Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang chất vấn các Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng
(ABO) Ngày 4-6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp 7. Buổi sáng, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề đầu tiên thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường (TN-MT). Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.
Nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực TN-MT, các đại biểu có nhiều nội dung chất vấn gửi đến Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh tập trung vào việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước; giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.
Đại biểu Tạ Minh Tâm chất vấn tại hội trường. |
GIẢI PHÁP XỬ LÝ NƯỚC THẢI, TÁI SỬ DỤNG NƯỚC THẢI?
Gửi câu hỏi chất vấn đến Bộ trưởng Bộ TN-MT và Bộ trưởng Bộ Xây dựng về công tác quản lý xả thải và tái sử dụng nước thải, đại biểu Tạ Minh Tâm, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm trong thực hiện Nghị định số 80 năm 2014, Nghị định số 38 năm 2015, Nghị định số 08 năm 2022 của Chính phủ và các quy định có liên quan đối với công tác quản lý nhà nước về thoát nước, xử lý nước thải, tái sử dụng nước thải ở khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư nông thôn cũng như định hướng giải pháp trong thời gian tới nhằm phóng, chống tình trạng suy giảm, ô nhiễm nguồn nước.
Trả lời đại biểu về xử lý nước thải, tái sử dụng nước thải tại các khu công nghiệp tập trung, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh khẳng định, việc tái sử dụng nước thải, phục vụ kinh tế tuần hoàn là rất cần thiết. Thời gian qua, Bộ TN-MT và các bộ, ngành liên quan cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về nội dung này.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn. |
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08 quy định chi tiết một số nội dung liên quan đến tái sử dụng nước thải, trách nhiệm của Bộ TN-MT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan đã ban hành các văn bản hướng dẫn; tăng cường hợp tác quốc tế về lĩnh vực này.
Bộ TN-MT sẽ hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh trong việc tăng cường thu gom, xử lý nước thải, đặc biệt là các nguồn thải lớn ở địa phương; phối hợp với các địa phương thực hiện hệ thống quan trắc tự động và hệ thống xử lý nước thải; thực hiện điều hòa phân phối nguồn nước.
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước hiện nay, Luật Tài nguyên nước cũng đã quy định cụ thể, trong đó, Bộ TN-MT cũng tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch quản lý chất lượng nguồn nước mặt đối với sông hồ liên tỉnh, trong đó nêu rõ công tác kiểm tra, quản lý chất lượng môi trường.
Để quản lý chất lượng nguồn nước này cần tăng cường hệ thống cơ sở dữ liệu quan trắc, quản lý kiểm kê, đánh giá mức độ nguồn thải. Bộ TN-MT cũng đang rà soát, đánh giá mức chịu tải của 13 lưu vực sông để có giải pháp phù hợp; đồng thời, yêu cầu các địa phương xây dựng dự án đầu tư ở vị trí nào, xả thải ra sao và những khu vực cấm và không được xả thải tránh quá tải.
Đối với nội dung chất vấn về ngân sách chi cho công tác bảo vệ môi trường, Bộ trưởng cho biết, Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị đã yêu cầu ngân sách nhà nước cho công tác này không dưới 1%, tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương chưa đảm bảo mức chi này cho công tác bảo vệ môi trường, nhất là các địa phương chưa tự cân đối thu chi ngân sách.
Giải pháp thời gian tới được Bộ trưởng nêu ra là đầu tư, phát triển công nghệ, xây dựng, vận hành các công trình thu gom, xử lý, xây dựng hạ tầng… cần nguồn lực rất lớn. Bộ TN-MT cũng đề xuất hỗ trợ các hoạt động bảo vệ môi trường có tính chất đầu tư (như đầu tư hệ thống thu gom nước thải, rác thải).
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, việc thực hiện bảo vệ môi trường cũng cần có giải pháp đồng bộ, thời gian dài hạn cần có nhiều dự án thí điểm, dự án khôi phục các dòng sông. Bên cạnh đó, để bảo vệ môi trường quốc gia, cần tính đến Chương trình mục tiêu quốc gia, để không chỉ được hỗ trợ về nguồn lực mà tất cả người dân, doanh nghiệp đều tham gia vào bảo vệ môi trường. Ngoài nguồn lực đầu tư công, cũng cần huy động nguồn lực từ xã hội hóa, từ người dân, từ doanh nghiệp. Bộ trưởng cũng mong muốn các địa phương ưu tiên ngân sách cho công tác bảo vệ môi trường.
