Thứ Tư, 24/04/2024, 10:08 (GMT+7)
.
TIẾN TỚI KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30-4-1975 - 30-4-2024)

Đổi thay ở xã anh hùng Bình Xuân

Trong không khí sôi động của những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi về thăm xã anh hùng Bình Xuân (TX. Gò Công). Xã Bình Xuân được biết đến là một trong những cái nôi của cách mạng, là căn cứ của Tỉnh ủy Gò Công khi xưa (nay là tỉnh Tiền Giang). Nơi đây đã ghi dấu nhiều chiến công vẻ vang của quân và dân trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ; để rồi ngày 22-6-1994, Bình Xuân vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. 49 năm sau Ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, vùng đất anh hùng ngày càng “thay da, đổi thịt”.

ANH HÙNG TRONG KHÁNG CHIẾN

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bình Xuân là căn cứ cách mạng vững chắc; nhân dân một lòng theo Đảng, không sợ gian khổ, hy sinh; che chở, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng. Theo Địa chí tỉnh Tiền Giang, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Tỉnh ủy Gò Công quyết định chọn Bình Xuân làm căn cứ địa cách mạng; bởi ở đây có nhiều kinh rạch địch khó phát hiện, nhân dân có truyền thống cách mạng, việc chỉ đạo và liên lạc với các căn cứ khác rất thuận tiện.

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Văn Nhã thăm, tặng quà gia đình chính sách tại xã Bình Xuân.
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Văn Nhã thăm, tặng quà gia đình chính sách tại xã Bình Xuân.

Năm 1967, Mỹ - ngụy thực hiện ý đồ “quét để giữ”, chúng ruồng bố, đánh phá rất ác liệt và quyết biến Gò Công thành vùng “bình định trắng”. Tỉnh ủy đã lãnh đạo quân và dân Gò Công đập tan ý đồ bình định của địch, góp phần vào thắng lợi của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Theo lời kể của các cụ cao niên, chính sự đóng góp quý báu về sức người, sức của của Đảng bộ và nhân dân Bình Xuân đã góp phần vào chiến thắng vẻ vang của lịch sử nước ta trong 21 năm đấu tranh anh dũng chống Mỹ xâm lược.

Ta đã tổ chức phục kích, tập kích, chống càn, đánh bức rút trên 300 trận, loại khỏi vòng chiến đấu trên 1.200 tên giặc, diệt hàng chục tên ác ôn khét tiếng, thu nhiều vũ khí, đạn dược, làm thất bại ý đồ bình định của địch, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.

Không chỉ quan tâm làm đẹp các tuyến đường, người dân nơi đây còn chú trọng bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động thu gom, phân loại, xử lý rác thải trong sinh hoạt hằng ngày cũng như chai lọ, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

Trước đây, các loại rác thải phát sinh hầu hết người dân đều vứt xuống kinh rạch hay gom lại đốt phía sau nhà, nhưng nay, nhờ tham gia các lớp tập huấn về bảo vệ môi trường, người dân không những phân loại từng loại rác thải, mà còn tận dụng rác thải ủ làm phân hữu cơ bón cho cây trồng.

Nhiều bà mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 270 liệt sĩ và nhiều thương binh, gia đình có công với cách mạng đã hy sinh cho sự trường tồn của dân  tộc.

Sau năm 1975, Bình Xuân là một xã thuộc huyện Gò Công cũ, kinh tế khó khăn. Đồng ruộng, nhà cửa tiêu điều; hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng hầu như không có gì; tỷ lệ hộ dân nghèo đói ở xã lúc này gần như dẫn đầu huyện.

Nhưng, hòa chung với công cuộc xây dựng, hàn gắn vết thương chiến tranh của cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bình Xuân đã xây dựng lại xã nhà với hành trang là lòng quyết tâm, sự kiên trì và tinh thần quyết thắng.

Năm 1979, xã Bình Xuân thuộc huyện Gò Công Đông. Đến năm 2008, Bình Xuân chuyển về TX. Gò Công quản lý và chính thức ngày 1-5-2024, xã Bình Xuân càng tự hào khi thuộc địa bàn TP. Gò Công. Người dân xã Bình Xuân rất tự hào vì được sinh sống trên quê hương giàu truyền thống cách mạng. Chứng kiến quê hương mình “thay da, đổi thịt”, nhân dân càng hạnh phúc hơn khi thấy tinh thần đoàn kết cao, luôn gắn bó, gần gũi giữa cán bộ và nhân dân, đồng lòng xây dựng quê hương.

