Thứ Năm, 06/06/2024, 21:27 (GMT+7)
.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

(ABO) Ngày  6-6, Quốc hội tiếp tục Chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7. Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) và các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực VHTT&DL.

Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang có câu hỏi: Theo báo cáo của Bộ trưởng và trao đổi của Bộ trưởng, chúng ta phấn khởi trước những kết quả về phục hồi và phát triển du lịch quốc tế và nội địa mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt phục hồi sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ VHTT&DL cũng nêu một khó khăn, thách thức đối với ngành Du lịch là sản phẩm du lịch đường biển, đường sông còn thiếu hạ tầng, cảng khách chuyên biệt, bến thủy, môi trường kinh rạch chưa đảm bảo mà đây là vấn đề khó, đòi hỏi liên ngành, địa phương và báo cáo cũng chưa có giải pháp cụ thể về vấn đề này. Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ đã có đề xuất, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan như thế nào để giải quyết khó khăn này?

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm chất vấn tại hội trường
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm chất vấn tại hội trường.

Trả lời vấn đề đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đặt ra, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết: Việt Nam có lợi thế về bờ biển đẹp, vì vậy vấn đề này cũng được Đảng và Nhà nước quan tâm. Hiện nay, chúng ta có 6 cảng dịch vụ để phục vụ khách du lịch và có 153 bến khách để phục vụ cho khách du lịch, đây lại là bến khách dùng chung chứ không phải chỉ riêng cho du lịch. Trong thời gian qua, cảng biển và du lịch bằng tàu biển bình quân một năm chúng ta đón được khoảng 300.000 lượt khách và các tàu lớn đã cập cảng ở đây, cũng đem lại một nguồn thu khá lớn bằng đường biển này.

Trong thời gian tới, về phía ngành VHTT&DL đang xây dựng gói sản phẩm, bởi vì khách du lịch đường biển khi cập cảng thời gian lưu lại không nhiều, thường khoảng 1 ngày đến 2 ngày. Cho nên phải xây dựng gói sản phẩm du lịch để khi khách du lịch chuyển từ tàu lên đất liền được thăm, khám phá, được trải nghiệm; sẽ có gói sản phẩm linh hoạt trong quỹ thời gian cho phép. Hiện nay, chúng tôi hướng dẫn các địa phương có cảng biển đang làm và vừa qua Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Quảng Ninh đều làm rất tốt và đang tiếp cận nghiên cứu để tránh sự dàn trải.

Bộ VHTT&DL cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo với Chính phủ để tiếp tục quan tâm và quy hoạch tổng thể hệ thống cảng để có điều kiện cho các tàu khách lớn, các tàu du lịch lớn được cập cảng và có thêm lượng khách để chúng ta đón.

Tiếp đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ làm rõ một số vấn đề thuộc 4 nhóm nội dung chất vấn và trực tiếp trả lời chất vấn.

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV với 4 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chính của Bộ trưởng các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Bộ VHTT&DL và Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đã có 193 lượt ĐBQH phát biểu (trong đó 162 lượt đại biểu chất vấn 31 lượt đại biểu tranh luận); còn 160 đại biểu đã đăng ký nhưng do hết thời gian, chưa được phát biểu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH gửi câu hỏi đến Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành để được trả lời bằng văn bản theo quy định.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, các nội dung chất vấn đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, “đúng” và “trúng” những vấn đề cử tri, nhân dân cả nước và các ĐBQH quan tâm; tiếp tục khẳng định đây là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn Phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn,
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng. Các ĐBQH qua thực tiễn hoạt động của mình đã nắm chắc tình hình, nghiên cứu kỹ các báo cáo, nêu câu hỏi, cũng như tranh luận ngắn gọn, rõ ràng, thiết thực, đi thẳng vào các vấn đề, hầu hết các đại biểu khi hỏi chỉ nêu 1 vấn đề nên có nhiều đại biểu được chất vấn và cũng thuận lợi trong việc theo dõi, ghi chép và trả lời của Chủ tọa, các bộ trưởng, trưởng ngành; nội dung các câu hỏi cơ bản thuộc nội dung, phạm vi chất vấn.

Qua quá trình chất vấn, các ĐBQH đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, phân tích rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp, với mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục có các giải pháp phù hợp, quyết liệt, hiệu quả hơn, vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, đáp ứng niềm tin và sự mong mỏi của cử tri và nhân dân cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH, phát huy những kết quả đạt được, tập trung khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực, tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn, đồng bộ hơn, toàn diện hơn, hiệu quả hơn các nhiệm vụ đã đề ra trong thời gian tới.

THU HOÀI - MINH TRÍ

.
.
.