Thứ Sáu, 31/05/2024, 20:02 (GMT+7)
.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang:

Thảo luận Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và TP. Đà Nẵng

(ABO) Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 31-5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ở tổ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Tại Tổ số 10, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cùng thảo luận với Đoàn ĐBQH của 2 tỉnh Bạc Liêu và Thái Bình.

Đại biểu Tạ Minh Tâm phát biểu điều hành phiên thảo luận Tổ
Đại biểu Tạ Minh Tâm, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Tiền Giang điều hành phiên thảo luận tổ.

Điều hành phiên họp, đại biểu Tạ Minh Tâm, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Tiền Giang đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến về các chính sách đặc thù phát triển đã nêu trong 2 dự thảo Nghị quyết, đồng thời góp ý thể hiện quan điểm đối với báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Phát biểu tại phiên họp, các ý kiến đại biểu cơ bản đồng tình với chủ trương thí điểm một số cơ chế chính sách nhằm phát triển tỉnh Nghệ An và tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng. Các đại biểu đóng góp thêm một số ý kiến, đề nghị ban soạn thảo rà soát, đánh giá, làm rõ thêm một số nội dung và kiến nghị một số chính sách cụ thể, nhằm phát huy hiệu quả cao nhất sau khi Nghị quyết được ban hành.

GÓP Ý CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ PHÁT TRIỂN TP. ĐÀ NẴNG

Cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng, các ý kiến thống nhất với sự cần thiết ban hành nghị quyết. Qua tổng kết Nghị quyết 43-NQ/TW và quá trình thực hiện Nghị quyết 119/2020/QH14 cho thấy, các quy định hiện hành chưa bao quát hết các vấn đề phát sinh, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Do vậy, cần sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù tạo tiền đề cho sự phát triển của TP. Đà Nẵng thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi, bổ sung quy định về giải thích từ ngữ tại Điều 3. Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho biết, tại khoản 2 về đối tác chiến lược thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo quy định: Có cam kết phát triển lâu dài tại TP. Đà Nẵng với thời gian tối thiểu 5 năm (điểm đ). Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho rằng, thời gian 5 năm là ngắn bởi khi có cơ chế, chính sách đặc thù sẽ có nhiều ưu đãi để doanh nghiệp hoạt động, nhất là trong lĩnh vực mới, khó và được Việt Nam quan tâm đầu tư nguồn lực.

Tại khoản 2, Điều 3 nêu các tiêu chí: Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thuộc danh mục ngành, nghề quy định tại khoản 1, Điều 12 Nghị quyết này; Có ký kết biên bản ghi nhớ với Ủy ban nhân dân TP. Đà Nẵng về hợp tác trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; Có doanh thu toàn cầu năm gần nhất trên 25.000 tỷ đồng; Có cam kết hỗ trợ TP. Đà Nẵng về phần mềm, phần cứng, đào tạo nhân lực và các nội dung để phát triển vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; Có cam kết phát triển lâu dài tại TP. Đà Nẵng với thời gian tối thiểu 5 năm. Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đề nghị cân nhắc bổ sung thêm một số tiêu chí khác, đó là các doanh nghiệp, đối tác chiến lược thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo phải là những doanh nghiệp thực hiện rất tốt các chế độ, chính sách đối với người lao động, cũng như có mục tiêu cụ thể về bảo vệ môi trường.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.

Về thu hút nhà đầu tư chiến lược (Điều 12) quy định nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng 6 nhóm điều kiện, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm hai điều kiện: Thứ nhất, phải có cam kết bằng văn bản về hợp tác với doanh nghiệp của địa phương, nhằm chuyển giao công nghệ, kiến thức, bồi dưỡng nguồn nhân lực và hỗ trợ phát triển về kinh tế xã hội của địa phương. Thứ hai, nghiên cứu, cân nhắc bổ sung điều kiện có cam kết đầu tư dài hạn và có kế hoạch phát triển bền vững tại TP. Đà Nẵng, bao gồm cả việc các nhà đầu tư chiến lược tham gia vào việc thành lập và phát triển các trung tâm nghiên cứu, tham gia vào các dự án nghiên cứu khoa học quan trọng của TP. Đà Nẵng.

