Thứ Năm, 18/07/2024, 14:03 (GMT+7)
.

Kỳ họp thứ 13 - HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X: Đại biểu quan tâm nhiều vấn đề dân sinh

(ABO) Sáng 18-7, tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 13 - HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X, các đại biểu HĐND tỉnh tiến hành thảo luận tại tổ.
 
Thảo luận tại tổ, các đại biểu tập trung đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và thảo luận các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2024.
 
Tiếp đó, các đại biểu cho ý kiến, thảo luận nhiều vấn đề còn hạn chế, bức xúc ở địa phương như: Tình trạng thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, mặc dù đã bán đất từ rất lâu, nhưng vẫn còn nhận giấy báo thu thuế.
 
Đại biểu cũng cho rằng, cần quan tâm đến chất lượng nguồn lao động, đặc biệt là quản lý chất lượng lao động trong dân cư để có định hướng đào tạo nghề, giải quyết nguồn lao động tại chỗ. Trong đợt hạn, mặn vừa qua, người dân quan tâm đến chất lượng nguồn nước sinh hoạt; một số nơi chất lượng nước chưa được đảm bảo…
 
Đại biểu phát biểu ý kiến tại tổ.
Đại biểu phát biểu ý kiến tại tổ.
Hiện nay, Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc giúp nông dân thu lợi lớn từ sản xuất nông nghiệp. Việc cấp mã số vùng trồng (MSVT) thời gian qua được các cơ quan chức năng thực hiện rất tập trung. Tuy nhiên, MSVT được duy trì nhưng khai thác sử dụng MSVT lại bị gian lận, không truy xuất được nguồn gốc… Cơ chế kiểm soát quản lý khai thác MSVT chưa được triển khai cụ thể.
 
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu cho rằng, các ngành chức năng sớm kiến nghị Trung ương triển khai cơ chế quản lý MSVT để đảm bảo việc sản xuất xuất khẩu nông nghiệp bền vững, tránh rủi ro.
 
Tình trạng sạt lở trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp trong thời gian qua cũng được đại biểu quan tâm. Đại biểu cho rằng, việc quy hoạch là yếu tố hết sức quan trọng đối với phòng, chống sạt lở. Cần tính toán các trục giao thông cách xa mép sông, bố trí dân cư tránh ở ven sông.
 
Đại biểu đánh giá cao việc xây dựng các cống dọc sông Tiền góp phần đảm bảo công tác phòng, chống hạn, mặn vùng từ huyện Châu Thành đến khu vực xã Phú An (huyện Cái Bè). Về lâu dài, các ngành, tỉnh cần có giải pháp quy hoạch hệ thống thủy lợi đoạn còn lại từ thị trấn Cái Bè đến xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè) để đảm bảo phòng, chống hạn, mặn.
 
Đại biểu phát biểu ý kiến tại tổ.
Đại biểu phát biểu ý kiến tại tổ.
Liên quan đến vấn đề tai nạn giao thông 6 tháng đầu năm của tỉnh tăng cả 3 tiêu chí, với 6 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm chết 12 người, nguyên nhân là do ý thức chấp hành an toàn giao thông của người dân và kinh phí về đảm bảo an toàn giao thông chưa đảm bảo khắc phục các điểm đen. Hiện kinh phí chỉ mới đảm bảo ở các tuyến quốc lộ; còn ở tuyến đường tỉnh, đường huyện có giới hạn. Do vậy, đại biểu đề nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền qua các ứng dụng: TienGiangS, Zalo và các mô hình an toàn giao thông. 
 
Đại biểu phát biểu ý kiến liên quan đến công tác y tế.
Đại biểu phát biểu ý kiến liên quan đến công tác y tế.
Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu cho biết, huyện Cai Lậy cũng gặp khó khăn trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Nguyên nhân căn cơ là do hạ tầng giao thông đầu tư phát triển không kịp nhu cầu xã hội, hệ thống đường tỉnh được hình thành nhưng còn nhỏ. Vào mùa thu hoạch sầu riêng, xe container đổ về dẫn đến ùn tắc và tai nạn giao thông. Hiện nay, phương tiện giao thông trên địa bàn huyện Cai Lậy phát triển nhanh, nếu chỉ tính xe ô tô trên 8.000 phương tiện, mật độ giao thông ngày càng cao nên dẫn đến ùn tắc và nguy cơ tai nạn giao thông tăng.
 
Việc xây dựng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ và đường thủy có nơi chưa có sự quan tâm. Chính việc này khiến cho đường giao thông thêm phần nhỏ hẹp. Các ngành chức năng phải có giải pháp căn cơ hơn để ngăn chặn trường hợp này; quan tâm phát triển hạ tầng giao thông và xử lý nghiêm vi phạm hành lang an toàn giao thông. 
 
 
Đại biểu còn cho rằng, quy chế quản lý kiến trúc đô thị còn thiếu thống nhất. Việc giải thích từ ngữ chưa đồng bộ, thiếu nhất quán cần phải xem xét lại. Quy chế quản lý kiến trúc cũng khác nhau về phương thức, có nơi giao cho Phòng Quản lý đô thị, có nơi lại giao UBND địa phương phối hợp với sở, ngành tỉnh.
 
Liên quan đến công tác Giáo dục và Đào tạo, đại biểu cho rằng, việc xây dựng mức học phí năm nay có nhiều thuận lợi vì Chính phủ ban hành Nghị định 97/2023/NĐ-CP. Từ đó, việc xây dựng mức học phí sẽ không còn theo từng năm như trước đây. Theo đó, từ tháng 9-2024, trẻ mầm non 5 tuổi sẽ được miễn học phí và từ tháng 9-2025, sẽ miễn học phí cho học sinh bậc trung học cơ sở. Việc thu thập ý kiến của phụ huynh và thầy cô nhận được sự đồng thuận rất cao.
 
 
Đối với vấn đề tình trạng bệnh nhân ung thư ngày càng tăng như hiện nay, đại biểu cho rằng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cần trang bị máy xạ trị gia tốc tuyến tính điều trị ung thư để giúp bệnh nhân ung thư có chỉ định xạ trị yên tâm điều trị tại tỉnh, đỡ tốn kém, góp phần giảm quá tải tuyến trên.
 
Tại buổi thảo luận tại tổ, đại biểu còn ý kiến liên quan về đảm bảo điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, nhất là chế độ hỗ trợ, bồi dưỡng lực lượng. Trong đó, có mức hỗ trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. 
HÀ NAM - CAO THẮNG
 
 
.
.
.