.

Báo chí Việt Nam trước yêu cầu, nhiệm vụ và thử thách mới

Cập nhật: 10:28, 20/06/2024 (GMT+7)

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện lời dạy của Bác Hồ muôn vàn kính yêu, 99 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu, thể hiện rõ vai trò, sứ mệnh của mình trước vận mệnh của đất nước.

Cách đây tròn 89 năm, vào ngày 21 tháng 6 năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập Báo Thanh Niên - tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta, cơ quan ngôn luận của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, một trong những tổ chức tiền thân rất quan trọng đưa đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam 5 năm sau đó. Báo được in và phát hành bí mật với số lượng chỉ 400, 500 bản một kỳ, được chuyển về nước qua tàu biển hoặc đường bộ, nhưng ngay từ những ngày đầu gian khó ấy, Thanh Niên đã thu hút sự chú ý của nhiều người, nhiều tổ chức yêu nước, cách mạng Việt hoạt động ở Trung Quốc, Pháp, Thái Lan, nhất là các đô thị, các nhà máy, hầm mỏ, bến cảng trong nước. Báo Thanh Niên vạch trần tội ác xâm lược, bóc lột của bè lũ thực dân, phong kiến; phản ánh đời sống lầm than, cùng cực của dân nghèo; đề xuất phương hướng, biện pháp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; kêu gọi tinh thần yêu nước, đoàn kết, nhất tề đứng lên đánh đổ thực dân Pháp và bè lũ tay sai, giành độc lập tự do, xây dựng một xã hội tốt đẹp, dân chủ, nhân văn. Thông qua báo Thanh Niên, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin với đường lối cứu nước, cứu dân theo  yêu cầu mới của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ, từng bước thoát khỏi tình trạng cùng đường, mờ mịt của tầng lớp sỹ phu, văn thân yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Lớp thanh niên của những năm 1930 như chúng tôi vô cùng háo hức mỗi khi được đọc một cuốn sách, thậm chí một bài báo của C.Mác, Ph. Ăng-ghen, V.I. Lênin, Nguyễn Ái Quốc. Báo Thanh Niên do Bác sáng lập và viết nhiều bài, mỗi lần mang về nước là chúng tôi truyền tay nhau đọc đến nhàu nát, rồi chép đi chép lại đến thuộc lòng. Lúc này, tuy chưa được gặp Bác nhưng qua sách, báo của Bác, chúng tôi đã học được ở Bác rất nhiều. Học Bác về lý tưởng cách mạng và cách làm cách mạng. Học Bác về cách tổ chức một đoàn thể. Học Bác về chủ nghĩa yêu nước thương dân, ghét bọn ăn bám, bóc lột. Bài học đầu tiên mà Bác dạy cho chúng tôi là bài học "Tư cách người Kách mệnh" (1)

Cán bộ Báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng

 Từ ngày có Đảng, nhất là từ khi chúng ta giành được chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, báo chí cách mạng Việt Nam luôn  là một bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ công tác tư tưởng, văn hoá của Đảng; là một trong những công cụ sắc bén, hiệu quả để xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng, của chế độ; tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; động viên, cổ vũ, tổ chức nhân dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, là chiếc cầu hữu nghị nối Việt Nam với thế giới.

Xuất phát từ vai trò, tác dụng to lớn, quan trọng của báo chí đối với đời sống xã hội, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lê-nin từng chỉ rõ: Báo chí có tính giai cấp, tính đảng, tính nhân dân, tính văn hóa. Đảng cách mạng phải lãnh đạo báo chí cách mạng, đó là nguyên tắc bất di bất dịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn những người làm báo: “... Phải có lập trường chính trị vững chắc, chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng"[2].  Trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, Người nhấn mạnh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ"[3]. Trong bức điện gửi Hội Nhà báo Á-Phi, Người khẳng định: "Đối với những người viết báo chúng ta, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng"[4]. Người động viên, nhắc nhở những người làm báo: "Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà"[5]; "Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường của giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hoá, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình"[6].