Tại Điều 14 của dự thảo nghị quyết quy định về đầu tư phát triển vi mạch, bán dẫn trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo quy định nhiều ưu đãi liên quan đến thuế. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho biết, trên thực tế sau khi thời gian ưu đãi kết thúc, doanh nghiệp lại chuyển sang các địa bàn khác để được hưởng chính sách ưu đãi của các địa phương khác. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung những cơ chế, chế tài để kiểm soát vấn đề này, tránh lãng phí về đầu tư từ phía các địa phương cũng như từ các doanh nghiệp, dễ tạo ra khoảng trống, cũng như sự xáo trộn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...

GÓP Ý CHÍNH SÁCH THÍ ĐIỂM PHÁT TRIỂN TỈNH NGHỆ AN

Góp ý dự thảo Nghị quyết thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, các đại biểu cho rằng, thực tiễn cho thấy, mặc dù tỉnh Nghệ An có nhiều tiềm năng, lợi thế, hội tụ nhiều yếu tố về điều kiện thuận lợi để phát triển; tuy nhiên, đến nay, Nghệ An vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn, chưa cân đối được ngân sách. Theo quy hoạch vùng miền Trung, Nghệ An là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Do đó, việc xây dựng bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù để thể chế hóa Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị là cần thiết nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Nghệ An nhanh và bền vững, phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đề ra.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ.

Đề cập đến các chính sách thí điểm phát triển tỉnh Nghệ An, đại biểu Nguyễn Minh Sơn, ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho rằng, chính sách này được đề xuất tương tự như một số địa phương tỉnh Thanh Hóa, TP. Hải Phòng… trong thời gian qua, nên cần báo cáo đánh giá sơ bộ về kết quả triển khai thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù dành cho các tỉnh, thành phố nêu trên; đánh giá kỹ tác động chính sách này trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Từ đó, có sự điều chỉnh cho phù hợp với quy mô, nhu cầu, năng lực thực tiễn của tỉnh Nghệ An.

Về đề xuất Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An cho phép các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh được sử dụng ngân sách huyện, thành phố, thị xã và nguồn thu hợp pháp khác để hỗ trợ các địa phương khác của tỉnh Nghệ An trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ an sinh xã hội và trong các trường hợp cần thiết khác. Các đại biểu cho rằng, đây là chính sách mới chưa được áp dụng thí điểm tương tự ở địa phương, do vậy cần phải đánh giá tác động kỹ lưỡng, toàn diện, rà soát bảo đảm không trùng lắp và bảo đảm tính hợp lý.

Ngoài ra, cho ý kiến đối với việc phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022, các đại biểu cũng thống nhất với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra đối với nội dung về Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022, trình Quốc hội xem xét quyết định.

Phát biểu tại Phiên thảo luận tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, việc thí điểm cơ chế, chính sách là chủ trương chung của Đảng và Nhà nước, trên cơ sở đó tổng kết để đưa vào luật. Trong đó, đối với TP. Đà Nẵng đã có Nghị quyết 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng. Thời gian qua, Bộ Chính trị đã có kết luận tổng kết các chính sách phát triển TP. Đà Nẵng (Nghị quyết 43-NQ/TW năm 2019 về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045), trong đó giao Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ sửa đổi Nghị quyết 119/2020/QH14. Theo đó, cho phép áp dụng mô hình chính quyền đô thị tại TP. Đà Nẵng, giảm nhiều cán bộ, thay đổi về quy trình, phân cấp xử lý công việc, nếu thành công sẽ áp dụng ở nhiều đô thị khác. Đồng thời, áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được áp dụng tại một số tỉnh, thành phố trong thời gian qua và bổ sung thêm một số cơ chế đặc thù mới về phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu.

Dự thảo Nghị quyết thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng sẽ được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến trong phiên họp toàn thể vào ngày 8-6 tới đây.

THU HOÀI- MINH TRÍ

 

.
.
.