Thứ Hai, 26/08/2024, 10:49 (GMT+7)
.
ĐỒNG CHÍ ĐOÀN VĂN TUẤN, TỈNH ỦY VIÊN, BÍ THƯ HUYỆN ỦY, CHỦ TỊCH HĐND HUYỆN TÂN PHƯỚC:

Phát huy những thành quả đã đạt, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế đưa huyện Tân Phước tiếp tục phát triển

Đến ngày 27-8-2024, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang tròn 30 năm tuổi với nhiều đổi thay và phát triển sau những khó khăn, thách thức. Thành quả đạt được hôm nay là kết quả của sự đồng lòng, chung sức phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Phước, đặc biệt là dấu ấn tâm huyết của các thế hệ cán bộ qua các thời kỳ, kể từ khi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang phát động chủ trương khai hoang vùng Đồng Tháp Mười.

Nhân dịp này, đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tân Phước đã có những trao đổi với Báo Ấp Bắc về các kết quả đạt được của huyện sau 30 năm thành lập và phát triển.

* Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết về công tác xây dựng Đảng của huyện trong thời gian qua?

* Đồng chí Đoàn Văn Tuấn: Tháng 8-1994, huyện Tân Phước được thành lập, đánh dấu bước khởi đầu trên vùng đất được mệnh danh là “rốn lũ, rốn phèn”. Với quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ huyện Tân Phước từ Ban Chấp hành lâm thời (8-1994 - 4-1996) cho đến nay (sắp hết nhiệm kỳ khóa VI, 2020 - 2025) đã thể hiện cao nhất vai trò trách nhiệm, tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và phát triển huyện Tân Phước.

Trong suốt quá trình đó, Đảng bộ huyện Tân Phước luôn nhận được sự quan tâm sâu sát của Tỉnh ủy - UBND tỉnh; các sở, ban, ngành tỉnh, đặc biệt là sự tâm huyết của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện qua các thời kỳ đã quan tâm chỉ đạo, động viên, vạch ra nhiều chương trình, kế hoạch mang tính chiến lược giúp cho Đảng bộ huyện Tân Phước có các giải pháp đưa huyện nhà phát triển đi lên.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ, toàn diện, đạt nhiều kết quả quan trọng. Toàn Đảng bộ hiện có 2.340 đảng viên đang sinh hoạt tại 54 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 15 đảng bộ cơ sở với 135 chi bộ trực thuộc.

Công tác quản lý đảng viên đi vào nền nếp, việc đánh giá chất lượng đảng viên được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, tỷ lệ đảng viên hoàn thành nhiệm vụ trở lên hằng năm đạt trên 99%.

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng được nâng lên. Đội ngũ cán bộ, đảng viên được tôi luyện trong thử thách, trưởng thành nhiều mặt, có kỷ luật, kỷ cương, tinh thần trách nhiệm, ý thức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục đạt nhiều kết quả, các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ được ngăn chặn, đẩy lùi.

* PV: Cơ sở hạ tầng của huyện Tân Phước từ một huyện có nhiều khó khăn, ngày nay đã phát triển như thế nào thưa đồng chí?

* Đồng chí Đoàn Văn Tuấn: Kết cấu hạ tầng kỹ thuật tiếp tục được đầu tư nâng cấp, kết nối đồng bộ, tăng công năng phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Qua hơn 3 năm thực hiện Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 2020 - 2025, tổng số hạng mục, công trình được triển khai trên địa bàn huyện là 162 hạng mục công trình với tổng nguồn vốn khoảng 500 tỷ đồng.

Về giao thông, tập trung đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ hệ thống giao thông nội huyện, kết nối hệ thống đường tỉnh qua địa bàn với tổng chiều dài hơn 1.300 km (bao gồm đường tỉnh, đường huyện và đường giao thông nông thôn), hầu hết được đầu tư trải nhựa hoặc bê tông hóa, đáp ứng vận tải hàng hóa lớn.

