Thứ Hai, 22/04/2024, 14:18 (GMT+7)
.
TIẾN TỚI KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30-4-1975 - 30-4-2024)

Về lại xã Mỹ Hạnh Đông anh hùng

Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, xã Mỹ Hạnh Đông (TX. Cai Lậy) là khu căn cứ cách mạng quan trọng của tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Mỹ Hạnh Đông là niềm tự hào về một quá khứ hào hùng, với tấm lòng son sắt, kiên trung theo ngọn cờ của Đảng. Dù vẫn mang dáng dấp của vùng quê, song nhiều mặt đời sống, sinh hoạt của người dân xã anh hùng Mỹ Hạnh Đông hôm nay đã được nâng lên và có nhiều khởi sắc.

“CÁI NÔI” CÁCH MẠNG

Xã Mỹ Hạnh Đông là một trong những nơi có phong trào cách mạng từ rất sớm. Năm 1927, phong trào Thanh niên Cao vọng Đảng do Nguyễn An Ninh khởi xướng lan tỏa đến Mỹ Hạnh Đông đã thu hút một số thanh niên, học sinh tham gia. Năm 1928, các đoàn thể quần chúng đã ra đời, đây cũng là nơi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được bắt rễ và nhanh chóng phát triển. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, phong trào cách mạng ở xã Mỹ Hạnh Đông phát triển khá mạnh và là một trong những nơi thành lập tổ chức Đảng sớm nhất. Cuối tháng 4-1930, đại diện Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Mỹ Tho tổ chức cuộc họp ở xóm Vuông (xã Mỹ Hạnh Đông) để thống nhất các tổ chức Đảng trong quận Cai Lậy lúc bấy giờ và phổ biến chủ trương vận động quần chúng mít tinh, biểu tình, biểu dương khí thế cách mạng. Đến cuối năm 1930, chi bộ Đảng được thành lập do đồng chí Phan Văn Khỏe lãnh đạo.

Đoàn lãnh đạo tỉnh đặt tràng hoa, dâng hương và dành 1 phút tưởng niệm đồng chí Phan Văn Khỏe (ấp Mỹ Bình,  xã Mỹ Hạnh Đông).
Đoàn lãnh đạo tỉnh đặt tràng hoa, dâng hương và dành 1 phút tưởng niệm đồng chí Phan Văn Khỏe (ấp Mỹ Bình, xã Mỹ Hạnh Đông).

Đỉnh cao của phong trào cách mạng là cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ (tháng 11-1940) do chi bộ Đảng lãnh đạo. Mặc dù cuộc khởi nghĩa bị đàn áp dã man, nhưng qua đó đã thể hiện được tinh thần bất khuất của tầng lớp nông dân nghèo trước sự kìm kẹp của bọn thực dân cướp nước. Ngày 23-8-1945, chi bộ xã Mỹ Hạnh Đông đã lãnh đạo nhân dân vùng lên giành chính quyền về tay nhân dân và thành lập chính quyền cách mạng ở xã. Thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai, dưới sự lãnh đạo của chi bộ, quân và dân Mỹ Hạnh Đông đã lập nên nhiều chiến công vang dội góp phần cùng với nhân dân trong huyện kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi. Trong kháng chiến chống Mỹ, nhờ vào sức mạnh đoàn kết và sự bảo bọc của người dân, Mỹ Hạnh Đông là căn cứ cách mạng, là địa bàn đứng chân của nhiều đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh.

Là cái nôi của phong trào cách mạng ở Cai Lậy, Mỹ Hạnh Đông là nơi sản sinh nhiều nhân vật ưu tú như các đồng chí: Phan Văn Khỏe, Trương Văn Điệp, Trương Văn Sanh, Nguyễn Văn Kim, Nguyễn Văn Tốt, Nguyễn Thuận Hườn, Huỳnh Văn Sâm, Huỳnh Văn Chính, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Dứt… Những trang sử vẻ vang gần nửa thế kỷ (1930 - 1975) là kết quả của sự phấn đấu hy sinh bền bỉ, to lớn và sự tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng đối với đa số những người nông dân một nắng hai sương - “một tấc không đi, một ly không rời”.