b

Kệ kim cương tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, trưng bày 8 tờ báo được Hiệp hội Báo chí Thế giới xếp hạng cổ nhất trên thế giới và 2 tờ báo của Việt Nam. Trong đó, 2 tờ báo của Việt Nam là tờ Gia Định Báo - tờ báo đầu tiên xuất bản bằng chữ Quốc ngữ và Báo Thanh niên - tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: Hiền Anh

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện lời dạy của Bác Hồ muôn vàn kính yêu, 99 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu, thể hiện rõ vai trò, sứ mệnh của mình trước vận mệnh của đất nước. Nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã dùng báo chí như là vũ khí đấu tranh, công cụ tuyên truyền, phương thức lãnh đạo cách mạng, trở thành những nhà báo, nhà lãnh đạo báo chí xuất sắc như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Huỳnh Thúc Kháng, Xuân Thủy, Hoàng Tùng, Lưu Quý Kỳ, Hà Đăng, Hồng Hà, Hữu Thọ, Đào Tùng, Trần Lâm, Quang Đạm, Trần Công Mân, Trần Bạch Đằng,  Nguyễn Thành Lê, Phan Quang, Huỳnh Văn Tiểng… Hàng trăm nhà báo đã chiến đấu, hy sinh anh dũng trong tư thế của người chiến sỹ thời chống Pháp và chống Mỹ như Nam Cao, Trần Đăng, Thôi Hữu, Hoàng Lộc, Thâm Tâm, Hồng Nguyên, Nguyễn Thi, Nguyễn Mỹ, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý, Trương Thị Mai, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Lương Nghĩa Dũng, Nguyễn Ngọc Tứ, Trần Viết Thuyên, Phạm Minh Tước, Trương Công Nghĩa,…và hàng trăm nhà báo - liệt sỹ khác.

Những năm tháng đầy hy sinh, gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng, vẻ vang đó, nhiều tác phẩm báo chí được viết, được in ấn thô sơ dưới hầm sâu, trong ngục tối, trong những điều kiện hết sức khó khăn, nhưng được đông đảo đồng chí, đồng bào yêu quý, chuyền tay nhau đọc, thắp lên trong họ niềm tin mãnh liệt về lý tưởng cách mạng, hun đúc ý chí, khích lệ hành động xả thân vì nghĩa lớn. Nhiều tác phẩm báo chí như hồi kèn tập hợp, động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xiết chặt đội ngũ dưới cờ Đảng quang vinh, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

b

Các nhà báo Trường Chinh, Trần Huy Liệu, Trần Đình Long... tại trụ sở báo Tin tức ở Hà Nội, năm 1938 (ảnh trái) và báo Le Travail số ra ngày 6-11-1936

(Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam)

Chặng đường mới, nhiệm vụ mới, thử thách mới

 Nước ta hiện có một hệ thống báo chí, truyền thông khá hiện đại, chuyên nghiệp và cách mạng với có 6 cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện; 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí (trong đó có 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học và 72 tạp chí văn học nghệ thuật); có 78 kênh phát thanh, 189 kênh truyền hình. Tổng nhân sự lĩnh vực báo chí khoảng 41.000 người, trong đó báo in và điện tử hơn 24.000 người, khối phát thanh, truyền hình khoảng 16.500 người. Nhiều cơ quan báo chí đã chuyển đổi thành cơ quan báo chí đa phương tiện, đa loại hình, hiện diện trên môi trường internet. Các loại hình báo chí di động, báo chí mạng xã hội, báo chí trí tuệ nhân tạo… xuất hiện ngày càng nhiều, vừa đáp ứng nhu cầu xã hội, vừa đặt ra những thách thức không nhỏ.             