THAY MÀU “ÁO MỚI”

Với quyết tâm “khắc phục khó khăn, tranh thủ sự quan tâm của các cấp, khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương”; dù vẫn mang dáng dấp của vùng quê, song nhiều mặt đời sống, sinh hoạt của người dân đã được nâng lên rõ rệt.

Các thế hệ hôm nay thường xuyên tổ chức về nguồn tại Khu căn cứ Tỉnh ủy Gò Công.
Các thế hệ hôm nay thường xuyên tổ chức về nguồn tại Khu căn cứ Tỉnh ủy Gò Công.

Các công trình dân sinh được đầu tư xây dựng kiên cố, nhiều ngôi nhà mới khang trang mọc lên… minh chứng cho sự thay đổi diện mạo của vùng quê nghèo khó năm nào. Tiếp nối truyền thống cách mạng của cha ông năm xưa, những người con trên mảnh đất anh hùng hôm nay nỗ lực ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh; diện mạo nông thôn khởi sắc là minh chứng cho những chủ trương đúng đắn và cách làm phù hợp, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền, là sự chung sức, đồng lòng của nhân dân trong xã.

Thành tựu tạo nên dấu ấn của xã Bình Xuân là chiếc cầu Bình Xuân nối liền 2 bờ sông Gò Công. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Xuân Trần Công Viên cho rằng: Cầu Bình Xuân là điều mơ ước của người dân trong vùng từ lâu.

Cầu Bình Xuân đã giúp cho người dân, học sinh đi lại dễ dàng, giúp cho việc trao đổi mua bán thuận lợi hơn, tạo điều kiện cho Bình Xuân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chiếc cầu còn góp phần giúp cho xã Bình Xuân gắn kết với các xã lân cận trong giao thương hàng hóa, tạo điều kiện để địa phương mời gọi doanh nghiệp đầu tư, đẩy nhanh phát triển kinh tế.

Trên địa bàn xã đã cho xây dựng bia lưu niệm trong khuôn viên rộng 5.000 m2; có thể mở rộng và quy hoạch khu này để trở thành điểm tham quan, về nguồn tìm hiểu lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.
 

Trong thời gian qua, được quan tâm đầu tư, hỗ trợ của các cấp cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị xã trong việc triển khai các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, nên chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện.

Kinh tế phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng liên tục tăng; cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tăng dần sang tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Nếu như năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt hơn 50 triệu đồng thì nay đã tăng lên gần 70 triệu đồng/người/năm. Hộ nghèo của xã kém giảm còn 0,22%, hộ cận nghèo 1,14% so với số hộ toàn xã.

Những năm gần đây, nhân dân hưởng ứng tích cực phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thông qua phong trào làm đường giao thông nông thôn. Đến nay, tuyến đường từ trung tâm xã đến trung tâm thị xã đã được nhựa hóa; trên 98% đường trục, liên xã, ngõ xóm được bê tông hóa… làm cho diện mạo của xã khang trang, khởi sắc.

Hiện xã đã bê tông hóa đường tại 9/9 ấp; trường học, trạm y tế, văn phòng đều được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe và hưởng thụ của người dân. Năm 2020, Bình Xuân đã đạt chuẩn nông thôn mới và đang huy động các nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao vào tháng 11-2024. Nhiều người dân trong xã phấn khởi, vui mừng trước thành tựu của xã sau gần 50 năm giải phóng.

Về Bình Xuân hôm nay, chúng tôi không còn thấy những ngôi nhà tranh xiêu vẹo như trước đây, mà thay vào đó là những ngôi nhà khang trang. Nhìn những con đường được bê tông hóa, những ngôi trường, trạm y tế được xây dựng khang trang, đạt chuẩn quốc gia, chúng tôi thấy rõ được sự “thay da, đổi thịt” của vùng đất này. Cuộc sống của người dân Bình Xuân đang có những bước khởi sắc đáng kể. Diện mạo của vùng đất từng bị quân địch giày xéo nay tràn đầy sức sống.

LÊ PHƯƠNG

.
.
.