Trong suốt chiều dài lịch sử, nhân dân xã Mỹ Hạnh Đông luôn đoàn kết, anh dũng trong đấu tranh kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đã có không biết bao nhiêu người con ưu tú của mảnh đất Cai Lậy nói chung và xã Mỹ Hạnh Đông nói riêng đã ngã xuống, viết nên những trang sử vẻ vang, hào hùng… Hiện nay, xã Mỹ Hạnh Đông có 443 liệt sĩ, 92 bà mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng; 1 cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 157 thương, bệnh binh và trên 500 người có công với cách mạng. Với thành tích trong 2 cuộc kháng chiến, ngày 20-10-1976, xã Mỹ Hạnh Đông danh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; tạo tiền đề để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mỹ Hạnh Đông tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, ra sức xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp. Ngày 20-5-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận xã Mỹ Hạnh Đông đạt thành tích Xã An toàn khu.

XỨNG DANH ANH HÙNG

Vùng quê từng hứng chịu “mưa bom, bão đạn” năm nào nay khoác lên mình “chiếc áo mới”, diện mạo nông thôn khởi sắc là minh chứng cho những chủ trương đúng đắn và cách làm phù hợp, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền, là sự chung sức, đồng lòng của nhân dân trong xã. Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã nỗ lực đạt nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Nông dân đã từng bước ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, giúp tăng năng suất, lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác. Toàn xã chuyển đổi hơn 330 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm, cây có giá trị kinh tế cao.

Xã Mỹ Hạnh Đông là quê hương đồng chí Phan Văn Khỏe, Bí thư Xứ ủy Nam kỳ. Trong ảnh, thân nhân gia đình  đồng chí Phan Văn Khỏe thắp hương tưởng nhớ tại Nhà tưởng niệm đồng chí Phan Văn Khỏe (ấp Mỹ Bình,  xã Mỹ Hạnh Đông).
Xã Mỹ Hạnh Đông là quê hương đồng chí Phan Văn Khỏe, Bí thư Xứ ủy Nam kỳ. Trong ảnh, thân nhân gia đình đồng chí Phan Văn Khỏe thắp hương tưởng nhớ tại Nhà tưởng niệm đồng chí Phan Văn Khỏe (ấp Mỹ Bình, xã Mỹ Hạnh Đông).

Năm 2023, tổng thu ngân sách từ kinh tế địa phương của xã Mỹ Hạnh Đông thực hiện hơn 1,2 tỷ đồng, đạt hơn 128% so với chỉ tiêu. Đến nay, hộ nghèo của xã còn 18 hộ, chiếm 0,76% và 40 hộ cận nghèo, chiếm 1,69%; thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2023 đạt hơn 65,4 triệu đồng. Xã đã rà soát lập danh sách người dân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn và cung cấp cho Bảo hiểm xã hội thị xã thực hiện cấp đổi, tăng mã quyền lợi, tỷ lệ bao phủ đạt hơn 102%. Năm 2020, xã Mỹ Hạnh Đông ra mắt nông thôn mới và hiện nay đang phấn đấu ra mắt xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2025…

Chủ tịch UBND xã Mỹ Hạnh Đông Nguyễn Văn Lập cho biết, những năm qua, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài xã đã xây dựng và trao tặng 140 nhà tình nghĩa, 25 nhà tình đồng đội… Công tác chăm lo gia đình chính sách được Đảng bộ và chính quyền xã đặc biệt quan tâm, mức sống các gia đình chính sách cơ bản ổn định. Nhiều gia đình đã phát huy truyền thống cách mạng, gương mẫu đi đầu trong xây dựng nông thôn mới. Song song đó, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống được địa phương quan tâm, góp phần nâng cao tinh thần tự hào dân tộc, yêu quê hương, đất nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã. Thế hệ hôm nay tiếp nối sự nghiệp xây dựng quê hương luôn trân trọng, biết ơn và xem đó là niềm tin, sự tự hào của những người kế tục sự nghiệp xây dựng quê hương, để Mỹ Hạnh Đông không ngừng phát triển, mãi xứng đáng với truyền thống cách mạng anh hùng.

Năm tháng đã đi qua, nhưng âm vang của những chiến công oanh liệt vẫn còn vang khí phách anh hùng của một vùng đất. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mỹ Hạnh Đông tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của xã anh hùng để thực hiện toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, khắc phục mọi khó khăn thử thách, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 và sớm về đích xã nông thôn mới nâng cao.

HÀ NAM

 

.
.
.