Thứ Ba, 23/07/2024, 20:00 (GMT+7)
.

Toàn văn phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Võ Văn Bình tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40

(ABO) Sáng 23-7, đồng chí Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang chủ trì và phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Báo Ấp Bắc điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Võ Văn Bình tại hội nghị.

a
Đồng chí Võ Văn Bình chủ trì và phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư khóa XI.

Kính thưa:  - Các đồng chí đại diện các cơ quan Trung ương,
                   - Các đồng chí tham dự hội nghị.

Hôm nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm trong triển khai tổ chức thực hiện tại địa phương; đề ra giải pháp để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đối với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới.

Sau một buổi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đến thời điểm này, Hội nghị đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra; qua các ý kiến phát biểu thảo luận của đại diện các ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương; đặc biệt là ý kiến phát biểu của đồng chí Nguyễn Thị Hằng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy các cấp, chính quyền địa phương, cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và chia sẻ những kinh nghiệm hay của các địa phương khác.

Đồng thời, đảm bảo các giải pháp thực hiện trong thời gian tới; thống nhất với báo cáo và phân tích, làm rõ thêm những vấn đề thực tiễn việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội của từng ngành, từng địa phương, từng cơ quan, đơn vị và có những đề xuất, giải pháp, kiến nghị trong thời gian tới. Chúng ta xem đây là những kinh nghiệm hay, những giải pháp tốt để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới. Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi xin ghi nhận, giao Văn phòng Tỉnh ủy bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo; đồng thời, đề xuất, kiến nghị với Trung ương những vấn đề còn vướng mắc trong lãnh đạo tổ chức thực hiện.

Thưa các đồng chí!

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW ngày 10-6-2021 của Ban Bí thư về tín dụng chính sách xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ, khá toàn diện. Các chương trình chính sách xã hội đã đi vào cuộc sống của các tầng lớp Nhân dân, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Việc bố trí, quản lý, huy động, sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt kết quả khá tốt, hiệu quả sử dụng ngày càng được nâng lên, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra.

Thời gian qua, cùng với nguồn vốn ngân sách của Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã đã cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn đạt được nhiều kết quả thiết thực.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% các xã, phường, thị trấn trong tỉnh; từ nguồn vốn này đã hỗ trợ trên 894 ngàn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn để chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất - kinh doanh,...; qua đó, có hơn 102 ngàn hộ vượt qua được ngưỡng nghèo; trên 94 ngàn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường, không bị gián đoạn việc học tập; hơn 146 ngàn lao động được tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm; tạo điều kiện cho gần 800 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; có 331.769 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, 14.795 căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách được xây dựng; 41 doanh nghiệp (người sử dụng lao động) được vay vốn trả lương cho người lao động lúc khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát; 8.866 khách hàng được vay vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; giúp 85 người chấp hành xong án phạt tù có vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng; qua đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế của địa phương.

Thông qua các chương trình tín dụng chính sách đã làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 0,97% (giảm 4,01% so với năm 2014), hoàn thành tốt nhiều chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới; ngăn chặn nạn cho vay lãi nặng, “tín dụng đen”.

Chúng ta khẳng định, các chương trình tín dụng chính sách xã hội có tác động rất lớn và rất thiết thực đến việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; được xem là một trong những đòn bẩy “kích cầu” kinh tế nhằm kích thích hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của tỉnh.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy tôi ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh đã triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư trong thời gian qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư về tín dụng chính sách xã hội có mặt vẫn còn một số hạn chế, đó là:

