Thứ Tư, 05/06/2024, 14:30 (GMT+7)
.
KỶ NIỆM 135 NĂM NGÀY SINH CỤ NGUYỄN VĂN TỐ (5-6-1889 - 5-6-2024)

Cụ Nguyễn Văn Tố với sự nghiệp "Khai dân trí, chấn dân khí" ở Việt Nam

Cụ Nguyễn Văn Tố - Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; nhà trí thức yêu nước, có nhiều công lao và cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Cụ là tấm gương sáng ngời về lòng dũng cảm, kiên trung bất khuất, hết lòng vì nước, vì dân; một nhân cách lớn có đủ nhân - trí - dũng - liêm. Cụ Nguyễn Văn Tố là một học giả uyên bác, từng là Hội trưởng Hội Truyền bá quốc ngữ người có công lớn trong việc xóa nạn mù chữ ở Việt Nam. Sau Cách mạng Tháng Tám, với chức vụ Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội trong Chính phủ Cách mạng lâm thời, cụ đã có công lớn trong việc “chống giặc đói”.

MỘT HỌC GIẢ UYÊN BÁC

Nguyễn Văn Tố, bút hiệu Ứng Hòe, sinh ngày 5-6-1889, tại làng Đông Thành, huyện Thọ Xương, nay là phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội. Thuở nhỏ, ông học chữ Hán. Sau đó, ông sang Pháp học và tốt nghiệp bằng Thành chung. Ông không tiếp tục học lên mà trở về nước. Vào những năm 40 của thế kỷ XX, Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố là một trong 4 nhân vật nổi tiếng về nhân cách và học vấn. Cụ không những uyên thâm Hán học mà tinh thông cả Tây học.

Sinh ra trong một gia đình Nho học gốc Hà Nội, sau khi tốt nghiệp Trường Thông ngôn, Nguyễn Văn Tố vào làm việc tại Viện Viễn Đông Bác Cổ. Từ nhân viên phụ tá, sau cụ được giữ chức chủ sự Học viện, một cơ quan nghiên cứu lịch sử, văn hóa của người Pháp ở 26 Lý Thường Kiệt. Chính tại đây, cụ đã trở thành một học giả có tên tuổi. Trên tập san của Học viện, cụ đã công bố nhiều bài viết về văn hóa Việt Nam. Ngoài giờ làm việc ở công sở, cụ Nguyễn Văn Tố tham gia viết bài in trên các báo Tiếng Việt tiến bộ thời đó như Đông Thanh, Tri Tân, Thanh Nghị... và các báo tiếng Pháp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội Nguyễn Văn Tố (ngoài cùng bên phải hàng dưới) và các thành viên  Chính phủ Cách mạng lâm thời, năm 1945.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội Nguyễn Văn Tố (ngoài cùng bên phải hàng dưới) và các thành viên Chính phủ Cách mạng lâm thời, năm 1945.

Trong khoảng thời gian từ năm 1932 - 1936, cụ đã viết nhiều bài nghiên cứu quan trọng bằng tiếng Pháp về lịch sử, khảo cổ học, văn học đăng trên tập san của Hội Trí tri. Mặc dù chỉ là trợ bút của tạp chí nhưng để thực hiện mục đích khơi dậy tinh thần yêu nước, cụ đã dồn tâm lực cho các chuyên mục của Tạp chí Tri Tân. Từ số 1 đến số 212 của Tạp chí Tri Tân, cụ Nguyễn Văn Tố đều có bài đăng, thậm chí ở nhiều số có đến 2 - 3 bài. Các bài nghiên cứu của cụ được viết công phu, đăng thành nhiều kỳ mà tiêu biểu là Đại Nam dật sử, Sử ta so với sử Tàu, Việt Nam văn học sử, Tài liệu để đính chính những bài văn cổ, Tra nghĩa chữ Nho, Bia Văn Miếu: Những ông Nghè triều Lê, Tích thành Đại la... Các công trình nghiên cứu của cụ đã được công bố liên quan đến nhiều lĩnh vực văn học, lịch sử, khảo cổ, kiến trúc... thường mang tính chất khai mở, đặt nền móng đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Năm 1938, Hội Truyền bá quốc ngữ ra đời nhằm chống lại chính sách ngu dân cố hữu, ngoan cố của Chính phủ thuộc địa, cụ Nguyễn Văn Tố được bầu làm Hội trưởng. Mục đích của Hội Truyền bá Quốc ngữ: “Dạy cho người Việt Nam biết đọc, biết viết và giúp cho họ thâu thái những kiến văn thường thức cần cho cuộc sống mới”. Chỉ sau 6 năm hoạt động, riêng ở Bắc kỳ, Hội Truyền bá Quốc ngữ đã thành lập được 20 chi nhánh, xóa mù chữ cho trên 5 vạn người. Kết quả quan trọng ấy công đầu thuộc về cụ Hội trưởng Nguyễn Văn Tố.