Hệ thống công trình thủy lợi tiếp tục được hoàn thiện, nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, phục vụ sản xuất, huyện đã đầu tư củng cố, nâng cấp 134 ô bao, xử lý, gia cố 718,9 km đê, nâng công suất 172 trạm bơm điện với 293 máy bơm; xây dựng 190 cống các loại (trong đó có 54 cống hở), thông dòng chảy hệ thống kinh các cấp (I, II, III) với tổng chiều dài khoảng 688 km và 1.106 km kinh nội đồng.

Chú trọng đầu tư lưới điện hạ thế phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, nâng tỷ lệ hộ có điện sử dụng đến nay đạt 100%, chất lượng cung cấp điện cho sản xuất, sinh hoạt ngày càng tốt hơn.

 Đồng chí Đoàn Văn Tuấn (bìa trái) trao đổi với doanh nghiệp tại Hội nghị Giới thiệu cơ hội đầu tư huyện Tân Phước. 	                                                                                                                                                                  									                                               Ảnh: CAO THẮNG
Đồng chí Đoàn Văn Tuấn (bìa trái) trao đổi với doanh nghiệp tại Hội nghị Giới thiệu cơ hội đầu tư huyện Tân Phước. Ảnh: CAO THẮNG

* PV: Đồng chí có thể đánh giá về sự phát triển kinh tế của huyện Tân Phước sau 30 năm ?

* Đồng chí Đoàn Văn Tuấn: 30 năm qua, các cấp ủy, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, nỗ lực hướng tới mục tiêu chung, đó là tạo sự chuyển biến tích cực, toàn diện trên mọi lĩnh vực, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân huyện nhà.

Công tác phát triển kinh tế được xem là nhiệm vụ trung tâm. Bằng nỗ lực và quyết tâm cao, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Tân Phước triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả để từng bước khắc phục khó khăn, phát huy lợi thế, phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Trong phát triển kinh tế, nhận thức rõ những khó khăn trước mắt và lâu dài, Đảng bộ huyện xác định bước đi, chương trình trọng điểm, khâu đột phá từng giai đoạn với mục tiêu chung là đẩy mạnh tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và thương mại dịch vụ. Trong đó, ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, hình thành các khu, cụm công nghiệp.

Với những bước đi phù hợp, kinh tế huyện Tân Phước luôn phát triển ổn định, tổng giá trị sản xuất liên tục tăng trưởng, cụ thể: Giai đoạn 2000 - 2005, bình quân tăng 8,68%/năm; giai đoạn 2005 - 2010, bình quân tăng 16,01%/năm; giai đoạn 2010 - 2015, bình quân tăng 15,18%; giai đoạn 2015 - 2020, bình quân tăng 17,13%; trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và hạn, mặn nhưng kinh tế vẫn phát triển, tổng giá trị sản xuất bình quân các năm: 2020, 2021, 2022, 2023 tăng 6,58%/năm.

Lĩnh vực nông nghiệp, tập trung phát triển theo hướng chất lượng, hiệu quả và bền vững, từng bước hình thành các mô hình sản xuất hàng hóa lớn, liên kết theo chuỗi giá trị. Công tác triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp mang lại nhiều kết quả khả quan, mở ra nhiều triển vọng cho phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao.

Công tác xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh sớm đạt mục tiêu đề ra, 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thị trấn Mỹ Phước đạt chuẩn đô thị văn minh, huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới đúng dịp kỷ niệm 30 năm thành lập huyện vào tháng 8-2024.

Lĩnh vực công nghiệp có tốc độ phát triển khá nhanh, môi trường đầu tư luôn được cải thiện, toàn địa bàn có 329 doanh nghiệp đang triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khu công nghiệp Long Giang có quy mô diện tích 540 ha với hạ tầng hiện đại, hoàn chỉnh, thu hút 55 doanh nghiệp quy mô lớn hoạt động ổn định; đặc biệt, Dự án Khu công nghiệp Tân Phước 1 vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; Cụm công nghiệp Thạnh Tân đang trong giai đoạn triển khai, hứa hẹn nhiều triển vọng phát triển công nghiệp trong thời gian tới.

