Thứ Bảy, 25/05/2024, 09:56 (GMT+7)
.

Quy định của Ban Bí thư về cơ cấu tổ chức của đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh

Quy định nêu rõ, đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh là tổ chức đảng do ban thường vụ tỉnh ủy, thành uỷ trực thuộc Trung ương thành lập, chịu sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh.

Ngày 14-5-2024, thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Lương Cường, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Quy định 146-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh.

Theo đó, đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh thực hiện chức năng lãnh đạo, chỉ đạo đối với HĐND, UBND, TAND, VKSND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, liên hiệp các hội văn học nghệ thuật, liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật cấp tỉnh theo quy định của Điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn của Trung ương.

Về cơ cấu tổ chức, thành viên đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh do ban thường vụ cấp uỷ cấp tỉnh quyết định chỉ định trên cơ sở đề nghị của ban tổ chức cấp ủy và đảng đoàn, ban cán sự đảng.

Thành viên đảng đoàn HĐND cấp tỉnh gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng các ban của HĐND, Chánh Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND. Chủ tịch HĐND làm Bí thư Đảng đoàn, một Phó Chủ tịch HĐND làm Phó Bí thư Đảng đoàn.

Thành viên ban cán sự đảng UBND cấp tỉnh gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND, Giám đốc Sở Nội vụ, Chánh Văn phòng UBND. Chủ tịch UBND làm Bí thư ban cán sự đảng, một Phó Chủ tịch UBND làm Phó Bí thư ban cán sự đảng.

Thành viên đảng đoàn Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam (là đảng viên), trưởng các tổ chức chính trị - xã hội, các ủy viên ban chấp hành đảng bộ cấp tỉnh tham gia Ủy ban MTTQ Việt Nam, trưởng ban có nhiệm vụ tham mưu công tác tổ chức, cán bộ (là đảng viên) cơ quan chuyên trách của Ủy ban MTTQ Việt Nam. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam làm bí thư đảng đoàn, một Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam làm phó bí thư đảng đoàn.

Thành viên ban cán sự đảng TAND cấp tỉnh gồm: Chánh án, các Phó Chánh án, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ. Chánh án làm Bí thư ban cán sự đảng, một Phó Chánh án làm Phó Bí thư ban cán sự đảng.

Nhiệm vụ

1. Lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và liên hiệp các hội văn học nghệ thuật, liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật cấp tỉnh thực hiện Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, đường lối, chủ trương, chính sách, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng (sau đây gọi chung là chủ trương, quy định của Đảng) và của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, pháp luật của Nhà nước, điều lệ của từng tổ chức; phương hướng, nhiệm vụ chính trị, tổ chức, cán bộ của ngành, cơ quan, tổ chức; lãnh đạo kiểm tra việc chấp hành chủ trương, quy định của Đảng; quyết định những vấn đề về tổ chức, cán bộ, biên chế theo phân công, phân cấp quản lý cán bộ; phối hợp với đảng ủy (hoặc chi bộ) để thực hiện công tác xây dựng cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội trong phạm vi ngành, lĩnh vực được phân công.

2. Đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh thảo luận tập thể, biểu quyết và quyết nghị các vấn đề sau:

- Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, lĩnh vực được phân công. Cụ thể hoá chủ trương, quy định của Đảng và của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, pháp luật của Nhà nước thành các chương trình, kế hoạch thực hiện của cơ quan, tổ chức.

- Lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án quan trọng mà đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm soạn thảo, ban hành.

- Lãnh đạo, chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức, bộ máy và biên chế, công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ theo phân cấp.

- Lãnh đạo công tác kiểm tra việc chấp hành chủ trương, quy định của Đảng và của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh trong ngành, lĩnh vực được phân công. Cho chủ trương, quan điểm xử lý kỷ luật đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền theo phân cấp quản lý.

3. Phối hợp với các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của cấp ủy cấp tỉnh, các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh và đảng ủy (hoặc chi bộ) cơ quan để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng đảng bộ (hoặc chi bộ) cơ quan trong sạch, vững mạnh.

Quyền hạn

1. Thực hiện quyền hạn của mình theo quy định và chịu trách nhiệm trước ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh về các đề xuất và quyết định của mình.

2. Được sử dụng bộ máy giúp việc của cơ quan để thực hiện nhiệm vụ.

3. Dự các cuộc họp có liên quan do ban thường vụ, thường trực cấp ủy cấp tỉnh triệu tập.

4. Được các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin:

- Chủ trương, quy định của Đảng và của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, chính sách, pháp luật của Nhà nước ban hành và các thông tin có liên quan.

- Báo cáo tổng kết, báo cáo chuyên đề của các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy cấp tỉnh và các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh có liên quan đến nhiệm vụ của đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh.

Việc cung cấp thông tin cho các thành viên đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh do bí thư (hoặc phó bí thư hoặc thành viên (nơi không có phó bí thư) được ủy quyền) xem xét, quyết định./.
 

Theo dangcongsan.vn
 


 

.
.
.