VỊ BỘ TRƯỞNG TẬN LỰC CỨU ĐÓI

Từ một học giả suốt ngày đèn sách, nghiên cứu, cụ Nguyễn Văn Tố đã hòa vào dòng chảy của cách mạng, hòa vào đời sống của nhân dân, tích cực tiểu trừ giặc đói. Có thể nói, cụ chính là thành viên tích cực nhất, là người chịu trách nhiệm chính trong việc phát động phong trào quyên góp gạo, huy động vật lực để cứu đói. “Ngày 8-10-1945, báo cáo của ông Tố: Bắt đầu từ mồng 10 này, Bộ Cứu tế sẽ cho đi thu gạo để giúp dân đói. Cứ 10 ngày, 1 người sẽ cho 1 bơ gạo”; 15-11-1945: “Vấn đề cứu tế ông Tố mới đi Nam Định, Thái Bình trở về. Tỉnh Thái Bình cần rất nhiều gạo. Ở Nam Định đã bắt đầu thi hành việc tăng gia sản xuất” (Trích biên bản các phiên họp của Hội đồng Chính phủ - Nguồn dự trữ Quốc gia III).

Để lo gạo cho dân, cụ Nguyễn Văn Tố đã phải lặn lội khắp các làng, xã tại một số tỉnh của Bắc kỳ để vận động quyên góp gạo cứu đói. Đầu năm 1947, khi là Bộ trưởng không bộ, cụ Nguyễn Văn Tố có một chuyến đi làm việc tại Hà Đông để quyên góp gạo cứu đói cho Hà Nội.

Từ một học giả, một nhân sĩ yêu nước trở thành Bộ trưởng trong Chính phủ cách mạng, cụ Nguyễn Văn Tố đã dồn tâm lực của mình cho những ngày đầu khó khăn khi mới giành được chính quyền. Trước và sau cách mạng, cụ đều có công lớn trong việc diệt “giặc đói, giặc dốt”, chuẩn bị nguồn lực để chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang cận kề.

8 THÁNG LÀM TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI

Ngày 2-3-1946, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I đã họp tại Nhà hát lớn Hà Nội với sự có mặt của gần 300 đại biểu. Tại kỳ họp diễn ra chưa đến một ngày này, Quốc hội đã công nhận Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Quốc hội cũng đã bầu Ban Thường trực gồm 15 ủy viên chính thức và 3 ủy viên dự khuyết, do cụ Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban.

Cụ Nguyễn Văn Tố giữ chức Trưởng ban Thường trực Quốc hội chỉ 8 tháng nhưng ở trong một bối cảnh “nước sôi lửa bỏng” của dân tộc: Ký hiệp định sơ bộ để “giảng hòa với Pháp nhằm giành được giây phút nghỉ ngơi để sửa soạn cuộc chiến đấu mới...”; ở Nam bộ, chiến tranh bùng nổ do sự gây hấn của Pháp, Chính phủ “Nam kỳ tự trị” do Nguyễn Văn Thinh đứng đầu được dựng lên; Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh và một số đại biểu Quốc hội thuộc Việt Quốc, Việt Cách bỏ nhiệm vụ, rời bỏ Tổ quốc theo quân đội Tưởng sang Trung Quốc... Trong bối cảnh đó, theo yêu cầu của Quốc hội, Ban Thường trực Quốc hội đã triệu tập Kỳ họp thứ 2 tại Hà Nội từ ngày 28-10 đến ngày 9-11-1946.

