Thứ Tư, 24/07/2024, 13:53 (GMT+7)
.

Huyện Châu Thành: Tình hình kinh tế - xã hội có sự chuyển biến mạnh mẽ

Năm 2024, là năm áp cuối của nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng, mang tính quyết định đến kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) nhiệm kỳ 2020 - 2025, vì thế cả hệ thống chính trị đã và đang quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
 
TĂNG TRƯỞNG RÕ RỆT

Cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành và được sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, của người dân nên kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm khá toàn diện, hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế đều tăng khá cao so với cùng kỳ.

Một góc đô thị Vĩnh Kim nhìn từ trên cao.
Một góc đô thị Vĩnh Kim nhìn từ trên cao.

Theo Huyện ủy huyện Châu Thành, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện thực hiện 14.796 tỷ đồng, đạt 48,46% nghị quyết, tăng 6,22% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành Nông nghiệp tăng 2,65% so với cùng kỳ, công nghiệp - xây dựng tăng 6,48% so với cùng kỳ, thương mại - dịch vụ tăng 7,08% so với cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước được 5.148,4 tỷ đồng, đạt 50,16% nghị quyết, tăng 4,56% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn ước thực hiện 14.579 tỷ đồng, đạt 48,46% nghị quyết (tăng 6,22% so với cùng kỳ).

Đồng thời, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện Châu Thành thành lập mới 55 doanh nghiệp, đạt 50% chỉ tiêu, đến nay toàn huyện có 858 doanh nghiệp đang hoạt động, đã tạo việc làm cho trên 75.000 lao động. Kinh tế tập thể tiếp tục duy trì ổn định, phát triển mới 2 hợp tác xã, đến nay có 47 hợp tác xã, 3 quỹ tín dụng, 13 tổ hợp tác hoạt động trên các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, vận tải, tín dụng. Bên cạnh đó, huyện có 40 sản phẩm OCOP được tỉnh, huyện xếp hạng (26 sản phẩm đạt 3 sao, 14 sản phẩm đạt 4 sao).

Song song đó, đời sống xã hội được cải thiện một cách rõ rệt, các cấp, các ngành thực hiện các giải pháp để hộ khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững, hiện còn 1.304 hộ nghèo, chiếm 1,36% và 1.236 hộ cận nghèo, chiếm 1,62% hộ dân.

Hệ thống giáo dục, y tế được củng cố, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 88,99% dân số tham gia.

Huyện đã thực hiện có hiệu quả các chương trình, mục tiêu quốc gia về y tế, công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân; 100% trạm y tế có bác sĩ khám, chữa bệnh.

Đặc biệt, trong xây dựng cơ bản, đã hoàn thành 116/220 công trình được giao, đang thi công 58 công trình, đang thực hiện quy trình xây dựng cơ bản 46 công trình với tổng kinh phí 323,515 tỷ đồng. Giá trị thanh toán ước khoảng 172,599 tỷ đồng, đạt 53,4% kế hoạch vốn, trong đó vốn tỉnh 122,077 tỷ đồng, đạt 65,59%.

QUYẾT TÂM HOÀN THÀNH KẾ HOẠCH NĂM

Có thể nói, các công việc còn lại của 6 tháng cuối năm 2024 còn khá lớn, đòi hỏi mỗi tập thể, cá nhân phải phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành để đưa ra các giải pháp phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, có thứ tự ưu tiên để tập trung lãnh đạo thực hiện.

Bí thư Huyện ủy Châu Thành Trần Hữu Phong đề nghị các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể cần rà soát, đánh giá lại tất cả các chỉ tiêu so với Nghị quyết năm và Nghị quyết Đại hội. Các chỉ tiêu nào đã thực hiện đạt thì tập trung thực hiện nâng cao hơn, chỉ tiêu nào chưa đạt, khó đạt thì phân tích làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, để có giải pháp thực hiện quyết liệt, giải quyết dứt điểm từng công việc, không để còn tồn đọng.

Về thực hiện 3 khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội, kết quả thực hiện qua gần 4 năm còn chậm, đề nghị UBND huyện lãnh đạo các ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, tồn tại để tập trung thực hiện từ nay đến cuối nhiệm kỳ đạt nghị quyết đề ra, nhất là chỉ đạo tập trung thực hiện quy hoạch, xây dựng phát triển đô thị Long Định để được công nhận đô thị loại V. 

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp gắn kết với nhau trong thực hiện công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, giao UBND huyện kiểm tra lại các dự án thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, vấn đề gì phù hợp, không phù hợp để có chỉ đạo điều chỉnh thực hiện.

Đối với xây dựng cơ bản, UBND huyện cần tập trung chỉ đạo Ban Quản lý Dự án - Phát triển quỹ đất huyện, các ngành huyện có liên quan kiểm tra lại tất cả các công trình, dự án và công tác bồi thường, giải tỏa để tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, không để kéo dài gây lãng phí, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Về lĩnh vực văn hóa - xã hội, ngành Giáo dục chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2024 - 2025, nhất là thực hiện tuyển mới giáo viên bổ sung các trường còn thiếu; kiểm tra, chấn chỉnh việc tổ chức ăn và an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh bán trú; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành Y tế. Trung tâm Y tế huyện tiếp tục khắc phục khó khăn để thực hiện tốt hơn công tác khám, chữa bệnh cho người dân, nhất là liên quan đến việc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

TUẤN LÂM

.
.
.