Thứ Bảy, 06/07/2024, 09:57 (GMT+7)
.

Chủ động rà soát, xử lý những bất cập, chồng chéo trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

Thực hiện Nghị quyết 110, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) khóa XV, ngày 10-4-2024, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc xem xét, xử lý kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) để trình QH tại Kỳ họp thứ 7. Theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), việc xử lý kết quả sau rà soát theo yêu cầu của QH thực hiện trách nhiệm, theo đúng tiến độ, lộ trình, kế hoạch đã đề ra; một số nội dung được xử lý sớm.

NHIỀU NỘI DUNG BẤT CẬP, CHỒNG CHÉO ĐƯỢC XỬ LÝ

Triển khai Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, QH khóa XV về xem xét, xử lý kết quả rà soát hệ thống VBQPPL, Chính phủ đã ban hành văn bản yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan liên quan theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao trực tiếp chỉ đạo, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 110. Theo đó, Chính phủ đã huy động sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu tại hội trường.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu tại hội trường.

Quá trình xem xét, xử lý kết quả rà soát có sự phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ với các cơ quan của QH và các cơ quan, tổ chức liên quan. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã tổ chức xem xét, xử lý kết quả rà soát đầy đủ đối với những văn bản thuộc đối tượng và phạm vi xem xét, xử lý.

Tổng số văn bản qua rà soát được các cơ quan thống nhất kết luận có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập là 118 văn bản với 246 nội dung cần xử lý (trong đó có: 37 nội dung có mâu thuẫn, chồng chéo và 209 nội dung có vướng mắc, bất cập).

Trong số những nội dung thuộc luật, pháp lệnh được các cơ quan của QH thống nhất cần xử lý do có mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập được nêu trong Báo cáo của Chính phủ, số lượng các nội dung có mâu thuẫn, chồng chéo chiếm 7,3%. Hầu hết các nội dung còn lại qua rà soát được chỉ ra là có bất cập do được ban hành đã khá lâu, điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi dẫn đến một số quy định không còn phù hợp.

Đồng thời, qua tổng hợp, phân loại, các cơ quan của QH cũng nhận thấy phần lớn (74,7%) nội dung được phát hiện có vướng mắc, bất cập trong luật, pháp lệnh, nghị quyết là thuộc các dự án đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hoặc đang được xem xét đưa vào Chương trình; chưa phát sinh yêu cầu cấp bách cần phải sửa ngay và Chính phủ, các cơ quan của QH thống nhất chưa cần thiết phải kiến nghị QH áp dụng phương án dùng một luật sửa nhiều luật.

Đối với các văn bản dưới luật (nghị định, quyết định, thông tư) được phát hiện có quy định mâu thuẫn, chồng chéo hoặc vướng mắc, bất cập chủ yếu như: Quy định chưa cụ thể, rõ ràng; một số nội dung chưa phù hợp với VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên; một số nội dung quy định về thủ tục hành chính chưa hợp lý.

Theo đánh giá của Ủy ban pháp luật của QH, hầu hết các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập đều đã và đang được Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với các cơ quan của QH xử lý hoặc xử lý theo thẩm quyền. Việc xem xét, xử lý những nội dung vướng mắc, bất cập chồng chéo được Chính phủ chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, cơ bản đảm bảo lộ trình và hướng xử lý trong quá trình rà soát.

Trong đó, 100% nội dung vướng mắc, bất cập được chỉ ra trong Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng đã được giải quyết. Nhiều nội dung đang được các cơ quan nghiên cứu xử lý trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo Luật, pháp lệnh dự kiến trình QH, UBTVQH xem xét thông qua trong thời gian tới.

Theo đánh giá của UBTVQH, kết quả rà soát cho thấy, các VBQPPL được rà soát đều phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, số lượng văn bản qua rà soát có nội dung mâu thuẫn chồng chéo không nhiều.

Phần lớn các nội dung được phát hiện có vướng mắc, bất cập liên quan đến các luật, pháp lệnh, nghị quyết đều thuộc các dự án đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hoặc đang được xem xét đưa vào Chương trình. UBTVQH cơ bản thống nhất với kết quả xử lý và kiến nghị xử lý các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập trong các VBQPPL được nêu tại Báo cáo 135 của Chính phủ và Báo cáo 2849 của Thường trực Ủy ban Pháp luật.

UBTVQH đề nghị hằng năm, Chính phủ tổng hợp tình hình, kết quả rà soát VBQPPL và kết quả xử lý, khắc phục các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập được phát hiện qua rà soát trong Báo cáo về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của QH, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH để báo cáo QH tại kỳ họp cuối năm.

CÔNG TÁC RÀ SOÁT PHÁP LUẬT CẦN TIẾN HÀNH THƯỜNG XUYÊN

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, UBTVQH đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương các cấp:

Tiếp tục xác định công tác rà soát pháp luật là hoạt động quan trọng, cần tiến hành thường xuyên; kết quả rà soát được sử dụng làm thông tin, dữ liệu đầu vào phục vụ việc nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Quá trình rà soát, nếu phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập cần kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, bảo đảm chất lượng, tiến độ chuẩn bị các dự án, dự thảo được giao; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật; triển khai có hiệu quả các luật, nghị quyết được QH thông qua, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.

Quan tâm bố trí đủ nguồn lực cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; đổi mới cơ chế phân bổ kinh phí, bảo đảm tài chính để thực hiện hiệu quả quy trình xây dựng pháp luật. Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Ban hành VBQPPL để thực hiện thống nhất, hiệu quả.

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH tăng cường công tác giám sát VBQPPL thuộc lĩnh vực phụ trách; kịp thời tổ chức giám sát chuyên đề, giải trình đối với các kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp về vướng mắc, bất cập, thủ tục hành chính gây phiền hà, nội dung VBQPPL có dấu hiệu mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không phù hợp với thực tiễn, gây bức xúc để có giải pháp khắc phục, hoàn thiện chính sách, pháp luật…

THU HOÀI

.
.
.