Thứ Hai, 01/04/2024, 09:21 (GMT+7)
.
KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ NGUYỄN LƯƠNG BẰNG (2-4-1904 - 2-4-2024)

Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lịch sử cách mạng của Đảng, dân tộc ta ghi nhận những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Lương Bằng - một biểu tượng của sự mẫu mực, sự sáng trong của tình đồng chí anh em. Với 75 năm tuổi đời, với hơn nửa thế kỷ phấn đấu cho độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội dưới ngọn cờ của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng là tấm gương sáng của một nhà lãnh đạo hết lòng vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, bí danh: Sao Đỏ, Hai Nam, Triệu Vân…, thường được các đồng chí cùng thời gọi là Anh Cả. Đồng chí sinh ngày 2-4-1904 tại thôn Đông, xã Đoàn Lâm, tổng Đoàn Lâm, huyện Thanh Miện, nay là xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.

NGƯỜI CỘNG SẢN KIÊN CƯỜNG

Trên hành trình vừa lao động kiếm sống và tự học văn hóa, vừa tìm con đường đấu tranh yêu nước, năm 1925, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Ngay sau khi hoàn thành khóa huấn luyện ở Quảng Châu, đồng chí xung phong về nước hoạt động để thiết lập hệ thống liên lạc giữa trong nước với nước ngoài, xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán, gây dựng các cơ sở, tổ chức cách mạng cả trong và ngoài nước. Tháng 10-1929, tại Hồng Kông, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng và là một trong những đảng viên cộng sản thế hệ đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng ngồi bên tay phải Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm, chúc tết nhân dân xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây năm 1969, tức Mùng 1 Tết Kỷ Dậu (ảnh tư liệu).
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng ngồi bên tay phải Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm, chúc tết nhân dân xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây năm 1969, tức Mùng 1 Tết Kỷ Dậu (ảnh tư liệu).

Tháng 5-1931, mật thám Pháp ở Thượng Hải bắt được đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Chúng đã dùng cực hình tra tấn nhưng không khai thác được điều gì. Do vậy, chúng dẫn giải đồng chí về Sài Gòn, giam một thời gian, rồi đưa ra Hà Nội giam tại Nhà tù Hỏa Lò. Năm 1932, thực dân Pháp áp giải đồng chí về Hải Dương để xét xử. Tòa án thực dân kết án đồng chí chung thân và đưa về giam tại Nhà tù Hỏa Lò. Không chịu lùi bước trước quân thù, đồng chí đề ra kế hoạch vượt ngục để tiếp tục hoạt động. Đêm Noel năm 1932, tại Nhà thương Phủ Doãn, đồng chí Nguyễn Lương Bằng và một số đồng chí khác đã vượt ngục thành công.

Thoát khỏi lao tù nhưng mất liên lạc với tổ chức Đảng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng trở về Hải Dương để xây dựng cơ sở cách mạng. Tại Ấp Dọn, xã Thái Dương, huyện Bình Giang đồng chí đã xuất bản tờ báo Công Nông để kêu gọi, thức tỉnh lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và động viên quần chúng nhân dân giữ vững niềm tin với Đảng. Giữa năm 1933, khi đi công tác lên Bắc Giang, đồng chí Nguyễn Lương Bằng lại bị địch bắt. Tòa án Bắc Giang kết án khổ sai chung thân và đưa về giam tại Nhà tù Hỏa Lò và sau đó là Nhà tù Sơn La.

