Thứ Sáu, 12/04/2024, 11:12 (GMT+7)
.

TX. Cai Lậy: Phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu năm 2024

Năm 2024 là năm thứ 4 triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TX. Cai Lậy lần thứ II, nên TX. Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đột phá, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2024.

NHIỀU ĐIỂM SÁNG

Phó Chủ tịch UBND TX. Cai Lậy Đoàn Bảo Ngoan cho biết, những năm qua, kết cấu hạ tầng giao thông của thị xã có đầu tư phát triển nhưng chưa được nâng cấp, mở rộng đồng bộ, chưa có tuyến đường tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của thị xã và kết nối vùng.

Đồng chí Trần Văn Dũng làm việc với TX. Cai Lậy về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Đồng chí Trần Văn Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang làm việc với TX. Cai Lậy về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Các dự án do nhà đầu tư thực hiện như: Dự án Đường số 4 và khu dân cư hai bên đường đã triển khai đến giai đoạn thực hiện bồi thường thu hồi đất đang gặp khó khăn do người dân chưa đồng thuận về giá bồi thường; Dự án Cụm công nghiệp Mỹ Phước Tây, nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính, UBND thị xã đã kiến nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo UBND tỉnh thống nhất chấm dứt chủ trương đầu tư dự án này đối với Công ty cổ phần Kỹ thuật xây dựng Trương Hoàng Long và chọn lựa nhà đầu tư mới nhằm giúp địa phương sớm thực hiện dự án.

Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch hiệu quả chưa cao, chưa có nhiều sản phẩm du lịch thu hút khách để khai thác thị trường tour du lịch. Cơ sở hạ tầng phát triển du lịch chưa được đầu tư tương xứng để đáp ứng kịp nhu cầu phát triển du lịch.

Chiều 10-4, UBND tỉnh làm việc với UBND TX. Cai Lậy về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Dự hội nghị có các đồng chí: Trần Văn Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang; Phan Phùng Phú, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang, Bí thư Thị ủy Cai Lậy.

Các sở, ngành tỉnh đề nghị TX. Cai Lậy phát triển ngành nghề, hộ kinh doanh lên doanh nghiệp để tăng nguồn thu ngân sách thị xã. Địa phương chủ động rà soát các tuyến đường giao thông chưa đủ tiêu chí lên thành phố để đề xuất tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ.

Ngay từ bây giờ, thị xã xác định quy hoạch phường, xã, ranh nội thị để mở rộng không gian, để sớm có phương án điều chỉnh mục tiêu lên thành phố trong thời gian tới, nhất là các công trình cần đầu tư từ sớm, từ xa.

Đồng chí Trần Văn Dũng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, thị xã đã triển khai quyết liệt, kiểm soát được tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương.

Với những khó khăn khách quan, nhưng thị xã đã nỗ lực vượt qua, cho thấy được sự nỗ lực, đoàn kết của cả tập thể từ thị xã đến xã, phường. Thời gian tới, các sở, ngành tiếp tục phối hợp, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho địa phương trong việc thực hiện các kết luận của UBND tỉnh về phát triển đô thị, trong đó thị xã phải là đơn vị chủ lực.

Ngành Y tế thị xã theo dõi, đôn đốc để sớm đưa cơ sở mới đi vào hoạt động. Công tác điều trị nội trú sẽ khó khăn về nguồn lực, thị xã có phương án đào tạo nguồn lực để đảm bảo công tác điều trị nội trú. UBND thị xã lập phương án di dời Trung tâm Y tế, cơ sở vật chất phải đồng bộ với cơ sở mới; lập dự án mua sắm trang thiết bị phải đi đôi với nguồn lực, không để thiết bị “trùm mền”, để lạc hậu…

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất ngành Giáo dục tuy đã được đầu tư xây dựng, sửa chữa trong thời gian qua, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các bậc học tiểu học và trung học cơ sở…

Dù đối mặt với không ít khó khăn, nhưng trong 2 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, TX. Cai Lậy thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 119,910 tỷ đồng; trong đó, thu ngân sách từ kinh tế địa phương đạt 36,121 tỷ đồng, đạt 19,42% kế hoạch, tăng 158,45% so với cùng kỳ.

TX. Cai Lậy có 90 công trình đầu tư công, tổng mức đầu tư hơn 888 tỷ đồng, kế hoạch vốn giao hơn 196,6 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 14,8 tỷ đồng, đạt 7,54% kế hoạch vốn giao. Theo UBND TX. Cai Lậy, toàn thị xã đến nay có 7.561 ha cây lâu năm, đạt 99,49% kế hoạch; sản lượng đạt 20.835 tấn, đạt 16,67% kế hoạch. Thị xã duy trì 5 mã số vùng trồng xuất khẩu đi Trung Quốc. TX. Cai Lậy đã xây dựng kế hoạch, lộ trình xã Mỹ Hạnh Trung và Tân Hội đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024.

GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CÁC KHÂU ĐỘT PHÁ

Năm 2024, thị xã đã đề ra các giải pháp thực hiện các khâu đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đô thị và xây dựng nông thôn mới. Trong đó, thị xã tập trung đầu tư phát triển hoàn thiện tất cả các tiêu chí đô thị loại III và xây dựng đạt các tiêu chí của thành phố thuộc tỉnh đến năm 2030; nghiên cứu xây dựng đề án điều chỉnh địa giới hành chính TX. Cai Lậy đảm bảo chuẩn quy định thành phố; mở rộng, định hướng phát triển phạm vi đô thị tập trung - nội thị đảm bảo tốt các điều kiện hướng đến thành lập TP. Cai Lậy. Đặc biệt là đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối đồng bộ, phát triển hệ thống chợ kết hợp với nhà ở thương mại và các dự án theo hồ sơ khu vực phát triển đô thị được phê duyệt.

Đồng chí Đoàn Bảo Ngoan cho biết, thị xã tiếp tục phát triển nông nghiệp theo Đề án điều chỉnh Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh đến năm 2030, nhất là phát triển cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao theo chuỗi giá trị liên kết từ khâu đầu vào đến sản phẩm đầu ra theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, đẩy mạnh liên kết vùng, xây dựng mã số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cơ sở đóng gói đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ. Song song đó, thị xã tiếp tục xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với dự án, kế hoạch liên kết cụ thể tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương; hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất an toàn, đảm bảo an toàn thực phẩm, quản lý có hiệu quả sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo đúng quy hoạch.

TX. Cai Lậy kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành để thị xã hoàn thành các tiêu chuẩn của đô thị loại III chưa đạt và xây dựng đô thị Cai Lậy là đô thị trung tâm vùng phía Tây của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã đã đề ra, đặc biệt là bố trí những dự án trọng điểm mang tính đột phá tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của thị xã.

Bên cạnh đó, TX. Cai Lậy đề nghị UBND tỉnh xem xét bổ sung vốn kế hoạch đầu tư công năm 2024 đối với 2 Dự án Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phú Quý, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thanh Hòa.

Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh bổ sung xã Tân Hội và xã Mỹ Hạnh Trung vào kế hoạch hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2024. Hiện 2 xã đã đạt 14/19 tiêu chí và thị xã đang tập trung lãnh đạo phấn đấu ra mắt vào cuối năm 2024.

Ngoài ra, TX. Cai Lậy đề nghị xem xét bổ sung các dự án đầu tư trong thời gian tới, như: Đường huyện 58B (Võ Việt Tân nối dài), đường Tây Mỹ Long - Bà Kỳ (đoạn từ cầu Kênh Ban Chón đến đường huyện 49), đường 30-4 (từ cầu ấp Bờ 5 đến cầu Thanh Niên), đường Bà Thửa - xã Tân Bình, mở rộng đường huyện 59, nâng cấp trải nhựa đường huyện 54B (Đông Ba Rài), đường huyện 61; xây dựng 3 cống kiên cố ngăn xâm nhập mặn: Sông Trà Tân, sông Ba Rài, sông Phú An để bảo vệ vườn cây ăn trái của huyện Cai Lậy và TX. Cai Lậy…

Phấn đấu năm 2024, thị xã xây dựng 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thị xã tiếp tục huy động các nguồn lực trong dân, doanh nghiệp; huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước và đặc biệt là lồng ghép các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ, chính sách khuyến nông... để đầu tư các tiêu chí còn đạt thấp, nhất là tiêu chí Tổ chức sản xuất, Thu nhập, Môi trường...

Cùng với đó là tiếp tục củng cố, nâng chất hoạt động các mô hình kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã gắn với phát triển sản phẩm OCOP của địa phương, với dự án, kế hoạch liên kết tiêu thụ nông sản…

TX. Cai Lậy tiếp tục phối hợp với tỉnh để chọn nhà đầu tư đủ năng lực triển khai nhanh công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng Dự án Cụm công nghiệp Mỹ Phước Tây để đưa hoạt động vào năm 2025.

Đồng thời, lập quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp trên địa bàn thị xã theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để thực hiện mời gọi đầu tư, trong đó năm 2024 thực hiện các thủ tục để lập quy hoạch chi tiết Cụm công nghiệp Mỹ Phước Tây 2 và Cụm công nghiệp Mỹ Hạnh Đông; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp chế tạo, lắp ráp... phù hợp và có lợi thế của địa phương.

Đồng thời với đó là phát triển vùng nguyên liệu gắn liền với bảo vệ môi trường; phát triển các ngành dịch vụ và thương mại liên quan, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập; nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các thành phần kinh tế…

HÀ NAM

.
.
.