Thứ Ba, 07/05/2024, 08:14 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Thăm người nữ thanh niên xung phong trên chiến trường Điện Biên Phủ

Để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu” của 70 năm về trước, không thể quên vai trò to lớn của lực lượng thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến. Những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi ngày ấy đã vượt gian lao để ngày đêm phá đá mở đường, tải lương, tải đạn, tải thương… đảm bảo phục vụ chiến dịch từ buổi đầu cho đến ngày đại thắng. Cụ bà Hoàng Thị Hợp, 92 tuổi ở xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang là 1 trong 2 cựu TNXP tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ hiện đang sinh sống tại Tiền Giang.

NHỚ THÁNG NGÀY VƯỢT ĐÈO, LỘI SUỐI

Cụ bà Hoàng Thị Hợp, nguyên cán bộ Trung đội, Đoàn TNXP Trần Hưng Đạo, tỉnh Lạng Sơn. Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi có dịp về thăm gia đình bà trên vùng quê yên bình Mỹ Lợi A. Cụ Hợp và người con trai út là anh Võ Quốc Hùng niềm nở đón chúng tôi trong ngôi nhà khang trang dưới vườn sầu riêng rợp mát. Ở cái tuổi 92, cụ Hợp còn khá minh mẫn.

Anh Hùng cho biết: “Vài năm nay mẹ tôi cũng có lúc nhớ, lúc quên nhưng chuyện xưa thì còn nhớ lắm, mẹ kể chuyện đi mở dường, tải đạn, tải thương rồi có những lúc rơi nước mắt vì nhớ đồng đội nằm lại giữa núi rừng. Dường như chuyện xưa ấy đã hằn sâu trong tâm thức của mẹ”.

Qua câu chuyện của cụ Hợp, hình ảnh người nữ TNXP trong kháng chiến được tái hiện sinh động. Ngày ấy, như bao chàng trai, cô gái giàu lòng yêu nước khác, bà hăm hở cùng bạn bè viết đơn tình nguyện gia nhập lực lượng TNXP. Nhưng với dáng người nhỏ nhắn, mảnh khảnh nên khi khám sức khỏe đã không đạt tiêu chuẩn do thiếu cân. Không nỡ nhìn bạn bè lên đường mà mình không được kề vai góp sức, cô gái trẻ ấy đã nài nỉ ban tuyển quân để đi bằng được.

“Đơn vị tuyển quân bắt buộc tôi phải về xin xác nhận của gia đình và các cấp ở địa phương, rồi họ mới cho tôi tham gia. Tuy có trở ngại, khó khăn nhưng lòng tôi đã quyết phải phục vụ cho non sông, Tổ quốc” - cụ Hợp tâm sự.

Đoàn công tác của tỉnh Tiền Giang đến thăm, tặng quà gia đình cụ bà Hoàng Thị Hợp nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024).
Đoàn công tác của tỉnh Tiền Giang đến thăm, tặng quà gia đình cụ bà Hoàng Thị Hợp nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024).

Có mặt vào những ngày đầu mới thành lập của lực lượng TNXP, cụ Hợp được huấn luyện để lên đường phục vụ mặt trận. Bà kể: “Đơn vị tuyển quân đặt ra thử thách cho nhóm TNXP mới, xem ai đủ dũng cảm tham gia tập luyện bắn súng trên đồi cao, ai cũng hăng hái khí thế xung phong đòi thử ngắm bắn. Thế mà tiếng súng đầu tiên vang lên, ai cũng “mặt tái, tay run” bởi uy lực của súng. Dần cũng quen, ai cũng bắn tốt. Trong nhóm nữ tình nguyện, tôi được xếp là nhỏ con nhất và cũng là người tập bắn tốt nhất”.

