Huyện Cai Lậy: Thực hiện tốt công tác chăm lo cho người có công
Huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, là nơi gánh chịu nhiều mất mát trong chiến tranh nên số lượng người có công (NCC) khá lớn. Với lòng biết ơn sâu sắc đối với NCC, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tích cực thực hiện các hoạt động chăm lo cho NCC. Từ đó, đã kịp thời động viên, tạo điều kiện cho NCC và người thân của họ từng bước vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình.
CHĂM LO CHO NCC LÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
Ở tuổi gần 90, sức khỏe Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thành, xã Cẩm Sơn vẫn còn khá minh mẫn. Chúng tôi đến thăm Mẹ vào những ngày tháng 4 lịch sử, Mẹ rất vui, cười nói nhiều hơn thường lệ. Mẹ Thành có 8 người con, chiến tranh đã cướp mất người chồng và người con trai đầu của mẹ.
Thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thành, xã Cẩm Sơn có chồng và con hy sinh trong kháng chiến. |
Trong những năm tháng kháng chiến, Mẹ vừa chăm lo chuyện gia đình, vừa tiếp tế cho cách mạng, che chở bộ đội mỗi khi có những trận càn quét của quân thù.
Chồng mẹ là ông Lê Văn Xuân, hy sinh năm 1972; còn người con trai lớn hy sinh năm 1981 tại chiến trường Canpuchia khi mới tròn 19 tuổi. Anh Mười, con trai út đang chăm sóc mẹ bộc bạch: “Đơn vị nhận phụng dưỡng và địa phương hay thăm hỏi, tặng quà, trò chuyện với mẹ tôi và gia đình; thấy gia đình có khó khăn gì đều có sự giúp đỡ phù hợp. Sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, huyện Cai Lậy và địa phương, gia đình tôi đều cảm nhận rất rõ”.
Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn Trần Văn Chín cho biết: Toàn xã có khoảng 700 gia đình NCC với cách mạng; 296 gia đình liệt sĩ; 460 liệt sĩ, 57 thương bệnh binh. Hiện trên địa bàn xã có 172 người đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Các hoạt động chăm lo, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các gia đình NCC luôn được quan tâm, đó là sự tri ân với những cống hiến, hy sinh của các gia đình NCC. Xã Cẩm Sơn có 74 Mẹ Việt Nam Anh hùng, hiện còn sống 3 Mẹ.
Với những hy sinh, cống hiến và đóng góp to lớn của các gia đình chính sách, NCC, các bà, các mẹ, các anh, các chú, cả trong thời chiến và thời bình, thế hệ hôm nay luôn cố gắng bù đắp để các gia đình có cuộc sống tốt hơn.
Huyện ủy luôn chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, các hội, đoàn thể xem đây là công tác trọng tâm, thể hiện sự tri ân, tấm lòng của những người sống trong hòa bình, độc lập đối với thế hệ cha ông đi trước. Không riêng gì xã Cẩm Sơn, 15 xã, thị trấn còn lại của huyện Cai Lậy đều quan tâm đặc biệt đến công tác này. Các hoạt động chăm lo cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách, NCC luôn thiết thực, cụ thể, tận tâm.
NHIỀU HOẠT ĐỘNG TRI ÂN
Xác định công tác chăm lo cho gia đình chính sách, NCC với cách mạng là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội, thời gian qua, huyện Cai Lậy đã triển khai nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NCC; đồng thời, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Hằng năm Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội đều tổ chức cho gia đình chính sách, NCC tham quan du lịch các di tích lịch sử. |
Toàn huyện Cai Lậy có 2.089 người thuộc gia đình chính sách, NCC với cách mạng. Trong đó có 104 người bị bắt tù đày; 18/752 Mẹ Việt Nam Anh hùng; 177 người bị nhiễm chất độc hóa học; 702 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; 107 NCC cách mạng....
Các Mẹ Việt Nam Anh hùng đều được các sở, ban, ngành tỉnh, cơ quan, tổ chức, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời. Ngoài việc hỗ trợ kinh phí hằng tháng, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương còn đến thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ đột xuất khi các Mẹ gặp khó khăn, đau ốm...
Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết: Trong năm 2023, huyện đã thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên cho các đối tượng chính sách, NCC là 2.149 lượt người, với kinh phí trên 52 tỷ đồng.
Ngoài ra, huyện cũng tổ chức thăm, tặng quà trong dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), Tết Nguyên đán cho các đối tượng NCC, gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…; tổ chức các chuyến tham quan, trở lại chiến trường xưa và chăm sóc sức khỏe định kỳ cho các đối tượng chính sách.
Bên cạnh đó, huyện luôn chỉ đạo giải quyết kịp thời và đúng quy định các hồ sơ thương binh, liệt sĩ, NCC; kiểm tra công tác cấp phát, chi trả trợ cấp thường xuyên và cấp phát 1 lần; rà soát và lập danh sách cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho gia đình chính sách, NCC với cách mạng và thân nhân NCC.
Song song đó, huyện thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ ưu đãi đối với NCC với cách mạng và thân nhân người có công theo quy định hiện hành; thực hiện nghiêm việc kiểm tra thực hiện chính sách của các đơn vị, địa phương trên địa bàn.
Ngoài việc triển khai thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn huyện Cai Lậy đã phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC với cách mạng, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên.
Bên cạnh đó, điểm nhấn trong công tác chăm lo gia đình chính sách, NCC là vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” gần 1 tỷ đồng, đạt 107,7% so với chỉ tiêu; sửa chữa và bàn giao 7 căn nhà tình nghĩa.
Nhiều tổ chức đoàn thể đã vận động đoàn viên, hội viên nhận chăm sóc thường xuyên các công trình ghi công liệt sĩ. Các phong trào đó đã được các tổ chức, cán bộ, công chức và quần chúng nhân dân hưởng ứng tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo được sự lan tỏa rộng rãi trong toàn huyện.
Đến nay đã có trên 60% hộ chính sách trong huyện có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú, đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng chính sách ngày càng được cải thiện.
Các khẩu hiệu tuyên truyền trực quan: “Đảng bộ và nhân dân huyện Cai Lậy luôn nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”; “Làm tốt công tác Thương binh - Liệt sĩ là trách nhiệm của mỗi cấp ủy, chính quyền, mỗi tổ chức và cá nhân”… như nhắc nhở thế hệ hôm nay về đạo lý và trách nhiệm đối với người có công với cách mạng.
Song song đó, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng truyền thống cách mạng; đẩy mạnh xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa; khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để thương binh, bệnh binh, gia đình NCC với cách mạng phát triển kinh tế, gương mẫu trong học tập, lao động, sản xuất, xứng đáng là công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu.
Mỗi căn nhà, mỗi phần quà, mỗi nghĩa cử quan tâm, chăm lo tuy không thể bù đắp được những mất mát, hy sinh của các gia đình chính sách, NCC nhưng cũng phần nào xoa dịu nỗi đau do chiến tranh gây ra, qua đó thể hiện sự tri ân với những cống hiến, hy sinh của lớp người đi trước và giáo dục lòng tự hào về truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay.
LÊ PHƯƠNG