Chủ Nhật, 30/06/2024, 21:12 (GMT+7)
.
Dấu ấn đối ngoại Đảng trong nền ngoại giao Việt Nam

Bài 1: Đối ngoại Đảng - một truyền thống quý báu

Bài 1: Đối ngoại Đảng - một truyền thống quý báu
Bài 2: Khẳng định "tâm" và "tầm" của Đảng
Bài cuối: Vững tin, vững tiến trên chính trường thế giới!
 

Với mưu đồ, thủ đoạn tinh vi, thâm độc, thời gian qua, các thế lực thù địch liên tục tung ra nhiều chiêu trò hòng hạ bệ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và phủ nhận thành quả đối ngoại Đảng - một trụ cột quan trọng của mặt trận đối ngoại Việt Nam. Thế nhưng, tất cả những chiêu trò ấy đều bị ánh sáng sự thật xua tan, phủ nhận; càng làm cho dư luận trong và ngoài nước thêm vững tin vào vai trò, sứ mệnh lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời bày tỏ sự tán dương, cảm phục trước thành quả có dấu ấn lịch sử của công tác đối ngoại Đảng.

Không khó để nhận ra, các thành phần phản động, chống phá cách mạng luôn cố ý lấp liếm, quy chụp rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ giỏi lãnh đạo “đánh nhau”, chứ không biết gì về đối ngoại; và nếu có cũng chỉ là sự ăn may, hoặc “tô hồng” thành tích. Thực tế, đối ngoại của Đảng là một truyền thống quý báu và kết quả đối ngoại Đảng là những thành tựu hết sức to lớn, có dấu ấn lịch sử.

1. Những ngày qua, trên một số trang mạng địa chỉ ở nước ngoài đăng tải nhiều bài viết có nội dung cắt ghép, bóp méo sự thật một cách trắng trợn, hòng “minh chứng” cho những chủ ý xấu xa. Các bài viết, video này có nội dung cố tình đặt điều: Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam không phải là nguyên thủ quốc gia nên không được các nước trên thế giới tiếp đón ngoại giao bằng nghi thức trang trọng; kết quả đối ngoại Đảng chỉ là sự bịa đặt, hoặc là hệ quả tất yếu của đối ngoại Nhà nước, ngoại giao nhân dân.

Nhiều “chủ bút” lớn tiếng rêu rao: Đảng tiến hành đối ngoại cũng chẳng qua là vì lợi ích của Đảng - của một nhóm quyền lực, chứ không vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Trong khi, một số đối tượng chống phá giả danh khoa học hoặc đội lốt “diễn giả” hồ đồ quy kết hoạt động đối ngoại Đảng là không cần thiết, chỉ nặng hình thức.

Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì lễ đón trọng thể Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam ngày 20-6-2024. Ảnh: Trọng Hải
Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì lễ đón trọng thể Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam ngày 20-6-2024. Ảnh: Trọng Hải

Với những danh nghĩa tự xưng là: “Luật sư độc lập”, “nhà báo tự do”, “nhà dân chủ, nhân quyền”, “người Việt yêu nước”...; thông qua các hình thức trá hình, như: “thư góp ý”, “lời kêu gọi”, “tư vấn”, “kiến nghị”… cho Nhà nước Việt Nam, các thế lực thù địch và thành phần bất mãn, hiềm khích cố tình đan cài nhiều nội dung sai lệch, nhằm hạ thấp, phủ nhận kết quả công tác đối ngoại Đảng. Trong khi đó, các blogger, tài khoản mạng xã hội và các website có địa chỉ ở nước ngoài chủ ý tung tin thất thiệt về những chỉ đạo đối ngoại sai lầm của Đảng trong giải quyết mối quan hệ bạn - thù, trong ứng xử với đối tác, đối tượng. Chúng “khuyên nhủ” Việt Nam nên từ bỏ chính sách “ngoại giao cây tre” vì không thể “gió chiều nào, ngả chiều ấy”; không thể chọn phe để ứng xử ngoại giao “thiếu đạo hiếu”, “thiếu nghĩa tình” với các nước láng giềng, đối tác truyền thống.

Không khó để nhận ra những thủ đoạn trên là hòng cố tình chống phá quá trình thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng ta; nhằm gây hoang mang, dao động đối với một bộ phận cán bộ, quần chúng; dễ nảy sinh các biểu hiện tư tưởng “xét lại”, “phủ nhận lịch sử”; làm thui chột động lực phấn đấu, nỗ lực cống hiến vì một nước Việt Nam đang trên đà phát triển, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia trên thế giới. Hơn thế, các luận điệu chống phá còn hướng đến việc phá hoại, ngăn cản nỗ lực mở rộng quan hệ đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam với các nước, các chính đảng trên thế giới; khiến dư luận trong và ngoài nước nhìn nhận, đánh giá sai lệch về vị thế, vai trò, bản chất, truyền thống và sứ mệnh lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ sự nguy hại đặc biệt đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng phải không ngừng học tập, nghiên cứu, nắm chắc tình hình; luôn đề cao cảnh giác cách mạng để có tâm thế sẵn sàng, vững vàng trong tham gia phòng ngừa, đấu tranh với mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá bằng tinh thần, trách nhiệm cao nhất, mang lại hiệu quả cao nhất!

2. Những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch dù thâm độc, xảo quyệt, nhưng xét về bản chất, đó là những luận điệu vu khống, quy chụp, không có căn cứ và mang đậm màu sắc phản động. Đó là những tiếng nói lạc lõng, bịa đặt của những kẻ lạc lối, chắc chắn không thể phủ nhận thành quả của công tác đối ngoại Đảng trong nền ngoại giao Việt Nam.

