Thứ Hai, 17/06/2024, 21:10 (GMT+7)
.

Chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với người làm báo

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để người làm báo nhận thức sâu sắc làm báo là làm cách mạng, người làm báo là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng.

a
Đồng chí Nguyễn Trọng nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc.

Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2025), chiều ngày 17-6, đồng chí Nguyễn Trọng nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã có buổi làm việc với Đảng đoàn Hội nhà báo Việt Nam.

Dự buổi làm việc có các đồng chí: Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân Dân; các đồng chí Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo một số cơ quan thông tấn, báo chí...

Báo cáo kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam và kết quả hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam, đồng chí Lê Quốc Minh, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI đến nay, Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành và Thường trực Hội đoàn kết, nhất trí trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo Hội Nhà báo Việt Nam trong việc quán triệt, triển khai chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là việc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, quán triệt sâu sắc các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến từng cấp hội, hội viên; xác định rõ trách nhiệm vừa thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, vừa là đối tượng gương mẫu trong thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... và các văn bản, quy định gắn trực tiếp với hoạt động báo chí .

Cùng với đó, hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí được Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam quan tâm chỉ đạo. Đây có thể coi là điểm sáng nổi bật trong công tác Hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức hàng trăm lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, tổ chức hội thảo, diễn đàn, giao lưu, tọa đàm báo chí , qua đó giúp các hội viên trau dồi kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ để sáng tạo ngày càng nhiều sản phẩm báo chí hiện đại, có chất lượng, bám sát thực tiễn đời sống xã hội. Giải Báo chí Quốc gia, các giải báo chí chuyên ngành, giải báo chí địa phương ngày càng thu hút được sự quan tâm của báo giới và người dân cả nước. Hội báo toàn quốc ngày càng được tổ chức chuyên nghiệp, thiết thực, hiệu quả, thực sự là ngày hội của những người làm báo và công chúng.

a
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân Dân báo cáo tại buổi làm việc.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động Hội Nhà báo các cấp có nhiều đổi mới, trọng tâm, trọng điểm. Việc củng cố, kiện toàn tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam được quan tâm triển khai. Công tác rà soát, nâng cao chất lượng hội viên, quản lý hội viên được chú trọng. Việc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên; việc khen thưởng, động viên, khích lệ các hội viên có đóng góp tích cực cho hoạt động báo chí, cho công tác hội được triển khai thường xuyên, kịp thời. Đã chú trọng hơn việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý những hội viên vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Sự phối hợp với cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí trong chỉ đạo, định hướng, quản lý hoạt động báo chí ngày càng chặt chẽ, phát huy hiệu quả tích cực.

Công tác đối ngoại, mở rộng quan hệ ngoại giao giữa báo chí Việt Nam với các nước, việc ký kết hợp tác, tham gia hội nghị, hội thảo với các tổ chức báo chí nước ngoài, công tác tổ chức đoàn ra, đoàn vào để tăng cường giao lưu, phối hợp trên lĩnh vực báo chí được Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam quan tâm chỉ đạo, góp phần tích cực vào sự phát triển của báo chí nước nhà cũng như nâng cao hình ảnh, vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Các hoạt động văn hóa, xã hội, từ thiện của Hội Nhà báo Việt Nam, các cấp hội trên cả nước được triển khai thiết thực, hiệu quả, kịp thời, thể hiện nét đẹp nhân văn của người làm báo Việt Nam, lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Công tác chuẩn bị sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 08-4-2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới” cũng như kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2025) đang được triển khai hết sức quyết liệt với việc phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể giữa các đơn vị, bảo đảm việc thực hiện chặt chẽ, hiệu quả, để công tác sơ kết, kỷ niệm bảo đảm chất lượng, hiệu quả, thiết thực, có sức lan tỏa cao.

