Thứ Sáu, 19/07/2024, 10:16 (GMT+7)
.

Kỳ họp thứ 13 - HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X: Thảo luận nhiều vấn đề cử tri quan tâm

Từ ngày 17 đến 19-7, HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X tổ chức Kỳ họp thứ 13. Tham dự khai mạc Kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang; Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh cùng 59/61 đại biểu HĐND tỉnh khóa X. Đồng chí Võ Văn Bình cùng các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa Kỳ họp.

Tại các phiên làm việc, đại biểu HĐND tỉnh đã thông qua các báo cáo giám sát của HĐND tỉnh. Các sở, ngành trình các Tờ trình kèm dự thảo các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội và các vấn đề liên quan. Ở phiên thảo luận tổ, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến về các vấn đề đang được cử tri quan tâm.

KINH TẾ - XÃ HỘI PHÁT TRIỂN

Theo báo cáo của HĐND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2024, các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt nhiều kết quả rất phấn khởi. Trong đó, tăng trưởng kinh tế đạt 5,56% so với cùng kỳ 2023, quý sau tăng cao hơn quý trước (quý I-2024 tăng 4,47%, quý II-2024 tăng 6,63%), cả 3 khu vực kinh tế đều có sự tăng trưởng (khu vực nông - lâm - ngư nghiệp tăng 3,32%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,07%, khu vực dịch vụ tăng 6,73%).

Đại biểu phát biểu tại Tổ đại biểu HĐND tỉnh thảo luận nội dung Kỳ họp.
Đại biểu phát biểu tại Tổ đại biểu HĐND tỉnh thảo luận nội dung Kỳ họp.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp và giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu thực hiện được 2,9 tỷ USD, đạt 58% so kế hoạch năm, tăng 8,4% so cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng so với cùng kỳ. Chi cân đối ngân sách địa phương và chi đầu tư phát triển đạt dự toán năm. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện được 20.683 tỷ đồng, đạt 41% kế hoạch năm, tăng 11,7% so cùng kỳ.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 138/138 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 51 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 6 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới và 3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực; mạng lưới y tế cơ sở được quan tâm đầu tư, phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng; ngành Giáo dục và Đào tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 và Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; quốc phòng - an ninh luôn được giữ vững; các chính sách đối với người có công, phúc lợi xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt.

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 13 - HĐND tỉnh khóa X, đồng chí Võ Văn Bình cho biết, HĐND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương sự cố gắng, nỗ lực trong lãnh đạo, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, của các cấp, các ngành, các địa phương, góp phần nâng cao niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp.

Quang cảnh Kỳ họp. Ảnh PV
Quang cảnh Kỳ họp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Tiền Giang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như xâm nhập mặn đến sớm và lấn sâu hơn so với trung bình nhiều năm; các yêu cầu về mặt kỹ thuật, về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu hàng Việt Nam ngày càng chặt chẽ, đây là thách thức không nhỏ đối với việc duy trì, mở rộng vùng nuôi trồng phục vụ xuất khẩu; chi phí vận tải tăng... làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế, sản xuất và thu nhập của người dân, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp.

Mặt khác, một số văn bản hướng dẫn thực hiện khám, chữa bệnh, quyết toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa thống nhất, làm khó khăn cho các đơn vị y tế trong triển khai thực hiện; tình trạng khiếu kiện đông người vẫn còn xảy ra, mặc dù đã được các cơ quan có thẩm quyền tiếp xúc, giải thích, động viên và thụ lý, giải quyết theo quy định của pháp luật; tai nạn giao thông tăng trên cả 3 mặt so với cùng kỳ năm 2023…

THẢO LUẬN NHIỀU VẤN ĐỀ  CỬ TRI QUAN TÂM

Tại phiên thảo luận tổ, đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và thảo luận các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2024. Đồng thời, đại biểu đã cho ý kiến, thảo luận nhiều vấn đề còn hạn chế, bức xúc ở địa phương như: Tình trạng thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, mặc dù đã bán đất từ rất lâu, nhưng vẫn còn nhận giấy báo thu thuế.