Sau huấn luyện, chúng tôi tập trung ở tỉnh Lạng Sơn rồi hành quân lên Tây Bắc để chuẩn bị bước vào chiến dịch. Phần đông chị em trong đoàn đều xuất thân từ nông dân, tiểu thương, chỉ quen gánh nhẹ, đi đường bằng. Bởi vậy, khi nhập cuộc, phải gánh đêm, vượt qua núi cao, vực sâu, ngủ rừng, ăn uống kham khổ… nhiều người tưởng chừng không vượt qua được. Ban đầu, mỗi người mang vác khoảng 20 cân, sau đó nâng dần lên 25 cân…

Cứ thế leo đèo, vượt suối bất kể ngày đêm. “Có chị, chiều tối thấy mấy anh bộ đội chặt lá rừng, tò mò hỏi mới biết chặt cành lá để trải xuống đất ngủ. Đêm đầu, nhiều chị em sợ không ngủ được, nhưng những đêm sau, đi mệt, cứ ngả lưng là ngủ, chẳng cần biết bên dưới lót lá hay là nền đất. Gian nan bởi điều kiện địa hình, thời tiết khắc nghiệt, ăn uống chỉ có ít cơm chấm với muối vừng, cá khô; rau xanh chủ yếu là vào rừng hái lá tàu bay và lá lốt, nên sức khỏe nhiều chị em giảm sút nghiêm trọng, có chị bị bệnh sốt rét hoành hành.

Có những lần, trước lúc lên đường, một số chị em lên cơn sốt rét, người cứ run lên bần bật. Vậy mà các chị chỉ xin y tá vài viên thuốc ký ninh uống (loại thuốc điều trị sốt rét thời ấy), rồi nhất quyết xin đi cùng cả đội”- cụ Hợp nhớ lại.

Khi hỏi về hiểm nguy của người TNXP hỏa tuyến, cụ Hợp kể: “Thật ra, bước ra mặt trận là chấp nhận hy sinh, không ai sợ bom đạn, nhưng sợ cọp. Ở tỉnh Sơn La thời ấy cọp nhiều lắm. Cứ như vậy chúng tôi âm thầm ngày đêm tải lương, tải đạn... ra mặt trận. Cho đến một ngày được đồng đội tuyến trên truyền tin: Điện Biên Phủ đã giải phóng! Ngay lập tức, cả khu rừng trầm lặng ngày nào như vỡ òa bởi tiếng hò reo”.

HẠNH PHÚC BÊN MÁI ẤM

Sau khi kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ Hợp trở về công tác tại Cục Quản lý xe ở Hà Nội. Từ đây, người con gái TNXP năm xưa đã nên duyên với chiến sĩ đặc công Nam bộ Võ Hữu Kỳ. Đất nước thống nhất, cô gái đất Bắc theo chồng về Nam bắt đầu một cuộc sống mới. “Được Nhà nước cấp cho một mẫu ruộng, vợ chồng tôi cải tạo để trồng lúa và chăn nuôi. Cuộc sống hồi đó khó khăn lắm nhưng vợ chồng tôi vẫn vui vẻ, hạnh phúc và thấy mình là người rất may mắn được hưởng hạnh phúc của ngày độc lập.

So với biết bao đồng đội khác đã bỏ lại xương máu, tính mạng nơi chiến trường thì chúng tôi vẫn còn sức khỏe, vẫn còn cuộc sống và gia đình, bởi thế chúng tôi càng phải cố gắng hơn”- cụ Hợp trải lòng.

Con cái lớn lên, thành gia lập nghiệp nơi xứ khác, cụ Hợp an hưởng tuổi già bên người con trai út. Anh Hùng chia sẻ: Gia đình tôi có 7 anh chị em, người thì ở Bắc Giang, Lào Cai, Bình Phước… riêng tôi là út nên ở kề cận mẹ để tiện cho việc chăm sóc, phụng dưỡng.

Tuy mỗi người một nơi nhưng mỗi dịp ngày 27-7 hằng năm mọi người trong gia đình đều tụ họp về quây quần bên mẹ. Mỗi dịp như vậy, mẹ lại kể chuyện thời chống Pháp, chiến dịch Điện Biên Phủ, ôn lại truyền thống gia đình rồi kể nhau nghe cuộc sống đời thường của mỗi gia đình nhỏ. Đó là niềm hạnh phúc của mẹ tôi”.

LÊ MINH

.
.
.