Việc triển khai Kế hoạch 154, Kế hoạch 156 của Ban Tuyên giáo Trung ương được Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam quan tâm chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của báo giới cả nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và lãnh đạo một số cơ quan thông tấn, báo chí tập trung đánh giá rõ nét hơn những kết quả mà Hội Nhà báo Việt Nam đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của Hội trong thời gian tới.

a
Đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ vui mừng vì trong thời gian qua Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam đã có nhiều đổi mới, sáng tạo và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đồng chí khẳng định: Những kết quả ấy cho thấy sự nỗ lực của Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam trong lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam.

Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Trọng nghĩa cũng thẳng thắn đánh giá: Hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ qua vẫn còn tồn tại một số mặt hạn chế như: Một số cấp hội chưa quan tâm đúng mức công tác xây dựng Đảng, công tác bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp đối với hội viên, nhà báo, để xảy ra tình trạng một bộ phận không nhỏ cơ quan báo chí, người làm báo xa rời tôn chỉ mục đích, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật, làm suy giảm uy tín của báo chí, ảnh hưởng xấu đến tổ chức Hội. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội tại một số nơi chưa thực sự được quan tâm, coi trọng, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cũng như chưa theo kịp sự phát triển của báo chí hiện đại. Còn tình trạng một số lãnh đạo Hội thiếu nhiệt huyết, thiếu năng động sáng tạo. Chưa phát huy đầy đủ, đúng mức, kịp thời vai trò, trách nhiệm Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam trong xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật của người làm báo… Tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tình trạng “hai mặt” khi tham gia mạng xã hội của người làm báo xảy ra nhức nhối và đáng báo động… Tuy nhiên, việc xem xét, xử lý cũng như kiến nghị giải pháp của các cấp hội còn thờ ơ, thụ động, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao công tác Hội; còn nặng hô hào, phong trào mà thiếu tính chiến đấu, thiếu dũng khí của Hội với vai trò là cơ quan tập hợp, đoàn kết và bảo vệ uy tín của người làm báo.

Để phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Một là, tiếp tục quán triệt và nhận thức sâu sắc vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, có vị trí quan trọng trong hệ thống các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp ở nước ta, là nơi tập hợp, đoàn kết, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên. Chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để người làm báo nhận thức sâu sắc làm báo là làm cách mạng, người làm báo là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng. Làm tốt những điều này, chúng ta sẽ có tổ chức hội mạnh và phát huy tốt vai trò, sứ mệnh nghề nghiệp, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng, giao phó.

Hai là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Hội Nhà báo Việt Nam, hội nhà báo các cấp quán triệt cho các hội viên hội nhà báo tăng cường thông tin, tuyên truyền việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các văn bản, quy định gắn trực tiếp với hoạt động báo chí, hoạt động Hội và Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc Sơ kết 05 thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới; trên cơ sở đó, có những kiến nghị, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền về cơ chế, chính sách cho hoạt động báo chí; hoạt động Hội Nhà báo Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Ba là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Nhà báo các cấp. Củng cố, xây dựng hệ thống tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam thống nhất, chặt chẽ theo Điều lệ Hội. Phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo, thiết thực. Việc kết nạp và cấp thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam phải bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của Điều lệ Hội. Lãnh đạo các cấp hội phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển và quản lý báo chí, đội ngũ người làm báo. Tham gia công tác quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí, lãnh đạo các cấp hội, có cơ chế để thu hút cán bộ có kinh nghiệm, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý làm công tác hội.

a
Đồng chí Nguyễn Trọng nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc.

