Thứ Ba, 18/06/2024, 12:43 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Tăng cường thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 05-NQ/TU về lãnh đạo xây dựng nông thôn mới đến năm 2025

(ABO) Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 17-6-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về lãnh đạo xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực; đã có thêm 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 45 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; nâng đến nay, toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 55 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 6/8 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 3/3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Năm 2024, tập trung phấn đấu có 90% số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đảm bảo đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới các cấp giai đoạn 2022 - 2025; 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế như: Phong trào xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương có biểu hiện chậm lại, thoả mãn với kết quả đạt được; công tác tuyên truyền có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu về cả nội dung và hình thức; một ít địa phương chưa chú trọng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nâng chất lượng, mức độ đạt các tiêu chí lên mức cao hơn sau khi được công nhận đạt chuẩn; chất lượng các công trình cơ sở hạ tầng sau khi đạt chuẩn ở một số địa phương đã có dấu hiệu xuống cấp do không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên; sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội có lúc, có nơi chưa thật sự quyết liệt, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm nên phần nào ảnh hưởng đến tiến độ và kế hoạch lộ trình đã đề ra; vấn đề môi trường ở nông thôn tuy được quan tâm nhưng ở một vài nơi chưa thật sự có chuyển biến tích cực, vẫn còn tình trạng xả rác trên các tuyến giao thông; kinh rạch, cây xanh, cảnh quan chưa được quan tâm đúng mức; tình hình trật tự xã hội ở nông thôn có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp; một số ít địa phương chưa quan tâm đến tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chưa chú trọng phát triển kinh tế nông thôn; vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư nông thôn chưa thật sự phát huy, chưa khơi dậy được tối đa tinh thần, nguồn lực tự nguyện và trách nhiệm của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.

Để nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, phấn đấu để tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2025 là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, trọng tâm của tỉnh nhằm thực hiện đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra; Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; các ban đảng, Ban Cán sự đảng, Đảng đoàn; các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; cấp ủy huyện (tương đương) tăng cường lãnh đạo và tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, các nội dung chỉ đạo có liên quan đã được đề ra tại Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 17-6-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về lãnh đạo xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và Nghị quyết 45/NQ-HĐND ngày 10-12-2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025.

2. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc chỉ đạo, quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông nhằm thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy về thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị; thực hiện các nội dung về bảo vệ môi trường, chuyển đổi số, đảm bảo an ninh trật tự... để nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng nông thôn mới hiệu quả hơn, bền vững hơn, tạo sự lan toả rộng lớn trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Kịp thời phát hiện, bồi dưỡng những gương điển hình trong xây dựng nông thôn mới, đề xuất khen thưởng trong phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và phong trào “Tiền Giang chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025.

3. Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh:

- Có giải pháp cụ thể huy động các nguồn lực để hỗ trợ phù hợp cho các địa phương trong quá trình thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu liên quan theo kế hoạch, lộ trình xây dựng nông thôn mới đã đề ra; nhất là quan tâm hỗ trợ nguồn lực để các huyện, xã đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021 - 2025 đối với các địa phương đã được công nhận từ thời điểm cuối năm 2021 trở về trước.

Chủ động rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nội dung hướng dẫn thực hiện, cũng như đánh giá mức độ đạt các chỉ tiêu, tiêu chí do Trung ương phân cấp theo hướng thiết thực, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

- Chỉ đạo các sở, ban, ngành được phân công theo dõi, hướng dẫn, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới; xây dựng kế hoạch, lộ trình và có giải pháp cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo đạt các chỉ tiêu, tiêu chí đối với lĩnh vực ngành được phân công phụ trách. Có kế hoạch định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các xã, huyện trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện; kịp thời tổ chức thẩm tra, thẩm định kết quả thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí đối với lĩnh vực ngành được phân công phụ trách.

- Xây dựng kế hoạch, lộ trình và giải pháp chi tiết, cụ thể để làm cơ sở, căn cứ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hoàn thành mục tiêu tỉnh Tiền Giang được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2025.

4. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh tăng cường giám sát, đôn đốc việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

5. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chủ động phối hợp với các ngành chức năng, địa phương tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhất là đối với các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới gắn liền với việc phát huy ý thức cộng đồng của nhân dân, như: Lao động, thu nhập, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, môi trường và an toàn thực phẩm, chất lượng và môi trường sống...

6. Đảng ủy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để hình thành các điểm nóng phức tạp về an ninh, trật tự; nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tại cơ sở, xây dựng địa bàn nông thôn vững mạnh, toàn diện.

7. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, quán triệt, định hướng các cơ quan truyền thông tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

8. Cấp ủy các huyện, thành, thị, căn cứ tình hình thực tế địa phương tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 17-6-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; xác định rõ trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền và sự tham gia của các hội, đoàn thể ở cơ sở; có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể, gắn trách nhiệm với kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cùng cấp tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các xã đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu có kế hoạch, lộ trình và giải pháp tổ chức thực hiện thật cụ thể để tiếp tục duy trì, nâng chất các tiêu chí, chỉ tiêu đã đạt được (nhất là các xã đã được công nhận đạt chuẩn từ cuối năm 2021 trở về trước); phấn đấu đảm bảo đạt mục tiêu có ít nhất 90% số xã đảm bảo đạt chuẩn theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 vào thời điểm cuối năm 2024 và đạt 100% vào thời điểm đầu năm 2025 (Quý II-2025); xây dựng kế hoạch, lộ trình và có giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu đề ra tại Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn cấp huyện đến năm 2025.

9. Các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy được phân công phụ trách các huyện, thành, thị tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc cấp ủy huyện trong công tác xây dựng nông thôn mới, thường xuyên báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

10. Giao Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Công văn này; báo cáo kết quả thực hiện với Ban Thường vụ Tỉnh ủy để theo dõi, chỉ đạo.

P.V









 

.
.
.