Thứ Năm, 04/07/2024, 09:08 (GMT+7)
.

Khởi sắc trên quê hương Mỹ Trung anh hùng

Nằm tiếp giáp với xã Đốc Binh Kiều thuộc huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp), trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Mỹ Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) từng là căn cứ hậu cần của Quân khu và Tỉnh đội Mỹ Tho. Sau ngày 30-4-1975, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mỹ Trung đã nỗ lực phấn đấu xây dựng xã nhà ngày càng phát triển. Phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất của các thế hệ đi trước, ngày nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mỹ Trung đang nỗ lực xây dựng xã nhà không ngừng phát triển.

KÝ ỨC HÀO HÙNG

Nằm tiếp giáp với tỉnh Đồng Tháp, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước,  Mỹ Trung là căn cứ địa cách mạng, từng nuôi dưỡng, che chở, đùm bọc lực lượng cách mạng của Hậu cần Quân khu 2 và Tỉnh đội Mỹ Tho để lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã, du kích xã Mỹ Trung, phong trào cách mạng nơi đây phát triển sôi nổi, làm cho địch phải kinh hồn, bạt vía.

Khu di tích Ngã Sáu - Bằng Lăng tọa lạc tại xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè.      				                                                             Ảnh: PHÚ KHÁNH
Khu di tích Ngã Sáu - Bằng Lăng tọa lạc tại xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè. Ảnh: PHÚ KHÁNH

Một trong những trận chiến oanh liệt và thắng lợi vẻ vang là chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng diễn ra từ ngày 11 đến 14-3-1975. Đây là trận đánh khởi đầu Chiến dịch mùa khô đợt II - năm 1975 giữa lực lượng chủ lực Quân khu 8 kết hợp lực lượng địa phương và nhân dân Cái Bè, với lực lượng địch gồm tiểu đoàn bảo an, trung đoàn 11 - sư đoàn 7 ngụy.

Chỉ trong vòng 4 ngày, với sự phối hợp chặt chẽ của 3 thứ quân, đặc biệt là bộ đội chủ lực với chiến thuật “Vây tấn - lấn phá - triệt - diệt”, quân ta đánh thiệt hại nặng nề tiểu đoàn bảo an 450 và tiểu đoàn 2, thuộc trung đoàn 10, sư đoàn 7 ngụy; đánh tiêu hao tiểu đoàn 453, loại khỏi vòng chiến đấu 653 tên, trong đó diệt 285 tên, làm bị thương 313 tên, bắt 55 tên, thu và phá hủy toàn bộ vũ khí trang bị của địch. Với chiến thắng vang dội tại khu vực Ngã Sáu, đã giúp quân và dân ta mở rộng vùng giải phóng, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến tranh đã lùi xa, nét son hồng của truyền thống cách mạng của xã nhà được thể hiện qua những số liệu: 195 người con anh dũng của xã Mỹ Trung đã gửi xương máu vào lòng đất mẹ, xã có 9 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 345 gia đình thương binh, liệt sĩ, có công với nước. Đây được xem là động lực thúc đẩy nhân dân và chính quyền xã Mỹ Trung trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Năm 2007, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang đã quyết định xây dựng công trình Bia chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng trên nền đồn cũ của địch với quy mô trên 4.000 m2, gồm các hạng mục như: Công viên, đường nội bộ, cổng rào, phòng trưng bày. Trong đó, Bia chiến thắng có diện tích xây dựng trên 254 m2, chiều cao 20 m với biểu tượng đóa sen vươn lên giữa Đồng Tháp Mười. Năm 2020, UBND tỉnh Tiền Giang quyết định xếp hạng di tích Ngã Sáu - Bằng Lăng là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Nhằm ghi nhớ, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay, hằng năm, vào ngày 13-3, cũng như các dịp lễ, tết, chính quyền và nhân dân địa phương đều tổ chức dâng hương tưởng nhớ công lao của các vị anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc tại Khu di tích Ngã Sáu - Bằng Lăng.

MỸ TRUNG NGÀY NAY

Từ một vùng quê nghèo sau chiến tranh, đến nay bộ mặt kinh tế - xã hội của xã Mỹ Trung đã thay đổi từng ngày. Đầu năm 2018, xã Mỹ Trung ra mắt xã nông thôn mới. Theo Chủ tịch UBND xã Mỹ Trung Phạm Quang Tuyến, từng là xã còn khó khăn trước đây, qua quá trình xây dựng nông thôn mới, đến nay bộ mặt xã thay đổi rõ rệt. Nếu như sau giải phóng Mỹ Trung là xã khó khăn về nông nghiệp thì đến nay Mỹ Trung đã sản xuất nông nghiệp đạt 3 vụ/năm với sản lượng lương thực hằng năm không ngừng tăng về số lượng và chất lượng.

Cùng với đó, Mỹ Trung thực hiện có hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, phát huy thế mạnh nông nghiệp với lúa chất lượng cao, cùng nguồn lực lao động tại chỗ để phát triển các mô hình kinh tế hợp tác. Bên cạnh đó, 100% hộ dân trong xã có điện sinh hoạt, 100% hộ dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, 100% hộ dân có phương tiện nghe - nhìn, 4/4 ấp hằng năm đều được tái công nhận danh hiệu ấp văn hóa.

Qua 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Mỹ Trung đạt được những kết quả phấn khởi: Thu nhập bình quân đầu người tăng cao, hộ nghèo giảm, lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, công tác an sinh xã hội được các ngành, các cấp tập trung thực hiện. Xã Mỹ Trung tiếp tục duy trì, nâng chất các tiêu chí xã nông thôn mới.

Nói về những định hướng trong thời gian tới, Chủ tịch UBND xã Mỹ Trung Phạm Quang Tuyến cho biết: “Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mỹ Trung sẽ tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới và xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao; tập trung các giải pháp chủ lực để phát triển kinh tế.

Cùng với đó, Mỹ Trung sẽ tận dụng tối đa mọi nguồn lực và thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu và các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.

Vùng đất Mỹ Trung anh hùng năm xưa đang hồi sinh từng ngày với những bước đột phá mới. Hy vọng rằng, với truyền thống cách mạng, yêu nước, tinh thần bất khuất, kiên trung của con người Mỹ Trung cùng với những chủ trương đúng đắn, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mỹ Trung sẽ đưa xã nhà ngày càng giàu đẹp trong tương lai.

 

Những kỷ vật trong trận đánh Ngã Sáu - Bằng Lăng

Cách đây hơn 10 năm, Bảo tàng tỉnh Tiền Giang phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện Cái Bè tổ chức sưu tầm những kỷ vật kháng chiến trong trận đánh Ngã Sáu - Bằng Lăng. Kết quả, có trên 50 hiện vật gồm: Ba lô, dao găm, áo bà ba, ca, bình toong, thùng đạn, xuồng ba lá vận chuyển lương thực… trước và trong trận đánh, do các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 24, 320, 207 và cán bộ, nhân dân xã Mỹ Trung cùng các xã lân cận hiến tặng.

Đây là những kỷ vật vô cùng sống động và quý giá cho việc xây dựng Nhà truyền thống “Chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng” tại xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc ta nói chung và của quân - dân Cái Bè nói riêng trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cho thế hệ hôm nay và mai sau.


V. PHƯƠNG

.
.
.