Đối với chất vấn phân cấp cho địa phương trong triển khai Luật Tài nguyên nước, Bộ trưởng cho biết hiện nay đã giao cho các địa phương 28 nội dung. Hiện nay, Bộ TN-MT đã tham mưu Thủ tướng ban hành phân cấp, theo hướng phân cấp triệt để, trong đó địa phương phân cấp chiếm 94% tổng số giấy phép; thẩm quyền của Bộ TN-MT chỉ chiếm 6%. Bộ trưởng mong muốn khi luật có hiệu lực, cần vào cuộc ngay, bởi có sự phân cấp, cần nâng cao trách nhiệm đảm bảo an ninh nguồn nước, điều hòa, phân phối, quản lý lưu vực sông hiệu quả.
Liên quan đến vấn đề ngập úng đô thị do san lấp ao hồ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, tình trạng này diễn ra phức tạp do một số nguyên nhân như: Tác động của tự nhiên, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt; đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, khả năng tiêu thoát nước giảm xuống; công tác quy hoạch chưa đáp ứng được dự báo cũng như đáp ứng các yêu cầu để phòng, chống ngập úng đô thị; việc triển khai thực hiện quy hoạch và do công tác lập, thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch cũng chưa đáp ứng yêu cầu; ý thức của người dân còn chưa cao, việc xả rác thải vẫn còn diễn ra... dẫn đến là cản trở dòng chảy thoát nước.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Xây dựng đưa ra các giải pháp, thứ nhất là tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cơ chế, chính sách có liên quan đến công tác thoát nước cũng như xử lý nước thải, trong đó có tập trung xây dựng Luật Quy hoạch đô thị, nông thôn; Luật Cấp thoát nước cũng như Luật Quản lý phát triển đô thị và những hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức có liên quan đến xử lý nước thải.
Giải pháp thứ hai là nâng cao chất lượng quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Giải pháp thứ ba là tập trung nguồn lực để xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị để đảm bảo công tác thoát nước cũng như xử lý nước thải đô thị. Giải pháp thứ tư là tiếp tục rà soát, tập trung hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra các địa phương để triển khai các quy hoạch cũng như các quy định pháp luật trong công tác xử lý nước thải, thoát nước thải đô thị.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu tranh luận. |
NHIỀU GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ HẠN, MẶN Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Liên quan đến vấn đề ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, mất an ninh nguồn nước, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu tranh luận.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm nêu rõ, Bộ trưởng đã chia sẻ rất nhiều về giải pháp, quyết tâm của ngành trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh nguồn nước. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm nhận thấy, tất cả các phần trao đổi và báo cáo của Bộ TN-MT không có nội dung nào phân tích về ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, mất an ninh nguồn nước đối với các nhóm dễ bị tổn thương hơn trong xã hội như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số…
Vì thực tế đây là những đối tượng bị ảnh hưởng sâu sắc, nặng nề các vấn đề nêu trên. Đây cũng là thách thức rất lớn với mục tiêu thực hiện bình đẳng giới quốc gia hiện nay và trong thời gian tới mà Quốc hội đã thảo luận kỹ trong đầu Kỳ họp. Do đó, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đề nghị Bộ trưởng TN-MT cho biết ý kiến về vấn đề này.
Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7. |
Trả lời ý kiến đại biểu liên quan đến vấn đề xâm nhập mặn, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu rõ, với tác động của biến đổi khí hậu, Đồng bằng sông Cửu Long bị tình trạng xâm nhập mặn sâu, dự báo trong thời gian tới, việc lưu lượng nước hạn chế, tình trạng xâm nhập mặn sẽ còn cực đoan hơn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tính đến phương án thích ứng với biến đổi khí hậu bằng chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Ví dụ từ sản xuất nuôi trồng ngọt, chuyển sang sản xuất nuôi trồng lợ; có các giải pháp công trình đồng bộ thủy lợi, cố gắng giữ nước ngọt. Nội dung này, Bộ sẽ có văn bản để trả lời, phân tích, đánh giá đầy đủ hơn tới các đại biểu. Bộ trưởng cũng cho biết, đối với các đối tượng yếu thế, do biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hạn hán, những người như phụ nữ, trẻ em, người già sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Từ đó có các tác động đến kinh tế gia đình, sinh hoạt. Do đó, chúng ta phải đặc biệt quan tâm và ưu tiên những đối tượng này.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn. |
Trả lời vấn đề đại biểu nêu liên quan đến hồ chứa nước, hồ thủy lợi và tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ với những khó khăn của người dân ở khu vực này. Bộ trưởng cũng cho biết, tình trạng sạt lở đang diễn ra, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chuyến thị sát và giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình đề án tổng thể về vấn đề này, dự kiến đến tháng 9 tới, Bộ sẽ trình đề án, trong đó tiếp cận một cách tổng thể hơn, chiến lược hơn về vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn.