Việc bố trí nguồn vốn địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tuy được quan tâm, nhưng thực hiện vẫn còn chậm (tính đến ngày 30-6-2024, tỉnh đã thực hiện 371,7 tỷ, chiếm 8,57%, thấp hơn mức trung bình chung cả nước là khoảng 12%). Còn một ít cấp ủy, chính quyền chậm ban hành văn bản cụ thể hoá Chỉ thị 40 của Ban Bí thư; nguồn vốn cho vay một số chương trình chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời so với nhu cầu thực tế cần vay vốn hiện nay của người dân (như Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn). Việc rà soát, bổ sung các đối tượng bị rủi ro, bị thiệt hại do thiên tai, bệnh hiểm nghèo, nguy cơ tái nghèo để tiếp cận nguồn vốn có nơi chưa kịp thời. Việc huy động các nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp cho tín dụng chính sách xã hội còn hạn chế, trong khi nhu cầu mở rộng đối tượng cho vay, đặc biệt là các hộ có mức sống trung bình nhưng rất cần vốn để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Các đoàn thể chính trị - xã hội hiện nay có nhiều chương trình cho vay nhưng có nơi chưa theo dõi chặt chẽ, giám sát, tư vấn cho người vay sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có những trường hợp làm kinh tế (sản xuất - kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt) không hiệu quả, rủi ro không có khả năng trả nợ vay, phát sinh nợ quá hạn gia tăng (nợ xấu). Các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư... chưa gắn kết tốt với hoạt động tín dụng chính sách xã hội để giúp hộ vay sử dụng vốn mang lại hiệu quả...

Thưa các đồng chí!

Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư; có giải pháp khắc phục những hạn chế nhằm thực hiện tốt hơn nữa hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới; Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai đồng bộ các giải pháp, tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn. Trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22-11-2014 và Kết luận 06-KL/TW ngày 10-6-2021 của Ban Bí thư đến các tổ chức, cơ sở đảng nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội; xác định công tác tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) và chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2021 - 2030), góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra.

Thứ hai, bố trí kịp thời nguồn lực cho các chương trình tín dụng chính sách xã hội nhằm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh (chương trình giảm nghèo, y tế, nước sạch, môi trường, xây dựng nông thôn mới...). Tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn có tính chất từ thiện và các nguồn vốn hợp pháp khác vào Ngân hàng Chính sách xã hội. Hàng năm, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp tiếp tục dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương đưa vào dự toán chi ngay từ đầu mỗi năm để chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội, bổ sung nguồn vốn ủy thác cho vay đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Thứ ba, cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Chính sách xã hội hoạt động, phục vụ nhu cầu vay vốn của người dân. Lồng ghép nguồn vốn tín dụng chính sách với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội khác để thực hiện có hiệu quả; thực hiện tốt việc rà soát và kịp thời cập nhật, bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo, đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện, có nhu cầu đều được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, có điều kiện phấn đấu vươn lên làm giàu chính đáng.

Thứ tư, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, nhất là công tác kiểm tra của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp, của Chủ tịch Ủy ban nhân cấp xã, của tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác,… để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện cũng như  nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đề xuất kiến nghị của cơ sở và người dân, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn tín dụng chính sách.

Thứ năm, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp nâng cao trách nhiệm trong việc phối hợp thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Tăng cường triển khai thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giám sát toàn dân đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Thực hiện tốt Chương trình phối hợp gữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Ngân hàng Chính sách xã hội; các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, nắm chắc tình hình sử dụng nguồn vốn vay của các đối tượng vay (ở tất cả các ngân hàng), tư vấn cho người vay sử dụng đồng vốn đúng mục đích, không để tình trạng phát sinh “nợ xấu”. Tuyệt đối không để các trường hợp người dân gặp rủi ro, khó khăn đột xuất phải vay từ các đối tượng cho vay lãi nặng, "xã hội đen", từ đó sẽ phát sinh nhiều hệ luỵ...

Thứ sáu, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục phát huy vai trò tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp quán triệt, tổ chức thực hiện Chỉ thị 40, Kết luận 06 của Ban Bí thư, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan, các tổ chức chính trị xã hội các cấp trong việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đảm bảo kịp thời, hiệu quả, công bằng, công khai, dân chủ và an toàn vốn. Đặc biệt, tham mưu tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030 theo Quyết định 05/QĐ-TTg ngày 4-1-2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Thưa các đồng chí!

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư, chúng ta khẳng định, tín dụng chính sách xã hội là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta; là công cụ, giải pháp quan trọng để thực thi chủ trương của Đảng và Nhà nước về chính sách xã hội, đảm bảo gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế, đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng nấc thang phát triển; góp phần quan trọng giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường ở nước ta.

Để tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiến nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Hội nghị đến đây kết thúc, kính chúc đồng chí Nguyễn Thị Hằng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, các đồng chí dự hội nghị mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!

VÕ VĂN BÌNH
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang

.
.
.