Ưu điểm, đóng góp nổi bật của báo chí ta trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế là luôn đi đầu trong công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cổ vũ, khẳng định những thành tựu, bài học của công cuộc đổi mới; tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới của Tổ quốc; đấu tranh đẩy lùi, loại bỏ cái xấu, cái ác, cái lạc hậu; đi đầu trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần làm thất bại chiến lược "Diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch...Phần lớn những người làm báo luôn rèn luyện, phấn đấu để có “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, hoạt động báo chí vẫn còn tồn tại một số hạn chế, yếu kém không nhỏ, có mặt kéo dài: một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ; chưa coi trọng việc nêu gương, cổ vũ, nhân rộng nhân tố mới, điển hình tiên tiến, “người tốt, việc tốt”, sa đà thông tin mặt trái của xã hội, cách thông tin còn thiếu tính nhân văn, tính giáo dục; một bộ phận người làm báo lợi dụng danh nghĩa báo chí để vụ lợi, trục lợi, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp; tham gia mạng xã hội thiếu tính chuẩn mực, thiếu trách nhiệm; một số văn phòng đại diện, phóng viên thường trú hoạt động không theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, để xảy ra nhiều sai sót; tình trạng “báo hóa tạp chí và trang thông tin điện tử” vẫn chưa được khắc phục một cách cơ bản.

“Cuộc đấu tranh về chính trị, tư tưởng thể hiện trên trận địa báo chí, truyền thông dù thời chiến hay thời bình, dù thời bao cấp hay thời thị trường luôn gay go, phức tạp; ở giai đoạn hiện nay, tính chất đó, thách thức đó còn cao hơn, gay gắt hơn so với trước”.

Cuộc cách mạng khoa học-công nghệ, nhất là công nghệ thông tin và xu hướng toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, sâu sắc, tạo ra nhiều cơ hội và cả những thách thức lớn. Cách thức thu nhận, trao đổi thông tin (mạng internet, các website, các blog cá nhân; sự tương tác nhiều chiều trong thông tin); các trào lưu, khuynh hướng tư tưởng xâm nhập, tác động vào nước ta ngày càng mạnh mẽ, đa chiều. Các thế lực cơ hội, phản động, thù địch tăng cường chống phá ta trên nhiều mặt, nhất là trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hoá, báo chí, truyền thông, thực hiện âm mưu "Diễn biến hoà bình" ngày càng thâm độc, nham hiểm.              

Các cơ quan báo chí và nhà báo vừa phải cạnh tranh thông tin và quảng cáo với các cơ quan báo chí khác trong nước, ngoài nước, vừa phải cạnh tranh thông tin và quảng cáo với mạng xã hội. Nếu các cơ quan báo chí chính thống không nhanh nhạy, chủ động, sắc bén, bản lĩnh thì mạng xã hội sẽ lấn lướt và có thể thắng thế ở việc này, việc kia, lúc này, lúc khác.

Ngày nay, tin tức, hình ảnh luôn tràn ngập trên các báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình và mạng xã hội. Các tòa soạn đứng trước mỗi sự kiện, vấn đề đều ứng xử cơ bản giống nhau, nhưng điều làm nên sự khác biệt chính là ở cách thức nắm bắt, xử lý vấn đề, sự kiện và đưa nó đến với công chúng ra sao cho nhanh chóng, chính xác, lôi cuốn, bổ ích. Một cơ quan báo chí mạnh, một nhà báo tốt phải luôn trăn trở, luôn biết làm gì, làm như thế nào để cơ quan mình, bài viết của mình không chỉ dừng lại ở mức chỉ phản ánh vấn đề, sự kiện, sự vật ở mức ở bề ngoài, mà phải đi sâu phân tích, bình luận, phản biện, định hướng dư luận xã hội một cách đúng đắn, tích cực, thuyết phục. Một số chuyên gia quốc tế đã sử dụng thuật ngữ “báo chí trí tuệ” để chỉ hoạt động báo chí sắc sảo, nhân văn, giúp tăng cường sự hiểu biết của con người về thế giới.  Chúng ta vẫn rất cần các tin bài nóng, tin độc quyền, các phóng sự điều tra. Nhưng báo chí trí tuệ nhấn mạnh đến việc phát hiện, dự báo, đưa ra cách nhìn đúng đắn, có trách nhiệm về các sự kiện, vấn đề quan trọng, nóng bỏng đã, đang và sẽ diễn ra. Đó là tình hình thế giới hiện nay, những xung đột, canh tranh sức mạnh; xu thế hòa bình, hợp tác; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chia sẻ; bảo vệ môi trường ở phạm vi quốc gia, khu vực, toàn cầu. Ở trong nước là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, hội nhập quốc tế; mặt mạnh và mặt trái của cơ chế thị trường, của quá trình toàn cầu hóa, của công nghiệp 4.0; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đâu là ưu điểm, kết quả, đâu là nhược điểm, bất cập, cách thức điều chỉnh có tính căn cốt, hệ thống, hiệu quả; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; phát huy dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân; đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực làm sao có kết quả vững chắc; xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trước yêu cầu mới; những phản biện trách nhiệm, bản lĩnh của báo chí với xã hội...