Bộ cũng tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; tổ chức diễn đàn do Thủ tướng Chính phủ chủ trì gặp gỡ lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học của 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nghe thêm ý kiến của chuyên gia về vấn đề này.
Về tài nguyên nước, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết trên thế giới đang đánh giá chúng ta đang ở trong kỷ nguyên khô hạn mang tính chất toàn cầu, không riêng gì Việt Nam, trong đó Việt Nam lại là quốc gia bị tổn thương nhất. Bộ trưởng khẳng định, tiếp cận vấn đề nước chúng ta phải tiếp cận ba chủ thể: Số lượng nước, chất lượng nước và cách thức chúng ta sử dụng nguồn nước.
Đặc biệt, cách thức sử dụng nguồn nước sẽ tác động tới số lượng nước và chất lượng nước. Chúng ta chưa bao giờ xem nước là tài nguyên, nhưng đứng trước thách thức biến đổi khí hậu, cách thức chúng ta khai thác, sử dụng, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận với nguồn nước.
Chúng ta cũng cần có “tuyên ngôn” với nông dân cả nước rằng, chúng ta không phải là một quốc gia dư thừa nước, do vậy cần có cách tiếp cận ngắn hạn, vừa dài hạn, vừa có chiến lược tổng thể để chuyển đổi trạng thái nông nghiệp, từ tưới tràn, tưới xả sang tưới nhỏ giọt…
Bộ trưởng nhấn mạnh, tiết kiệm nước còn liên quan đến phát thải khí nhà kính, trong đó đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh, tiết kiệm nước hơn sẽ làm giảm phát thải. Bộ trưởng cũng mong muốn Quốc hội ủng hộ đề án Chính phủ đã phê duyệt.
Về các giải pháp trước mắt hạn chế xâm nhập mặn, trữ ngọt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đề nghị Chính phủ ưu tiên đầu tư cho Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các công trình có độ phủ rộng, nhiều người dân hưởng lợi.
Về hồ chứa, Bộ trưởng khẳng định, các địa phương cần phải xem xét thận trọng, bởi không phải dễ để sử dụng diện tích lớn làm hồ trữ nước của một địa phương để phục vụ cho địa phương khác, nhất là địa hình bằng phẳng, không có độ dốc. Bộ trưởng cho rằng, các địa phương nên tham khảo kinh nghiệm của tỉnh Trà Vinh trong tiếp cận nguồn nước, các giải pháp tiết kiệm nước, ngăn chặn xâm nhập mặn.
Về hồ thủy lợi, theo phân cấp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trực tiếp quản lý 5 hồ lớn và 25 hồ liên quan nhiều tỉnh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân cấp cho các địa phương quản lý. Đến thời điểm này, các hồ an toàn, đang được thường xuyên theo dõi, quản lý.
Đối với 900 hồ lớn, vừa, nhỏ đã phân cấp các địa phương quản lý, nguồn lực đầu tư theo luật ngân sách của địa phương. Tuy nhiên, đối với một số địa phương nguồn lực hạn chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ có giải pháp cụ thể hơn. Bộ trưởng đề nghị các ĐBQH tăng cường giám sát, đề xuất duy tu, sửa chữa đảm bảo an toàn hồ đập do địa phương quản lý…
* Chiều cùng ngày, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực công thương. Các ĐBQH tập trung chất vấn các vấn đề gồm: Công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử; giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các FTA và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên là người trả lời chính. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
THU HOÀI - MINH TRÍ