Tại kỳ họp này, Trưởng ban Nguyễn Văn Tố đã đọc diễn văn khai mạc, khẳng định: “Ban Thường trực Quốc hội lúc nào cũng chú trọng đến quyền lợi của quốc gia và nhân dân và đã giúp Chính phủ trong việc thực hành những phương sách thích hợp để giữ gìn đời sống cho dân chúng”. Trong thời điểm khó khăn ấy, cụ vẫn có một niềm tin sắt đá: “Chúng ta tin chắc rằng nước ta, với sự đồng tâm nhất trí của toàn thể đồng bào, sẽ giành được độc lập và đi tới vinh quang và hạnh phúc”.

Trong thời gian làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, cụ Nguyễn Văn Tố đã kiên quyết, khôn khéo giải quyết nhiều vấn đề phức tạp. Ngày 9-11-1946, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I, trước tình hình đất nước chuẩn bị bước vào một cuộc kháng chiến trường kỳ, Quốc hội đã bầu lại Ban Thường trực và cụ Bùi Bằng Đoàn giữ chức Trưởng ban, thay cụ Nguyễn Văn Tố. Trước đó, ngày 3-11-1946, Chính phủ liên hiệp đã được cải tổ, cụ Nguyễn Văn Tố giữ chức Bộ trưởng không bộ, phụ trách một số công việc quan trọng của Chính phủ.

Từ một nhân sĩ yêu nước, cụ Nguyễn Văn Tố đã tham gia cách mạng từ những ngày đầu. Lịch sử sẽ ghi công cụ như là người có công lớn trong phong trào “diệt đói” và “diệt dốt”. Đối với lịch sử Quốc hội, cụ là người giữ trọng trách Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đầu tiên trong hoàn cảnh "nước sôi lửa bỏng".

LIỆT SĨ BỘ TRƯỞNG ĐẦU TIÊN

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cụ Nguyễn Văn Tố cùng Chính phủ lên Việt Bắc tiếp tục lãnh đạo toàn dân thực hiện cuộc kháng chiến trường kỳ. Ngày 7-10-1947, giặc Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn, cụ Nguyễn Văn Tố bị chúng bắt và đã hy sinh trước họng súng của kẻ thù. Trong cuốn hồi ký: “Chiến đấu trong vòng vây”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: “Ta biết rõ hôm ấy, bọn lính dù bắt được một cụ già trông chững chạc, nói tiếng Pháp, yêu cầu chấm dứt chiến tranh xâm lược. Lúc biết không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng đã bắn chết khi ông già tìm cách chạy thoát. Đó là cụ Nguyễn Văn Tố - Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, một nhân sĩ yêu nước tâm huyết và uy tín”.

Cụ Nguyễn Văn Tố là liệt sĩ Bộ trưởng đầu tiên hy sinh trong cuộc kháng chiến trường kỳ, để lại đằng sau những nung nấu, ước muốn cống hiến cho dân, cho nước, cho cách mạng; nhiều công trình nghiên cứu lịch sử của cụ cũng bị dang dở. Gương hy sinh của cụ Nguyễn Văn Tố để lại tiếc thương vô hạn cho đồng chí, đồng bào. Cụ Vũ Đình Hòe, một cộng sự đắc lực của cụ Nguyễn Văn Tố thời hoạt động ở Hội Truyền bá Quốc ngữ cũng như sau này cùng tham gia Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh chia sẻ tình cảm với vị huynh trưởng quá cố:

“Rừng Việt Bắc - đất Tổ bạt ngàn

Hồn sĩ phu - nòi Hùng muôn thuở!

Liệt sĩ Nguyễn Văn Tố

Nhân, trí, dũng - Một bậc hiền”.

NHƯ NGỌC (tổng hợp)

.
.
.