Nhận xét về đồng chí Nguyễn Lương Bằng, đồng chí Hoàng Quốc Việt - lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và Cách mạng Việt Nam từng viết: “Anh Cả là một con người hành động. Anh viết ít, nói ít nhưng làm nhiều. Bằng việc làm cụ thể, anh cuốn hút, giáo dục đồng chí mình làm theo. Trong suốt cuộc đời hoạt động cao đẹp, Anh Cả đã nêu một tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về đạo đức cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư”.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười cũng khẳng định: “Thuộc lớp người chiến sĩ cách mạng đầu tiên, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được nhiều người biết đến với bí danh Sao Đỏ, thường gọi Anh Cả. Anh là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước kiên trung bất khuất trước kẻ thù, một người cộng sản mẫu mực về đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

Trải qua 3 lần bị thực dân đế quốc bắt tù, đồng chí Nguyễn Lương Bằng luôn là người đi đầu trong các cuộc đấu tranh chống lại bọn cai ngục, nêu cao khí phách hiên ngang, bất khuất trước quân thù. Cuối năm 1943, đồng chí được chi bộ Đảng nhà tù chỉ định vượt ngục, trở về tham gia hoạt động cách mạng.

Tháng 8-1945, tại Đại hội Quốc dân Tân Trào, đồng chí Nguyễn Lương Bằng là 1 trong 5 người được bầu vào Ban Thường trực của Ủy ban Dân tộc giải phóng. Cách mạng Tháng Tám thành công ở Hà Nội, đồng chí được cử là đại diện của Tổng bộ Việt Minh vào Huế tiếp nhận thoái vị của Vua Bảo Đại, chấm dứt chế độ phong kiến hàng ngàn năm ở Việt Nam. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, đồng chí đã thay mặt Tổng bộ Việt Minh đọc lời kêu gọi toàn dân ủng hộ Chính phủ xây dựng nước Việt Nam mới.

TẤM GƯƠNG LIÊM KHIẾT

Cái tên Anh Cả mà nhiều người thường gọi chính là sự tôn vinh những phẩm chất mẫu mực, trong sáng nghĩa tình của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng. Ngày 16-8-1945, Quốc dân Đại hội Tân Trào, tiền thân của Quốc hội Việt Nam được triệu tập tại Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang). Đây là sự kiện trọng đại trong lịch sử cách mạng nước ta. Sau đó, Đại hội đã bầu Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam do lãnh tụ Hồ Chí Minh đứng đầu với 15 thành viên. Ủy ban làm việc như Chính phủ lâm thời. Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng là 2 trong 5 thành viên Ban Thường trực của Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám thành công, trở về Hà Nội, trước khi Chính phủ lâm thời ra mắt đồng bào Thủ đô, với tinh thần vì đoàn kết dân tộc, đồng chí Nguyễn Lương Bằng tự xin rút khỏi Ban Thường trực Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam để nhường chỗ cho các nhân sĩ, trí thức yêu nước ở ngoài Việt Minh tham gia Chính phủ lâm thời.

Sinh thời khi nhắc đến việc này, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã nói: “Chính Bác nhắc chúng ta làm cách mạng giải phóng dân tộc là chỉ biết đem sức lực phục vụ nhân dân chứ không phải khi cách mạng thành công mà ta lại chiếm hết các cương vị trong Chính phủ, nên để cho người khác”. Đánh giá về hành động tự xin rút, nhường ghế trong Chính phủ lâm thời của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân. Đó là một cử chỉ đáng khen, đáng kính mà chúng ta phải học”.

Khi làm tài chính cho Đảng, vì quỹ Đảng khó khăn, nên lúc nào đồng chí Nguyễn Lương Bằng cũng phải tính toán cẩn thận từng xu và quản lý rất minh bạch. Là người quản lý quỹ của Đảng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng luôn đề cao kỷ luật tài chính, chi tiêu tiết kiệm, tính toán để đạt hiệu quả cao nhất. Cố Tổng Bí thư Trường Chinh từng nói: “Trong thời gian phụ trách công tác tài chính của Đảng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã thể hiện đức tính liêm khiết tuyệt đối, rất minh bạch trong hoạt động tài chính, do vậy, Đảng rất yên tâm khi giao đồng chí phụ trách tài chính”.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí đã được Ðảng tin tưởng, giao nắm giữ nhiều trọng trách như: Trưởng Ban Kinh tế - Tài chính Trung ương, Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô, Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương, Tổng Thanh tra Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ, Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Với những công lao to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng mất ngày 20-7-1979, tại Hà Nội, thọ 75 tuổi.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.