b

Phóng viên tác nghiệp giữa mùa dịch Covid-19

Báo chí muốn hấp dẫn bạn đọc cũng phải biết hướng nội dung đến các vấn đề dân sinh, những đòi hỏi bức thiết: giá điện, giá xăng dầu, chất lượng nước sinh hoạt, chất lượng không khí, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, an toàn cháy nổ; trường học thân thiện…Báo chí chỉ có thể phát triển bền vững khi thật sự được công chúng đón nhận, sống được và có thể "sống khỏe" bằng nguồn chi trả đàng hoàng của các doanh nghiệp, của đông đảo công chúng và các nguồn thu hợp pháp khác. Lịch sử ngành báo chí trên khắp thế giới đã chứng minh rằng độc giả sẽ trả tiền cho nội dung độc đáo, có chất lượng cao và bổ ích trên các nền tảng và phương tiện truyền thông mà họ yêu thích, thấy tiện lợi. Đơn cử như The New York Times từng là một tờ báo in phát triển thịnh vượng, nhưng họ không dừng lại để bị tụt hậu cùng với ngành báo in mà đã phát triển mạnh mẽ bản online, đa phương tiện. Cho đến những năm gần đây, họ đã có trên hai triệu thuê báo số (trả phí đọc báo online) và việc kinh doanh trực tuyến đang ngày càng mang thêm nhiều lợi nhuận cho tờ báo. Các cơ quan báo chí cần xây dựng chiến lược đa dạng hóa nguồn thu của mình, từ quảng cáo, liên kết, tư vấn, tổ chức sự kiện, thương mại điện tử, cho đến sản xuất nội dung số, làm video, audio, làm truyền thông... Tất cả những điều này phụ thuộc vào sự năng động, sáng tạo của mỗi cơ quan báo chí và đội ngũ của mình.

Chúng ta không cho phép biến sản phẩm báo chí thành một loại hàng hóa tầm thường, loại hàng hóa chỉ nhằm mục đích kiếm tiền. Nhưng chúng ta cũng ý thức sâu sắc rằng sự đón đợi của công chúng, sự tiêu dùng của công chúng quyết định đến sự tồn tại và phát triển của chính các cơ quan báo chí. Không có công chúng thì hoạt động báo chí là vô nghĩa. Đến giờ đọc báo hoặc là khi cần xem, nghe nội dung cần thiết đã có trên nền tảng số, công chúng sẽ mở máy thu thanh, thu hình, điện thoại cầm tay và các phương tiện khác hay không ? Đó là những câu hỏi thường trực của cơ quan báo chí và  người làm báo./.

PGS. TS. NGUYỄN THẾ KỶ, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài TNVN,  nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

Theo Tạp chí Tuyên Giáo

 

_____________________________________________________________

(1) Hoàng Quốc Việt:  Con đường theo Bác, NXB Thanh Niên, H, 1990.

(2) Hồ Chí Minh:  Toàn tập, tập 9, Nxb. Chính trị Quốc gia, H. 2001, tr. 414.

(3) Hồ Chí Minh:  Toàn tập, Sđd, t.10, tr. 616.

(4)  Hồ Chí Minh:  Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 441.

(5)_Hồ Chí Minh:  Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 131.

(6) Hồ Chí Minh:  Toàn tập, Sđd, t.9, tr. 415.

.
.
.