Thứ Tư, 05/06/2024, 10:01 (GMT+7)
.

5-6-1911 - Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước: Bước ngoặt lịch sử cho cách mạng Việt Nam

“Đất nước đẹp vô cùng/Nhưng Bác phải ra đi… Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà...” Những câu thơ chất chứa nỗi niềm của nhà thơ Chế Lan Viên đã gợi nhớ hình ảnh cách đây 113 năm, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lên tàu Đô đốc Latouche Tréville, tại Bến cảng Nhà Rồng (ngày 5-6-1911) bắt đầu cuộc hành trình vạn dặm để tìm đường, mở đường và dẫn đường cho cách mạng Việt Nam giành độc lập, tự do cho dân tộc.

TÌM KIẾM, LỰA CHỌN CON ĐƯỜNG CỨU NƯỚC ĐÚNG ĐẮN CHO DÂN TỘC

Điểm lại giai đoạn lịch sử vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các phong trào yêu nước chống Pháp của các bậc tiền bối lần lượt thất bại. Dân tộc ta đang đứng trước sự khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước trong thời kỳ “đen tối như không có đường ra”.

Trước tình hình đó, điều tất yếu đặt ra là cần có ánh sáng mới, con đường mới để đủ sức dẫn dắt cách mạng Việt Nam, đưa đất nước thoát khỏi ách nô lệ, giành độc lập, tự do cho dân tộc.

 Bến Nhà Rồng năm 1911.  Ảnh: Tư liệu.
Bến Nhà Rồng năm 1911. Ảnh: Tư liệu.

Được tôi luyện từ gia đình trí thức, có truyền thống yêu nước nồng nàn, cùng khát vọng to lớn tìm con đường “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”, Nguyễn Tất Thành với tên gọi Văn Ba đã vượt qua những lối mòn định sẵn của các nhà yêu nước đương thời. Người quyết định sang phương Tây, sang chính nước Pháp - quê hương của tư tưởng “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” để xem xét, nghiên cứu và học hỏi.

Trong hành trình vạn dặm tìm đường cứu nước từ năm 1911 - 1920,  Người đi nhiều nước Pháp, Mỹ, Anh…; trải qua nhiều công việc, nghề nghiệp khác nhau: Phụ bếp, làm vườn, bồi bàn, đốt lò, cào tuyết... Và tại những nơi này, Người có điều kiện gần gũi, tìm hiểu, chứng kiến đời sống của người lao động sống trong xã hội tư bản chủ nghĩa, nghiên cứu diện mạo, bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản để thấy rõ được tính chất dân chủ giả hiệu của cuộc cách mạng tư sản đã và đang diễn ra lúc bấy giờ.

Cho đến khi Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc tiếp xúc với bản Luận cương “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lênin đăng trên báo Nhân đạo vào tháng 7-1920.

Bằng tư duy nhạy bén và kinh nghiệm thực tiễn trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động các nước thuộc địa và tư bản phát triển, Nguyễn Ái Quốc tiếp thu được ánh sáng lý luận từ Luận cương.

Người đã tìm thấy lời giải đáp cho câu hỏi bấy lâu nay về con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam đang trong vòng nô lệ, lầm than. Chỉ có con đường cách mạng vô sản, chỉ có giải phóng dân tộc và đi theo chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc.

Đó là một bước ngoặt lịch sử, bắt đầu một chặng đường mới của cách mạng Việt Nam. Người đã nỗ lực không ngừng, tập trung chuẩn bị về mọi mặt để thành lập một Đảng Cộng sản ở một xứ thuộc địa để có thể đảm nhận vị trí lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc.

Đầu năm 1930, khi tất cả các yếu tố, điều kiện chủ quan lẫn khách quan đã chín muồi, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời - gắn liền tên tuổi, trí tuệ, uy tín, đạo đức cách mạng và sự sáng tạo độc đáo của Nguyễn Ái Quốc.

Đảng ra đời, với mục tiêu lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam tiến hành giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người tiến lên chủ nghĩa xã hội, đủ sức lãnh đạo cách mạng Việt Nam làm nên những thắng lợi to lớn trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

LAN TỎA TINH THẦN HỌC TẬP VÀ LÀM THEO BÁC

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và thực hiện đúng với ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể dân tộc Việt Nam đã kết thành một làn sóng đoàn kết, tinh thần yêu nước vô cùng mạnh mẽ, to lớn để từng bước làm theo lời Bác dạy, xứng đáng với sự hy sinh của bao thế hệ đã chiến đấu cho độc lập dân tộc, cuộc sống hạnh phúc cho tất cả mọi người, cùng chung sức, đồng lòng đưa Việt Nam ngày càng phồn thịnh, để đất nước ta “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.

"Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”.                                  

NGUYỄN ÁI QUỐC - CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

 

Trong cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương học tập và làm theo Bác từ những việc rất đời thường bằng lối sống đẹp, sống có ích, vì cộng đồng; bằng việc không ngừng học hỏi, sáng tạo để khẳng định mình... theo nhiều cách riêng, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển, đời sống người dân ổn định, hạnh phúc hơn.

Những năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh chú trọng thực hiện; trong đó, triển khai thực hiện Kết luận 01 ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo từng chuyên đề hằng năm.

Thông qua đó, việc học và làm theo Bác càng lan tỏa sâu rộng hơn, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Để cụ thể hóa học tập, làm theo Bác từ những việc làm cụ thể, các cấp ủy Đảng xây dựng kế hoạch học tập và làm theo, triển khai vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để chỉ đạo giải quyết các vấn đề trọng tâm, đột phá trên các lĩnh vực sát với tình hình thực tiễn địa phương, thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, xây dựng các mô hình phù hợp, hiệu quả…

Đặc biệt trong năm 2024, trên cơ sở thực hiện chuyên đề năm 2024, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về “Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Do đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu đã nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xây dựng hình ảnh người cán bộ, đảng viên “vừa hồng, vừa chuyên”, tận tâm, tận tụy với công việc.

Từ đó, khắc sâu, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy tinh thần “tận tâm, tận tụy” của người cán bộ, đảng viên, góp sức xây dựng tỉnh Tiền Giang ngày càng phát triển.

LÊ NGUYÊN

.
.
.