Bốn là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo Hội Nhà báo Việt Nam quan tâm, chú trọng, tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng chuyên môn, đạo đức, nghiệp vụ cho người làm báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển lớn mạnh, bền vững của báo chí. Hội Nhà báo Việt Nam cần là địa chỉ tin cậy, là điểm tựa về chuyên môn, nghiệp vụ để các cơ quan báo chí tiếp tục nỗ lực, tìm tòi đổi mới mình, thật sự trở thành kênh thông tin chính xác, kịp thời, bám sát thực tiễn đất nước, hơi thở của cuộc sống, từ đó thực hiện chức năng định hướng tư tưởng, tạo đồng thuận trong xã hội, giữ vững vai trò là nguồn thông tin chính thống, đáng tin cậy đối với người dân. Mỗi tác phẩm báo chí phải là một tác phẩm có tính văn hóa, giáo dục. Mỗi người làm báo phải thực sự là một chiến sĩ trên trận địa tư tưởng với "mắt sáng, lòng trong, bút sắc", nhanh nhạy trong hoạt động nghiệp vụ, dám đấu tranh chống lại những sai phạm, giữ vững bản thân trước những cám dỗ thường trực...

Chủ động rà soát tổng thể các giải báo chí toàn quốc, giải báo chí của các bộ, ngành, lĩnh vực, địa phương để có báo cáo đánh giá toàn diện, sâu sắc về tính chất, quy mô, chất lượng, hiệu quả của từng giải báo chí, từ đó đề xuất giải pháp căn cơ, hiệu quả; cần tham mưu đề xuất quy hoạch giải phù hợp; tập trung nghiên cứu, đổi mới, nâng cao chất lượng Giải Báo chí Quốc gia để duy trì, khẳng định vị thế, uy tín của Giải.

Năm là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo Hội Nhà báo Việt Nam quan tâm, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát hội viên, việc thực hiện những quy định của người làm báo Việt Nam, quy tắc tham gia mạng xã hội; kiên quyết, kịp thời chấn chỉnh những nhà báo hội viên có biểu hiện diễn biến về tư tưởng chính trị, xuống cấp về đạo đức; xử lý nghiêm người làm báo vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp. Cần phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, kịp thời xử lý, có những phán quyết nghiêm minh đối với các cấp hội, hội viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Song song với đó, cần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của hội viên, kịp thời quan tâm, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của hội viên; động viên, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động báo chí, công tác hội; tiếp tục chỉ đạo các cấp hội nhà báo hưởng ứng, thực hiện hiệu quả phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí"...

Sáu là, tiếp tục khẩn trương triển khai các đề án, kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, trong đó tập trung vào việc ôn lại truyền thống vẻ vang, những đóng góp quan trọng, to lớn, sứ mệnh cao cả của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng bảo vệ Tổ quốc; khẳng định sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương, sự ủng hộ, tin tưởng của Nhân dân đối với sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam; cổ vũ, động viên, biểu dương, tôn vinh và tri ân những thế hệ người làm báo, các cơ quan báo chí có thành tích tiêu biểu, xuất sắc; bồi dưỡng, giáo dục niềm tự hào, lòng yêu nghề đối với đội ngũ những người làm báo trên cả nước, góp phần xây dựng đội ngũ những người làm báo cả nước ngày càng vững vàng về bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, thực hiện tốt yêu cầu “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Cần coi đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, để sự kiện này trở thành một cột mốc đáng nhớ đối với báo giới cả nước với những hoạt động ý nghĩa, có chiều sâu.

Bảy là, khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thật tốt công tác chuẩn bị cho Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Cần nhận thức sâu sắc rằng Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam là sự kiện chính trị - xã hội - nghề nghiệp quan trọng, là diễn đàn của giới báo chí cả nước, do đó, công tác chuẩn bị, tổ chức Đại hội phải được thực hiện với yêu cầu cao cả về nội dung văn kiện, công tác nhân sự cũng như công tác tổ chức Đại hội. Đây là một công việc hết sức quan trọng. Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, chặt chẽ, khoa học để việc tổ chức Đại hội diễn ra thành công, tốt đẹp, tạo dấu ấn, diện mạo mới của báo chí cách mạng Việt Nam giai đoạn sau 100 năm xây dựng và phát triển./.

Theo dangcongsan.vn


 

.
.
.