Thực tiễn chứng minh: Ngay từ trước khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (năm 1945), Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng, phát huy hiệu quả vai trò của đối ngoại Đảng nhằm phục vụ mục tiêu cao nhất lúc đó là giải phóng dân tộc, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong quá trình hoạt động cách mạng, vận động thành lập Đảng cho đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930), đích thân lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và nhiều đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng đã trực tiếp tiến hành công tác đối ngoại Đảng trên nhiều phương diện, bằng nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo. Trên cương vị là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, các đồng chí lão thành cách mạng, các bậc tiền bối đã giải quyết tốt mối quan hệ với lãnh đạo của nhiều chính đảng, nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là với các đảng Cộng sản; thậm chí là với chính khách, chính đảng ở phương Tây và cả ở chính quốc gia đi xâm lược Việt Nam.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 1-11-1949, cơ quan chuyên trách về công tác đối ngoại của Đảng được thành lập với tên gọi Phòng Lào - Miên Trung ương (tiền thân của Ban Đối ngoại Trung ương ngày nay), trực thuộc Ban Thường vụ Trung ương. Sự kiện đó có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu việc “định danh” một mũi giáp công mới, hết sức quan trọng trong lĩnh vực đối ngoại - đó là đối ngoại Đảng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào Sonexay Siphandone ngày 22-4-2024 trong dịp tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN tại Hà Nội. Ảnh: Trọng Hải
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào Sonexay Siphandone ngày 22-4-2024 trong dịp tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN tại Hà Nội. Ảnh: Trọng Hải

Suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đối ngoại Đảng luôn chủ động mở rộng quan hệ, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các chính đảng, các phong trào tiến bộ trên thế giới đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam; tạo nên mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn, kết thành sức mạnh tổng hợp, đưa các cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc ta đi đến thắng lợi cuối cùng.

Bước vào giai đoạn đổi mới đất nước, đối ngoại Đảng phát huy vai trò chủ động, góp phần phá thế cô lập, bao vây, cấm vận; vượt qua những biến cố và sóng gió của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế trên thế giới; phối hợp hiệu quả trong việc tham mưu, đề xuất đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại. Đối ngoại Đảng có nhiều đóng góp quyết định trong việc duy trì và thúc đẩy môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; tranh thủ các điều kiện thuận lợi cho công cuộc đổi mới, phát triển đất nước nhanh, bền vững. Đối ngoại Đảng đã tạo nguồn sức mạnh mới, tạo thế đứng vững chãi cho nền ngoại giao nước ta với ba trụ cột (đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân); bổ sung, hỗ trợ hiệu quả, cùng nhau triển khai thắng lợi đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam.

3. Xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm đề ra phương hướng và các giải pháp cụ thể liên quan đến công tác đối ngoại Đảng. Đặc biệt, ngày 18-2-2019, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW, “Về tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại Đảng trong tình hình mới” là dấu mốc quan trọng thể hiện sự phát triển về tư duy lý luận, khẳng định vai trò quan trọng của đối ngoại Đảng. Chỉ thị nhấn mạnh, “tăng cường đối ngoại Đảng là định hướng chiến lược đối ngoại quan trọng hàng đầu” và “là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng làm công tác đối ngoại là nòng cốt”; đề ra nhiệm vụ mở rộng và đưa các mối quan hệ đối ngoại Đảng đi vào chiều sâu, tạo nền tảng chính trị vững chắc cho quan hệ song phương, tranh thủ sự ủng hộ và tạo thêm sự hỗ trợ về mặt chính trị cho quan hệ nhà nước, cũng như đối ngoại nhân dân.

Tiến trình lịch sử cho thấy, công tác đối ngoại Đảng đã kế thừa, phát huy, nâng lên tầm cao mới truyền thống, bản sắc riêng, rất độc đáo của nền ngoại giao Việt Nam. Đó là cung cách ngoại giao đầy hào khí, giàu nhân văn, trọng lẽ phải, tôn trọng công lý và vì chính nghĩa. Đối ngoại Đảng giữ vai trò chỉ đạo, dẫn dắt nền ngoại giao nước nhà theo hướng hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước, văn hóa dân tộc, truyền thống ngoại giao Việt Nam với tinh hoa văn hóa và kinh nghiệm ngoại giao thế giới. Trong đó, luôn đề cao mục tiêu độc lập dân tộc, tinh thần hòa hiếu, hữu nghị, dùng ngoại giao để đẩy lùi xung đột, nguy cơ chiến tranh; giải quyết bất đồng bằng phương pháp hòa bình; gắn với thực tiễn sinh động, mau lẹ của thế giới, đưa Việt Nam hòa nhập vào dòng chảy của thời đại.

Trong hoạt động đối ngoại Đảng, Đảng ta luôn quán triệt nhất quán, xuyên suốt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là "phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ" để biết mình, biết người, luôn làm chủ tình thế; hiểu rõ vị trí địa chiến lược của Việt Nam trong mối quan hệ giữa các nước lớn và khu vực. Đặc biệt, coi trọng việc xử lý khéo léo quan hệ với các nước; luôn "biết mình, biết người", "biết thời, biết thế" để hành xử “đủ tâm” và “đúng tầm”; thực hiện "cương nhu kết hợp", "tùy cơ ứng biến",“dĩ bất biến, ứng vạn biến”… vì lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc.

Đối ngoại Đảng đã góp phần xây dựng và phát triển một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam": Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.

Với bề dày truyền thống quý báu, công tác đối ngoại Đảng hiện nay đã có những bước tiến to lớn, đóng góp quan trọng vào những thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp cách mạng, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Công tác đối ngoại là một điểm sáng trong toàn bộ những thành tựu chung của đất nước”, và “ngành Ngoại giao đã đóng vai trò tiên phong trong thời bình, góp phần bảo vệ an ninh, độc lập và chủ quyền đất nước”.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.