: VGP |
Là bộ kinh tế đa ngành, thông điệp mạnh mẽ của ngành Công Thương trong năm 2024 được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu bật là “Kế thừa, đổi mới để tiếp tục vươn tới đỉnh cao”. Nhấn mạnh mặc dù chưa đạt được đầy đủ các mục tiêu phấn đấu đã đề ra nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, trong bối cảnh cụ thể của đất nước, của ngành và so sánh với những quốc gia trong khu vực và trên thế giới thì đó là những kết quả rất đáng tự hào.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ, tháng đầu tiên năm 2024 của ngành Công Thương đã ghi nhận những bước chuyển tích cực. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng 18,3%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 19,3%. Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục đạt kỷ lục với bước tăng trưởng 37,7%, trong đó xuất khẩu tăng 42% và nhập khẩu tăng 33,3% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất nhập khẩu kỷ lục với con số 66,22 tỷ USD và xuất siêu 2,92 tỷ USD. Cùng với đó, thị trường trong nước ổn định, cung cầu hàng hóa được bảo đảm, kinh tế vĩ mô nhìn chung là ổn định.
Từ những thực tiễn trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ năm 2024, ngành Công Thương vừa phải phấn đấu đạt được mục tiêu mà Đảng và Nhà nước giao, vừa phải khắc phục được những hạn chế yếu kém đã được chỉ ra bởi các cơ quan chức năng. Vì vậy, năm 2024 sẽ tiếp tục là năm có nhiều khó khăn đối với ngành, song lãnh đạo Bộ tin tưởng và mong muốn lãnh đạo chủ chốt của các đơn vị thuộc Bộ cùng toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang trong hơn 70 năm xây dựng và phát triển, cùng đoàn kết, thống nhất nỗ lực vượt bậc để tiếp tục giành được những đỉnh cao trong năm mới.
Với ngành Xây dựng, một định hướng được dồn sức thực hiện trong năm vừa qua là tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng để tăng cường công tác quản lý Nhà nước đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, phân cấp mạnh cho địa phương. Nỗ lực này theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị sẽ được đẩy cao hơn trong năm 2024.
Yêu cầu được người đứng đầu ngành Xây dựng đặt ra là với việc đẩy cao những nội dung trên trong năm 2024 thì khối lượng công việc nhiều, thời gian gấp, đòi hỏi chất lượng cao thì “hơn ai hết từng thủ trưởng đơn vị được giao phụ trách phải tiếp tục nâng cao, phát huy tinh thần trách nhiệm từng cá nhân của mình hoàn thành tốt nhiệm được giao”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.
Tăng trưởng kinh tế đi đôi với chuyển đổi số cũng là một yêu cầu bức thiết trong bối cảnh hiện nay. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh một nhận thức mới là hướng dẫn theo kiểu "cầm tay chỉ việc" là quan trọng. Ở đây, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các đơn vị của Bộ phải lập kế hoạch hằng năm để có hướng dẫn, chỉ ra cho các Sở cần làm gì và làm như thế nào với lĩnh vực quản lý của mình, tập trung vào những việc rất cơ bản.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đưa ra chỉ đạo, yêu cầu bắt buộc với các đơn vị trong Bộ là bất cứ văn bản nào được ban hành, đều phải có một bản hướng dẫn thực hiện kèm theo. Bên cạnh đó, trưởng các đơn vị phụ trách từng lĩnh vực cũng cần suy nghĩ để chỉ ra cho địa phương một, hai việc cơ bản và hướng dẫn cụ thể, dễ hiểu về cách làm.
Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đưa ra một thông điệp đáng chú ý là phấn đấu trong hai năm 2024 - 2025 xoá toàn bộ 400 nghìn căn nhà tạm, nhà dột nát bằng các cơ chế khác nhau với sự phối hợp của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp và địa phương. Đi cùng đó, toàn bộ hệ thống ngành tập trung cao nhất cho việc triển khai Nghị quyết 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội và tập trung cao độ nhất cho thể chế, kiên quyết không để tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản.
Phát triển công nghiệp văn hoá là một thông điệp quan trọng được Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đưa ra. Theo đó trong năm 2024, ngành sẽ tập trung tham mưu để có các văn bản pháp luật trong phát triển công nghiệp văn hoá, bởi hầu như hiện nay vấn đề này mới chỉ xuất hiện trong các văn kiện của Đảng. Bởi theo Bộ trưởng, việc thiết lập hệ thống văn bản này không chỉ là quản lý mà còn hướng tới việc kiến tạo. Để phát triển công nghiệp văn hoá bên cạnh vai trò nguồn lực của Nhà nước giữ vai trò chi phối còn là huy động được các nguồn lực xã hội. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng mô hình “đầu tư công, quản trị tư” là mô hình có thể khai thác được.
Với ngành Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh việc năm 2024 sẽ là năm triển khai các Nghị quyết, Chương trình giáo dục phổ thông 2018, xây dựng triển khai thực hiện chính sách tiền lương mới, đẩy mạnh thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo…
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh. Ảnh: VGP |
Với ngành Tài nguyên và Môi trường, thông điệp tập trung xây dựng thể chế pháp luật cũng được Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đặt ra cho ngành. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, tập trung hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện các quy hoạch quốc gia, các quy hoạch ngành, lĩnh vực tài nguyên và môi trường bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước của Ngành.
“Hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương về việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, công tác chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa phục vụ các dự án đầu tư xây dựng, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh lưu ý.
Cũng nhân dịp Tết Giáp Thìn, lãnh đạo nhiều bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan trực thuộc Chính phủ đã đưa ra nhiều thông điệp quan trọng cũng như các giải pháp thực tiễn để phấn đấu hiện thực hoá ở mức cao nhất các mục tiêu trong năm tăng trưởng 2024, để năm Giáp Thìn 2024 thực sự là một năm bứt phá trong tăng trưởng, tạo cơ sở, tiền đề thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Theo Báo điện tử Công Thương