Đại biểu trao đổi bên lề phiên làm việc của Kỳ họp.
Đại biểu trao đổi bên lề phiên làm việc của Kỳ họp.

Đại biểu cũng cho rằng, cần quan tâm đến chất lượng nguồn lao động, đặc biệt là quản lý chất lượng lao động trong dân cư để có định hướng đào tạo nghề, giải quyết nguồn lao động tại chỗ. Trong đợt hạn, mặn vừa qua, người dân quan tâm đến chất lượng nguồn nước sinh hoạt; một số nơi chất lượng nước chưa được đảm bảo…

Liên quan vấn đề về chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh (PCI), qua khảo sát 7.000 phiếu trực tuyến và trực tiếp bộ chỉ số PCI có 9 chỉ số thành phần, kết quả đánh giá khối huyện, thị, thành có 3 chỉ số đạt điểm trung vị là trên 7 điểm, 6 tiêu chí còn lại đạt điểm trung vị từ 5,1 đến hơn 6,88 điểm, các tiêu chí về chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn thấp.

Ngoài các đơn vị có số điểm trung vị của chỉ số PCI tương đối cao, vẫn còn có những đơn vị xếp ở cuối bảng trung bình khoảng 50 điểm, có những tiêu chí rất thấp khi có tiêu chí chưa được 2 điểm. Do đó, bộ máy cơ sở còn những khó khăn, vướng mắc, nếu việc này không cải thiện thì khó có thể trở thành bệ đỡ để các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển tại địa phương.

Dù chỉ số PCI đã được công bố nhưng các địa phương vẫn chưa xây dựng kế hoạch để khắc phục và nâng cao các tiêu chí. Vì thế, UBND tỉnh cần có chỉ đạo các huyện, thành, thị để chỉ đạo các đơn vị cải thiện điểm các tiêu chí thành phần, để khoảng cách điểm trung vị giữa các địa phương gần hơn, để tạo sự đồng đều và tăng sức hút các nhà đầu tư.

Trong 6 tháng đầu năm, tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh chủ yếu tăng về tội phạm ma túy; tội phạm giết người giảm nhưng vẫn cao (9/10 vụ), đây là tội phạm rất nguy hiểm nhưng chỉ giảm không đáng kể, gây ra thiệt hại cho xã hội rất lớn.

Về vấn đề này, đại biểu cho rằng các cơ quan Tư pháp và các cơ quan chức năng cần có các biện pháp phòng ngừa mạnh hơn đối với các loại tội phạm này. Bên cạnh đó, công tác xử lý đưa vào Cơ sở cai nghiện đối với người nghiện, 6 tháng đầu năm tăng về số vụ so cùng kỳ. Đây là lĩnh vực các cấp, các ngành cần quan tâm để phòng ngừa và quản lý nhà nước tốt hơn trong thời gian tới.

Dự kiến, Kỳ họp lần này sẽ xem xét, thông qua 22 tờ trình kèm dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình và xem xét, thông qua 2 tờ trình kèm dự thảo nghị quyết do Thường trực HĐND tỉnh trình. Để việc thảo luận, giải trình và chất vấn, trả lời chất vấn các vấn đề tại Kỳ họp đảm bảo theo yêu cầu, đồng chí Võ Văn Bình đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh nêu cao trách nhiệm, phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, tập trung nghiên cứu, tích cực tham gia thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng đối với các nội dung trình ra Kỳ họp; ý kiến cần thể hiện rõ quan điểm từng nội dung, nhất là đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau; tạo sự thống nhất cao để HĐND tỉnh ban hành những quyết sách đúng, hợp lòng dân, vừa đảm bảo lợi ích thiết thực của nhân dân, đúng quy định pháp luật, vừa thúc đẩy sự phát triển của tỉnh nhà trong thời gian tới, góp phần cho Kỳ họp thành công tốt đẹp, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri và nhân dân tỉnh nhà.

Hôm nay (ngày 19-7), Kỳ họp thứ 13 - HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X diễn ra phiên giải trình, chất vấn và biểu quyết thông qua các dự thảo nghị quyết đã trình tại Kỳ họp.

HÀ NAM - CAO THẮNG

.
.
.