Thứ Hai, 19/08/2024, 10:54 (GMT+7)
.

Cách mạng Tháng Tám - Biểu tượng sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

79 năm trôi qua, tầm vóc và ý nghĩa của thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã khắc sâu dấu ấn vào sự nghiệp chiến đấu, xây dựng, đổi mới đất nước của nước ta trong suốt chiều dài lịch sử.

SỨC MẠNH CỦA “Ý ĐẢNG - LÒNG DÂN”

Cách mạng Tháng Tám thành công đã mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời vào ngày 2-9-1945, kết thúc những chuỗi ngày đau khổ tột cùng của nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, phát xít Nhật. Từ đây, dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới: Độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội.

Cần khẳng định rằng, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, mà trong đó yếu tố nổi bật nhất là việc xác định đúng mục tiêu của cách mạng, tập hợp sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc - sức mạnh của “ý Đảng - lòng dân”.

Mít tinh Tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội tháng 8-1945. Ảnh tư liệu
Mít tinh Tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội tháng 8-1945. Ảnh tư liệu

Điều đó được thể hiện rõ nét trong việc tập hợp nhân dân vào các đoàn thể yêu nước trong Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương (tháng 11-1939), Mặt trận Dân tộc thống nhất chống phát xít Pháp - Nhật ở Đông Dương (tháng 11-1940), rồi đến sự ra đời Mặt trận Việt Minh (tháng 5-1941) đã đặt quyền lợi dân tộc là trên hết, thu hút được sự tham gia của đông đảo nhân dân với các tầng lớp khác nhau.

Từ đó, các tổ chức, đoàn thể cứu quốc của Việt Minh như Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc… đã trở thành trung tâm của phong trào cứu quốc trong cả nước, tích cực vận động quần chúng tham gia các hoạt động của Mặt trận, mở rộng căn cứ cách mạng trong cả nước. Chính sách đoàn kết, tập hợp lực lượng của Đảng và Mặt trận Việt Minh ngày càng được bổ sung, hoàn chỉnh trên cơ sở thực tiễn và yêu cầu của cách mạng lúc bấy giờ.

Tất cả mọi tầng lớp nhân dân đã đứng trong các tổ chức cứu quốc, tập hợp xung quanh ngọn cờ cứu nước của Mặt trận Việt Minh, sẵn sàng vùng lên Tổng khởi nghĩa giành độc lập dân tộc khi thời cơ cứu nước đến.

Đến đầu năm 1945, khi tình hình thế giới và trong nước chuyển hướng có lợi cho ta, để tích cực chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa, Đảng ta càng chú ý đẩy mạnh việc mở rộng cơ sở Mặt trận Việt Minh. Đỉnh cao là việc phát động cao trào “kháng Nhật, cứu nước”, phong trào “Phá kho thóc của Nhật, giải quyết nạn đói” đã đáp ứng đúng nguyện vọng bức thiết của nhân dân.

Đó là nghệ thuật phát động quần chúng, là hình thức đấu tranh thích hợp để đưa nhân dân đi từ hình thức đấu tranh thấp đến hình thức đấu tranh cao, từ đấu tranh cho quyền lợi kinh tế hằng ngày đến giác ngộ chính trị, giành chính quyền về tay nhân dân.

Đồng thời, phong trào này dẫn tới sự phân hóa trong các tổ chức chính trị, đảng phái như Nội các Trần Trọng Kim với “bánh vẽ độc lập” mà phát xít Nhật đưa ra đã bị phân hóa trước thắng lợi của cao trào cách mạng, trước sức mạnh của quần chúng nhân dân; các hội Tân Việt Nam, Hội nghị tư vấn quốc gia cũng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Khi các điều kiện tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa đã chín muồi, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước nhất tề đứng lên tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng và chỉ trong hai tuần lễ (từ ngày 14 đến 25-8-1945), Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi vang dội trong cả nước.

Tinh thần của Cách mạng Tháng Tám, bài học về tập hợp sức mạnh đại đoàn kết dân tộc tiếp tục được phát huy và nâng cao trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954; cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và tay sai, mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975 và trong cuộc xây dựng, hội nhập, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

TỰ HÀO VÀ PHÁT HUY HÀO KHÍ CÁCH MẠNG THÁNG TÁM

Lật lại trang sử hào hùng Đảng bộ tỉnh Tiền Giang, đầu năm 1945, dưới ánh sáng cách mạng của Đảng, ảnh hưởng của Mặt trận Việt Minh, phong trào cách mạng ở Tiền Giang tiếp tục dâng cao. Tháng 5-1945, Tỉnh ủy Mỹ Tho và Tỉnh ủy lâm thời Gò Công được tái lập. Hệ thống cơ sở Đảng đã được củng cố và phát triển mạnh ở khắp các địa phương.

Tháng 8-1945, hòa nhập với cao trào Tổng khởi nghĩa của cả nước, khi điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi, nhân dân tỉnh nhà đã đồng lòng đứng lên giành quyền làm chủ, góp phần cùng cả nước tạo nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, lập ra chính quyền nhân dân.

Từ mùa Thu Cách mạng Tháng Tám năm 1945, người dân Tiền Giang luôn một lòng theo Đảng, theo cách mạng, tiếp tục đứng lên chiến đấu chống lại ách xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong công cuộc kiến thiết quê hương, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, gian khổ nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh vẫn đoàn kết, thống nhất, khắc phục khó khăn để vươn lên, phấn đấu xây dựng quê hương ngày một ổn định, phát triển bền vững, mang lại cuộc sống ổn định, ấm no cho người dân tỉnh nhà.

Cùng với tinh thần trách nhiệm cao, đoàn kết phấn đấu, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiền Giang đã đưa địa phương có những bước chuyển mình ấn tượng trên mọi mặt. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 5,56%; kim ngạch xuất khẩu 2,97 tỷ USD, đạt 59,3%, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có sự chuyển biến tích cực, các chính sách đối với người có công và an sinh xã hội được thực hiện tốt. Trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể luôn được quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng tổ chức, bộ máy.

Đồng thời, luôn coi trọng việc định hướng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống gắn với phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu; tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ...

Nhìn lại chặng đường 79 năm từ mùa Thu Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân tỉnh Tiền Giang luôn phát huy truyền thống cách mạng, nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, biến khó khăn, thách thức thành động lực đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển nhanh và bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

LÊ NGUYÊN

.
.
.