Chủ Nhật, 24/03/2024, 19:48 (GMT+7)
.

Tiền Giang cần khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh

(ABO) Chiều 24-3, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có buổi làm việc với tỉnh Tiền Giang. Cùng tham dự, có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Về phía tỉnh Tiền Giang có các đồng chí: Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang; Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh.

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị 3 năm 2021 - 2023, đồng chí Võ Văn Bình cho biết, về sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức Đảng, đến nay, tỉnh giảm 3 đầu mối cấp tỉnh; giảm 73 đầu mối cấp phòng; giảm 106 đơn vị là chi cục, các trạm chuyên ngành, trung tâm dịch vụ tỉnh, huyện; giảm 137 đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp huyện, giảm 1.591 biên chế…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Về tăng trưởng kinh tế, bình quân 3 năm (2021 - 2023) tăng 3,9%/năm. Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt 123 ngàn tỷ đồng, chiếm 9,7% cơ cấu GRDP của 13 tỉnh, thành trong vùng (đứng thứ 3/13).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng phi nông nghiệp và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. GRDP bình quân đầu người tăng nhanh, từ 55,8 triệu đồng/người năm 2020, tăng lên 69 triệu đồng năm 2023 (tăng 23,6%).

Đồng chí Nguyễn Văn Danh phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Giá trị ngành nông, ngư nghiệp của tỉnh cao nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Toàn tỉnh hiện có 142/142 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); trong đó, có 55/142 xã NTM nâng cao, 4 xã NTM kiểu mẫu; 6/8 huyện đạt chuẩn huyện NTM và 3/3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Đồng chí Võ Văn Bình báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị 3 năm 2021-2023 và một số nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2025.
Đồng chí Võ Văn Bình báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị 3 năm 2021 - 2023 và một số nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2025.

Năm 2023, các ngành sản xuất công nghiệp đã ổn định trở lại; giá trị tăng thêm ngành Công nghiệp năm 2023 tăng 5,1%. Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động ổn định, với tổng diện tích 816,5 ha.

Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu tại buổi làm việc.

Các KCN thu hút 109 dự án (81 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư 2,5 tỷ USD và 4,56 ngàn tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt 71%. Tỉnh có 4 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút 68 dự án (6 dự án FDI) tỷ lệ lấp đầy đạt 63%.

Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ xã hội năm 2023 đạt 82 ngàn tỷ đồng, tăng 19,5 ngàn tỷ so với năm 2021.

Kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh qua các năm, giai đoạn 2021 - 2023 đạt 12,2 tỷ USD; trong đó, năm 2023 đạt 5,4 tỷ USD, đứng thứ 2/13 tỉnh, thành ĐBSCL, vượt chỉ tiêu nghị quyết nhiệm kỳ đề ra.

Thu hút khách du lịch có bước phục hồi trở lại. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao so giai đoạn trước. Quy mô doanh nghiệp thành lập mới ngày càng tăng. Toàn tỉnh có 6.012 doanh nghiệp đang hoạt động.

Đồng chí Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại buổi làm việc.

Tổng vốn huy động đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2023 đạt 125,8 ngàn tỷ đồng. Hằng năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch. Giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh thu hút được 43 dự án đầu tư (có 17 dự án vốn đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 13,5 ngàn tỷ đồng.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2023 thực hiện 29.744 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng được kiểm soát, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả. Tỷ lệ hộ dân nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh năm 2023 đạt 100%.

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, chất lượng dạy và học được đảm bảo, ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh năm 2023 đạt 54%. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng cao. Tỉnh đã thực hiện đồng bộ các chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề lao động nông thôn. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 0,97% .

Cũng tại buổi làm việc, tỉnh Tiền Giang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm cho chủ trương để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chuyển giao Dự án KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp về tỉnh quản lý.

Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.
Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.

Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét điều chỉnh tăng chỉ tiêu đất KCN cho tỉnh; kiến nghị bổ sung 1.797 tỷ đồng còn lại theo kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 từ nguồn ngân sách Trung ương; hỗ trợ vốn đầu tư các công trình xử lý sạt lở…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Tiền Giang trong các năm qua. Đồng thời, thông tin, giải đáp cũng như ủng hộ các kiến nghị của Tiền Giang.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, Tiền Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển.

Thủ tướng biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang trong năm 2023 và những năm qua.

Điều này đã đóng góp chung vào sự phát triển vùng ĐBSCL cũng như cả nước. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế trong phát triển của tỉnh Tiền Giang.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung thực hiện càng sớm càng tốt dự án xử lý, khắc phục hậu quả sụp lún, sạt lở, khô, hạn và ngập mặn tại ĐBSCL.

Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.
Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.

Trong đó, cần đánh giá chính xác tình hình, các số liệu. Trên cơ sở đó xác định mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ giải pháp để có bài toán giải quyết tổng thể tác động của biến đổi khí hậu tại ĐBSCL (trong đó có Tiền Giang) và sớm trình Chính phủ.

Về định hướng tới, Tiền Giang cần rà soát lại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Nội dung nào chưa thực hiện được thì phải có giải pháp, còn thực hiện được thì rút ra bài học kinh nghiệm. Tỉnh cần phát triển nhanh, bền vững hơn dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; tập trung vào những động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh kinh tế tuần hoàn…

Đồng thời, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của tỉnh; luôn luôn nỗ lực phát huy tinh thần tự lực, tự cường, biến nguy thành cơ, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể.

Tiền Giang cần chú trọng đảm bảo sự hài hòa trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng; lấy con người làm trung tâm, chủ thể, không hy sinh tiến bộ công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chụp hình lưu niệm cùng lãnh đạo tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo tỉnh.

Tỉnh cần tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh; thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo.

Đồng thời, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới; tăng cường giám sát, kiểm tra; xây dựng hệ thống nhà nước vì nhân dân phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, đừng gây phiền hà, ách tắc…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Tiền Giang cần ban hành sớm kế hoạch tổ chức thực hiện Quy hoạch tỉnh hiệu quả và phổ biến cho nhân dân. Bên cạnh đó, tỉnh cần tập trung phát triển hạ tầng xã hội, giáo dục, du lịch, y tế có trọng tâm, trọng điểm và kết nối.

Song song đó, tỉnh cần tập trung xây dựng và phát huy các vùng động lực; huy động nguồn lực, tư duy phải đổi mới và gắn với thực tiễn; chú trọng phát triển lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tỉnh phải coi trọng công tác xây dựng Đảng, phát huy vai trò của hệ thống chính trị, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, giảm biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng và đảng viên; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng (thời gian qua, Tiền Giang đã làm tốt công tác này).

Về kiến nghị liên quan, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và sẽ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp giải quyết.

Liên quan đến kiến nghị về KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm tổ trưởng triệu tập với các bộ, ngành và đơn vị liên quan cùng tỉnh Tiền Giang giải quyết dứt điểm trong quý II-2024.

Về kiến nghị đầu tư tuyến đê giảm sóng xa bờ dài 6,8 km với kinh phí 336 tỷ đồng, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sử dụng ngân sách dự phòng Trung ương năm 2024 để đầu tư…

M. THÀNH - V. THẢO

.
.
.