Thương mại - dịch vụ phát triển ổn định, hệ thống hạ tầng thương mại từng bước được đầu tư phát triển, mở rộng quy mô, đa dạng loại hình, phong phú về chủng loại hàng hóa phục vụ tốt hơn cho người dân. Trong đó, đã tiến hành nâng cấp, mở rộng chợ Tân Phước, chợ Phú Mỹ và một số chợ nông thôn. Các loại hình dịch vụ ngày càng đa dạng, đặc biệt dịch vụ du lịch có nhiều yếu tố khởi đầu thuận lợi, điểm nhấn là Khu Bảo tồn và du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười, Khu du lịch sinh thái Trung Kiên…

Tiềm năng phát triển du lịch dần được khai thác bằng nhiều bước đi phù hợp, đặc biệt là khai thác, phát triển tour du lịch sinh thái - tâm linh - làng nghề liên kết với phát triển vùng theo tinh thần Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy.

* PV: Còn về lĩnh vực văn hóa - xã hội của huyện thì sao, thưa đồng chỉ?

* Đồng chí Đoàn Văn Tuấn: Đúng vậy, lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo. Sự nghiệp giáo dục, đào tạo đạt được những tiến bộ quan trọng; các công trình y tế, giáo dục, các thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư xây dựng theo chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Đến nay, toàn huyện có 26/28 trường học đạt chuẩn quốc gia. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng. Hệ thống các cơ sở khám, chữa bệnh từ huyện đến xã được củng cố, nâng cấp, 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế xã.

Hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao được quan tâm, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu hưởng thụ tinh thần của nhân dân. Đời sống vật chất, tinh thần của đại đa số người dân được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân đầu người đạt 63,6 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 3 lần so năm 2011, tăng gấp đôi so năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo thời điểm mới thành lập huyện có đến 45%, nay chỉ còn 1,59% theo chuẩn đa chiều.    

Công tác quân sự - quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên; cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng hiện đại, phục vụ nhân dân. Công tác vận động quần chúng được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, chú trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân. 

Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể có nhiều đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tích cực phát động mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, sự đồng thuận xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố, mở rộng.

* PV: Đồng chí có thể cho biết mục tiêu phát triển của huyện Tân Phước trong thời gian tới?

* Đồng chí Đoàn Văn Tuấn: Có thể khẳng định rằng, sau 30 năm thành lập và phát triển, huyện Tân Phước đã có bước chuyển mình mạnh mẽ và toàn diện. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Phước phấn khởi, tự hào và càng quyết tâm hơn nữa trên con đường phát triển, hướng tới mục tiêu phấn đấu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong nhiệm kỳ tiếp theo.

Để thực hiện mục tiêu đó, huyện sẽ tiếp tục phấn đấu, tập trung công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của hệ thống chính trị, triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030; tiếp tục giữ vững quốc phòng - an ninh; thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Đối với lĩnh vực kinh tế, huyện sẽ tập trung rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch phát triển, khai thác tối đa, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế so sánh của huyện; tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các sở, ngành tỉnh nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong phát triển.

Tập trung các giải pháp chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng toàn diện và bền vững; sớm triển khai các dự án khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch, phê duyệt trên địa bàn; chú trọng phát triển dịch vụ du lịch trên cơ sở lợi thế hiện có gắn với liên kết vùng; triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư; xây dựng và tổ chức thực hiện một số chương trình kinh tế trọng điểm, khâu đột phá nhằm tiếp tục đưa huyện Tân Phước phát triển nhanh, mạnh hơn nữa trong tương lai.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

CAO THẮNG (thực hiện)

.
.
.