Thứ Tư, 31/07/2024, 08:39 (GMT+7)
.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Ấn Độ: Cột mốc tạo xung lực cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện

Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Ấn Độ (30/7-1/8), Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya đã chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam về ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm cũng như những nét nổi bật của quan hệ song phương trong hơn 5 thập niên qua.

b

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhân dịp dự Hội nghị cấp cao ASEAN-43 và các Hội nghị liên quan tại Jakarta, Indonesia, tháng 9/2023. (Ảnh: Anh Sơn)

Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa và những nội dung trọng tâm trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính?

Tôi cho rằng, chuyến thăm cấp Nhà nước của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Ấn Độ là cột mốc quạn trọng trong quan hệ song phương, đặt nền móng để quan hệ hai nước tiếp tục phát triển trong những năm tới.

Có thể khẳng định đây là chuyến thăm song phương cấp cao đầu tiên giữa hai nước kể từ sau đại dịch Covid-19 và đây cũng cuộc gặp gỡ đầu tiên của Thủ tướng hai nước sau khi xác lập khuôn khổ quan hệ mới - Đối tác chiến lược toàn diện (năm 2016).

Do vậy, tôi muốn nhấn mạnh rằng, đây là dịp rất quan trọng để hai bên cùng thảo luận sâu rộng về một loạt lĩnh vực như quan hệ chính trị, thương mại, hợp tác kinh tế, giao lưu nhân dân, cũng như hợp tác an ninh quốc phòng…

Bên cạnh đó, lãnh đạo hai nước cũng sẽ trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

b

Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya. (Ảnh: Tuấn Việt)

Tôi kỳ vọng, với nỗ lực từ cả hai nước, chuyến thăm sẽ tạo ra xung lực mới cho đà phát triển mạnh mẽ của quan hệ song phương trên mọi lĩnh vực trong nhiều năm tới.

Trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến có cuộc hội đàm với Thủ tướng Narendra Modi, hội kiến Tổng thống Droupadi Murmu, lãnh đạo Quốc hội và Bộ trưởng Ngoại giao S. Jaishankar.

Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chủ trì cuộc gặp gỡ và trao đổi với doanh nghiệp cũng như các học giả hai nước.

Đại sứ đánh giá như thế nào về những nét nổi bật của quan hệ song phương trong hơn 5 thập niên qua?

Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1972. Tuy nhiên, trước đó, trong giai đoạn từ năm 1950-1972, tình hữu nghị thủy chung trong sáng giữa Việt Nam và Ấn Độ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru xây dựng.

Đến nay, trên một nền tảng vững chắc là hòa bình, hữu nghị và tình bạn, trải qua bao biến cố của thời gian, lịch sử, tình hữu nghị đó vẫn mãi xanh tươi, bền vững.

Trong 52 năm qua, hai nước đã cùng nhau thúc đẩy quan hệ song phương một cách vững chắc, đặc biệt là việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016.

Nếu nói về hành trình 52 năm qua, có thể thấy, trong mọi khía cạnh, hai nước luôn có sự thấu hiểu, hợp tác. Đồng thời, hai bên sẵn sàng ủng hộ nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN, Liên hợp quốc, thúc đẩy hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.

Quan hệ kinh tế và thương mại đã thực sự chuyển mình trong 52 năm qua. Kim ngạch thương mại song phương từ mức vỏn vẹn dưới 200 triệu USD, nay đã lên đến 15 tỷ USD vào năm 2022.

Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, xin Đại sứ cho biết những ưu tiên hợp tác song phương thời gian tới?

Về ưu tiên hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, tôi cho rằng, đối với các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam và Ấn Độ, tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước và thịnh vượng là những ưu tiên quan trọng.

Do vậy, thời gian tới, Việt Nam và Ấn Độ cần tiếp tục tích cực thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, tăng cường các cơ hội trao đổi doanh nghiệp nhằm nâng cao vị thế của hai quốc gia.

Trong bối cảnh thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, nhanh chóng và khó lường, hai nước cần nêu cao tinh thần đoàn kết truyền thống và phối hợp chặt chẽ hơn trên các diễn đàn đa phương, sát cánh để cùng bảo vệ các lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.

Đặc biệt, Ấn Độ và Việt Nam cần thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, có thế mạnh như công nghệ, viễn thông, năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng. Đây cũng sẽ là lĩnh vực trọng tâm trong các cuộc thảo luận giữa lãnh đạo hai nước trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, bên cạnh thảo luận về công nghệ quốc phòng - một lĩnh vực quan trọng trong hợp tác song phương.

Đại sứ nhận định như thế nào về vai trò và vị thế quốc tế hiện nay của Việt Nam cũng như hợp tác giữa hai nước trong các khuôn khổ đa phương để giải các bài toán chung toàn cầu?

Ấn Độ và Việt Nam đều có những tương đồng trong tiếp cận các vấn đề quốc tế. Cả hai bên đều tin tưởng rằng chủ nghĩa đa phương đóng vai trò vô cùng quan trọng, là nền tảng hợp tác để tìm ra lời giải cho những bài toán chung.

Các vấn đề của các nước đang phát triển cũng chính là mối quan tâm của cả Ấn Độ và Việt Nam. Hiện nay, những vấn đề đó đang là trung tâm của các cuộc thảo luận toàn cầu như phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Hai nước mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn và cùng hướng tới lợi ích của không chỉ hai bên mà cả những lợi ích cho khu vực và thế giới. Ấn Độ và Việt Nam có thể thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong các khuôn khổ như ASEAN, Mekong-sông Hằng... Đó là một phần trong tầm nhìn chung giữa hai bên và là nền tảng cho hợp tác sâu rộng hơn giữa hai bên trong các vấn đề khu vực và thế giới.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Theo Baoquocte.vn

.
.
.