.

Báo chí là vũ khí sắc bén, nhà báo là chiến sĩ xung kích

Cập nhật: 09:36, 19/06/2024 (GMT+7)

Mỗi năm đến dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, đội ngũ những người cầm bút không khỏi bồi hồi xúc động nhớ đến công ơn trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - Người sáng lập nền Báo chí Cách mạng Việt Nam và cũng là nhà báo lỗi lạc của nền báo chí ấy.

Thấm sâu lời dạy của Bác

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết khoảng 2.000 bài báo với nhiều thể loại và được ký bằng 174 tên gọi, bí danh và bút danh khác nhau. Những bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những tác phẩm lý luận quan trọng, là cẩm nang chỉ đường cho Đảng và nhân dân ta trong các giai đoạn cách mạng.

Phóng viên Báo Ấp Bắc tác nghiệp trước giờ xuất phát cùng Đoàn Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 dịp Xuân Quý Mão 2023.  Ảnh: LÂM MINH
Phóng viên Báo Ấp Bắc tác nghiệp trước giờ xuất phát cùng Đoàn Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 dịp Xuân Quý Mão 2023. Ảnh: LÂM MINH

Mốc thời gian đặc biệt quan trọng của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam là ngày 21-6-1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập Báo Thanh Niên, xuất bản bằng chữ quốc ngữ. Đây là cơ quan ngôn luận của tổ chức Thanh niên Cách mạng Việt Nam.

Báo Thanh Niên giữ vai trò lịch sử, mở đầu việc tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa cách mạng theo quan điểm Mác - Lênin trong phong trào công nhân, nông dân và trí thức nước ta đấu tranh chống thực dân, đế quốc xâm lược.

Năm 1941, sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước và sáng lập Báo Việt Nam Độc Lập, nhằm kêu gọi nhân dân đoàn kết đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giữa cách mạng và báo chí có sự thống nhất hữu cơ, bởi vì “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do.

Đối với một vấn đề, mọi người bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó, quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý”. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chân lý là độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội.

Mục đích hoạt động của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam là vì dân và từ vai trò to lớn của báo chí đối với xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở những người làm báo: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”.

Để báo chí luôn là diễn đàn tin cậy của nhân dân, Người khẳng định: “Một tờ báo không được đại đa số (dân chúng) ham muốn thì không xứng đáng là một tờ báo”, và “không riêng gì viết sách, viết báo, mà công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của nhân dân”.

Để bảo vệ quyền lợi của nhân dân, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí không chỉ là người tuyên truyền tập thể, tổ chức tập thể; mà còn là vũ khí sắc bén chống lại mọi biểu hiện phản động, tiêu cực đi ngược lại quyền lợi của nhân dân, của đất nước; báo chí là công cụ đấu tranh xã hội, đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp.

Nhớ lại ngày 24-4-1965, trong bức điện gửi Hội Nhà báo Á Phi, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng”. Với đội ngũ các nhà báo nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén”, “ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”, “cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”.

Trong cách thể hiện, Người cho rằng, để báo chí hoàn thành sứ mệnh là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và quần chúng; là cầu nối giữa các quốc gia, là phương tiện để các cộng đồng hiểu biết nhau hơn, “cho nên, làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết”. Đó cũng là đích phấn đấu của báo chí cách mạng Việt Nam suốt gần một thế kỷ qua.

TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI CẦM BÚT

Báo giới Việt Nam là một trong những lực lượng đi đầu ủng hộ các nhân tố mới, góp phần có ý nghĩa vào việc hình thành và thúc đẩy công cuộc đổi mới đất nước. Những người làm báo có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; phải lựa chọn, xử lý thông tin nhanh chóng, trung thực, chính xác, phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của công chúng, đúng định hướng của Đảng, tác động tích cực, có hiệu quả đến tiến bộ xã hội.

Phóng viên Báo Ấp Bắc tác nghiệp trong phòng xử lý mẫu bệnh phẩm xét nghiệm Covid-19, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang vào năm 2021.  Ảnh: M. THÀNH
Phóng viên Báo Ấp Bắc tác nghiệp trong phòng xử lý mẫu bệnh phẩm xét nghiệm Covid-19, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang vào năm 2021. Ảnh: M. THÀNH

Là đội ngũ tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, mỗi nhà báo không chỉ tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam trong hoạt động nghề nghiệp; mà luôn tâm niệm, khắc ghi những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, mình phục vụ ai, viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào. Sức sống, sức lay động dư luận xã hội của một tác phẩm báo chí là được đông đảo bạn đọc đồng tình đón nhận.

Và quan trọng nhất trong mỗi tác phẩm báo chí là phải biết tôn trọng sự thật khách quan, thông tin truyền tải đến độc giả chứa đựng tính nhân văn, định hướng xã hội, phản ánh kịp thời, sốt dẻo. Những tác phẩm báo chí chất lượng dù khác nhau về thể loại nhưng có điểm chung là đề cập đúng vấn đề do thực tiễn cuộc sống đặt ra, cần được xem xét, giải quyết với ý thức trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người cầm bút.

Bên cạnh việc kịp thời biểu dương, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, gương người tốt, việc tốt, những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến; nhiều nhà báo không sợ gian khổ, hiểm nguy trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu và các tệ nạn xã hội, thực hiện dân chủ hóa xã hội gắn liền với việc thiết lập trật tự kỷ cương phép nước, được độc giả ghi nhận và hoan nghênh cổ vũ.

Báo chí là một bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng, là công cụ sắc bén, hiệu quả để động viên, cổ vũ nhân dân thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đội ngũ những người làm báo luôn đoàn kết chặt chẽ, cùng nhau xây dựng nền Báo chí cách mạng Việt Nam ngang tầm nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn lịch sử, vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc, phấn đấu cho mục tiêu cao cả: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đất nước ta đang đứng trước thời cơ và thách thức lớn.

Cùng với thông tin trong nước, báo chí còn thực hiện chức năng thông tin đối ngoại. Đảng ta đã khẳng định: Báo chí một mặt phải chủ động, sáng tạo “làm tốt công tác thông tin đối ngoại, giúp cho cộng đồng quốc tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có thông tin kịp thời, đúng đắn về tình hình đất nước, tranh thủ sự đồng tình của nhân dân ta”. Mặt khác “không ngừng nâng cao chất lượng chính trị, văn hóa, khoa học công nghệ, nghề nghiệp từng bước hiện đại hóa”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập nền Báo chí cách mạng Việt Nam, trong suốt gần một thế kỷ qua báo chí cách mạng Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, nội dung và hình thức; cũng như sự lớn mạnh của đội ngũ những người làm báo.

Từ đó đóng góp to lớn trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược giành độc lập dân tộc. Báo chí cách mạng Việt Nam là một trong những động lực trực tiếp tham gia và thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bước vào thời kỳ công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế hiện nay, báo chí nước ta luôn đi đầu trong công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tích cực đấu tranh chống tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

                                           NGUYỄN HOÀI SƠN

 

 

.
.
.