Chủ Nhật, 26/05/2024, 16:16 (GMT+7)
.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang thảo luận Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc và Chương trình mục tiêu quốc gia

(ABO) Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, chiều ngày 25-5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại tổ đối với Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) - Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. ĐBQH tỉnh Tiền Giang đã đóng góp nhiều ý kiến thảo luận.

GÓP Ý DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ĐƯỜNG CAO TỐC BẮC - NAM

Thảo luận về nội dung Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) - Chơn Thành (tỉnh Bình Phước), đa số các ĐBQH tán thành chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) - Chơn Thành (tỉnh Bình Phước). Đồng thời cho rằng, việc đầu tư Dự án sẽ từng bước hoàn thành mạng lưới cao tốc theo quy hoạch, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và tăng cường liên kết vùng nói chung và liên kết nội vùng nói riêng, tạo động lực phát triển…

Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Minh Sơn, ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho rằng, việc đầu tư Dự án sẽ mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương không chỉ có tỉnh Bình Phước, tỉnh Đắk Nông mà còn tăng cường liên kết vùng giữa miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên, tạo động lực, sức lan tỏa, thuận lợi kết nối, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ.

Đồng thời, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cũng góp ý một số nội dung cần lưu ý khi tiến hành các bước xây dựng báo cáo khả thi, thiết kế kỹ thuật, thiết kế cơ sở và thi công. Cụ thể, theo Tờ trình, hạng mục đường gom, cầu vượt ngang đường cao tốc đầu tư theo hình thức đầu tư công giao cho các địa phương thực hiện, đối với hạng mục đường cao tốc giao cho nhà đầu tư thực hiện. Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện có thể dẫn tới việc chồng chéo trong biện pháp thi công, chưa tận dụng được tối đa nguyên vật liệu của Dự án để tổ chức một cách hợp lý, tiết kiệm (ví dụ có thể thi công trước đường gom để làm đường công vụ thi công đường cao tốc...). Đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị trong quá trình triển khai Dự án, cần phối hợp tổ chức lập phương án tổ chức thi công đảm bảo tiết kiệm, tránh lãng phí nguồn vốn của Dự án.

Bên cạnh đó, Dự án dự kiến thu hồi khoảng 1.111 ha với 1.229 hộ dân bị ảnh hưởng. Đề nghị quan tâm có chính sách đền bù thỏa đáng; tái định cư, ổn định cuộc sống; đào tạo nghề, giải quyết việc làm đối với người dân bị thu hồi đất cho Dự án. Đồng thời, công tác điều tra, khảo sát mỏ vật liệu chuẩn bị nguồn vật liệu xây dựng cần được chú trọng, đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời cho Dự án. Việc di dời hạ tầng kỹ thuật nhất là đường điện trung, cao thế do tính chất đặc thù chuyên ngành điện nên cần phải được xây dựng kế hoạch sớm.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho rằng, đối với vốn do nhà đầu tư thu xếp khoảng 12.770 tỷ đồng, chiếm 50% sơ bộ tổng mức đầu tư, việc thu xếp vốn hiện nay tại một số dự án PPP đang hết sức khó khăn (đơn cử như Dự án PPP Vành đai 4- Vùng thủ đô Hà Nội, khả năng cao sẽ không thu xếp được khoảng 29 ngàn tỷ đồng từ các nhà đầu tư. Do đó, cần phải có giải pháp thống nhất với nhà đầu tư trong việc thu xếp vốn.

GÓP Ý ĐỐI VỚI CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Góp ý đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình), các ĐBQH cho rằng, Chương trình được phê duyệt chủ trương đầu tư theo Nghị quyết 120/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Với sự quan tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, thời gian vừa qua Chương trình đã được triển khai tại các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bước đầu tạo được những tác động tích cực tới đời sống của người dân, đặc biệt là ở khu vực các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai trả lời các ý kiến thảo luận tại tổ
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và kết quả thực hiện Chương trình, cần thiết phải đề xuất điều chỉnh một số nội dung tại chủ trương đầu tư Chương trình liên quan đến việc bố trí nguồn vốn; đối tượng tham gia thực hiện Chương trình. Vì vậy, việc Chính phủ đề xuất với Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình là cần thiết và cấp bách để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình đề ra.

Tham gia phát biểu ý kiến thảo luận, đa số các đại biểu nhất trí với sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình. Các ý kiến cho rằng, các nội dung điều chỉnh theo hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Chương trình.

Quang cảnh thảo luận tại tổ
Quang cảnh thảo luận tại tổ.

Phát biểu góp ý đối với Chương trình, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, ĐBQH tỉnh Tiền Giang nhất trí cao với Tờ trình Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Hội đồng dân tộc về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình. Về các nội dung đề xuất điều chỉnh, liên quan đến đề xuất điều chỉnh nguồn vốn, đại biểu Hoàng Mai nhận thấy, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 1 trong 3 Chương trình MTQG, nếu chương trình này gặp khó khăn thì cần tổng kết đánh giá cả 3 Chương trình MTQG bởi cách thức phân bổ vốn là phân bổ cho cả 3 Chương trình MTQG nên không thể ban hành riêng cho Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đề nghị Chính phủ các bộ, ngành nghiên cứu đánh giá tổng thể và có giải pháp đảm bảo khả thi, phù hợp.

Đối với việc điều chỉnh mở rộng đối tượng đầu tư ra ngoài vùng, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai đề xuất cần hết sức cân nhắc, bởi Chương trình MTQG đặt ra các mục tiêu, trong các mục tiêu có các chỉ tiêu để thực hiện mục tiêu, và tất cả các giải pháp trong chương trình đặt ra để nhằm thực hiện được mục tiêu và chỉ tiêu của chương trình. Bây giờ nếu mở rộng ra nữa thì phải rà soát thật kỹ lại xem có đúng mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình, như vậy mới đúng ý nghĩa là Chương trình MTQG, không khéo mở rộng quá rất khó đánh giá về hiệu quả đầu tư. Ngoài ra, các ĐBQH cùng có nhiều ý kiến thảo luận liên quan đến việc đầu tư các trường học cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…

THU HOÀI - MINH TRÍ

.
.
.